Sáng hôm ấy cả nhà tôi thức dậy từ sớm. Khách sạn tôi ở nằm cạnh biển và con đường dọc biển luôn là con đường thật đẹp. Chúng tôi ra khỏi cổng và bước qua phía bên kia đường. Đã có rất nhiều người đạp xe, chạy bộ buổi sáng. Cả nhà ba người quyết định đi dạo hướng về phía xa, song song với những con tàu hàng đang ra khơi. Ở Vũng Tàu, có lẽ chỉ có biển là bận rộn với các tàu hàng, tàu cá. Còn chúng tôi như những người khách rong chơi, dành từng giây phút chỉ để thăm thú thành phố biển xinh đẹp này.
Hoà vào nhịp sống của người bản xứ để thấy một Vũng Tàu rất khác
Những bước chân dạo chơi buổi sớm
Dạo bộ buổi sáng và ngắm nhìn cảnh vật xung quanh là một cách hay ho để hoà vào nhịp thở của nơi mình đến. Từng góc phố, ngôi nhà, hàng cây đều mang trong mình nét đặc trưng riêng của mỗi vùng đất.
Vũng Tàu có một “đặc sản” được du khách rất yêu thích đó là những giàn hoa giấy. Hoa như đám mây hồng trôi lững lờ từ núi ra biển. Những đám mây hồng này có khắp mọi nơi như lũ trẻ tinh nghịch chạy chơi không biết mỏi.
Trên con đường đi dạo buổi sáng, tôi gặp hai cô chú người nước ngoài khá là lớn tuổi. Họ đang trò chuyện cùng một chú người dân địa phương và có lẽ là đang cần sự trợ giúp phiên dịch. Tôi đã đến hỏi họ có cần giúp đỡ không, và cũng nhờ vậy mà tôi biết được thêm những con người đáng mến.
Hai cô chú là người Mỹ, chú đã 74 tuổi và cô thì 72. Nhưng trông bề ngoài họ rất rắn rỏi và khoẻ mạnh. Họ đã đến Vũng Tàu được một tháng, tiếp đó sẽ đi những vùng đất khác của nước Việt Nam. Điều khiến tôi cảm phục là chú Vũng Tàu nói sáng nào chú chạy xe đạp cũng gặp hai cô chú này đi bộ từ trong trung tâm thành phố đi ra. Đúng là phải như vậy mới hoà vào nhịp sống của người bản xứ, mới càng thêm yêu thành phố Vũng Tàu bình yên này.
Sóng biển vỗ về bàn chân
Lần đi Vũng Tàu này là lần thứ ba và khác với hai lần trước, tôi đi bằng xe máy. Hai lần trước, vì đi cùng bạn bè, đồng nghiệp nên lịch trình phải theo nhóm. Lần này chúng tôi đã có rất nhiều thời gian để la cà, dừng chân nơi mình muốn. Trước đây tôi nghĩ bãi biển Vũng Tàu chỉ toàn đá và cách hưởng thụ chỉ là ngồi cafe ngắm biển.
Nhưng lần này ông chồng tôi đã chở hai mẹ con đi dọc con đường Trần Phú để xem hết con đường bãi biển. Đến khi thấy một đoạn bãi biển rất đẹp và ưng thì chúng tôi dừng lại. Và kết quả là bé con nhà tôi đã được thoả thích chơi cát, nhặt nhạnh những vỏ ốc mang về nhà. Chúng tôi được những con sóng vỗ về bàn chân, ngồi nhìn nắng gió biển cả và hình dáng vui vẻ của con.
Những dấu tích thời gian từ quá khứ đến hiện tại
Tượng chúa cứu thế và Đức mẹ Bãi Dâu
Cả hai di tích này đều nằm trên đồi. Và chúng tôi đã có trải nghiệm leo đồi bậc thang rất vui vẻ cùng nhau. Điểm đặc trưng của của Vũng Tàu là núi nhìn ra biển và hầu như các di tích nhà thờ, đền, chùa đều nằm trên núi. Mặc dù gia đình tôi không theo đạo nhưng tham quan những công trình tôn giáo tín ngưỡng là niềm yêu thích của cả nhà.
Quãng đường leo bậc thang để lên đồi cao đối với hai vợ chồng và bé con không hề vất vả. Con đường đi lên hai bên được phủ bóng cây, gió thì thổi như dạo chơi. Và càng đi lên chúng tôi càng được phóng tầm mắt ra xa để nhìn Vũng Tàu từ trên cao. Cả thành phố như thu bé lại chỉ bằng một bức tranh phong thuỷ hữu tình.
Bảo tàng Vũng Tàu
Bảo tàng Vũng Tàu ở đường Trần Phú là bảo tàng ở Việt Nam đầu tiên mà khi vào thăm tôi phải tấm tắc khen. Đây có lẽ là sự đầu tư khôn ngoan của thành phố Vũng Tàu. Bảo tàng được chia thành ba tầng tham quan với một con đường bậc thang nối dài từ tầng 1 lên tầng 3. Kiểu thiết kế giật cấp tạo ra sự kết nối rõ ràng khiến người tham quan dễ dàng hình dung ra các khu vực, lối đi.
Cái hay của bảo tàng là có những hiện vật được trưng bày theo cách tái hiện lại đúng không gian mà chúng từng được tìm thấy. Người xem có cơ hội cảm nhận một cách rõ ràng hơi thở của thời gian, không gian mà quá khứ để lại. Bảo tàng còn mô phỏng một đoạn địa đạo để du khách được trải nghiệm sinh hoạt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phải công nhận tái hiện để người xem được trải nghiệm là điểm sáng giá của bảo tàng Vũng Tàu.
Hồ Mây và Thiền Viện Chơn Không
Không ở đâu như ở thành phố biển Vũng Tàu mà các công trình tôn giáo nhiều vô kể. Tất cả đều toạ lạc trên những góc đồi thần thánh, đẹp vô cùng. Cái hay của ngày nay là các tôn giáo ở đây đều có một sự tồn tại ôn hoà cùng nhau. Cả hồ Mây và thiền viện Chơn Không đều nằm trên đỉnh núi Lớn. Chạy xe máy dọc theo con đường núi dốc thẳng lên đỉnh núi Lớn là một trải nghiệm thú vị. Hai bên đường là hoa hoa cỏ cỏ cây cây. Tôi còn bắt gặp một đám hoa dã quỳ tưởng lạc đâu từ Lâm Đồng xuống đây nữa.
Hồ Mây nằm chính xác là trên đỉnh núi Lớn và có thể đi bằng xe máy lên hoặc là đi cáp treo. Ở đây có Hồ Mây park có bán vé tham quan. Từ đó trở ngược xuống núi khoảng một cây số là thiền viện Chơn Không. Thiền viện thờ Phật Niệm Hoa.
Tôi cực kỳ yêu thích khu vườn hoa nơi đây. Những bông hoa trắng li ti như kết thành một tấm áo choàng xinh đẹp của nàng tiên. Từ thảm hoa này nhìn ra xa lại là một góc đẹp mê mẩn khác của thành phố Vũng Tàu từ trên cao.
Một Vũng Tàu rất yên bình để nhớ và trở về
Một vùng đất khiến du khách hạnh phúc và bình yên trong những trải nghiệm chắc chắn sẽ khiến họ nhớ và muốn trở về thăm. Vũng Tàu cũng vậy, hãy dành cho vùng đất này thời gian để hoà vào nhịp thở nơi đây. Chúng tôi dạo chơi thật chậm rãi để nhìn được thành phố trọn cả góc nhìn 360 độ, để không bỏ lỡ những điều nhỏ bé mà gây thương làm nhớ. Đó là những buổi sáng đi dạo dọc con đường quanh co để ngắm biển ngắm đồi núi và cả những giàn hoa giấy hồng rực rỡ. Hay là những giây phút đắm mình vào làn nước, cho sóng vỗ về và cát dịu êm.
Đó là những chuyến đi lên núi để gần hơn với cỏ cây, để phóng tầm mắt ra xa nhìn biển êm sóng vỗ vào thành phố nhỏ. Hay là kiếm một góc phố nhỏ, ngồi trên chiếc ghế đẩu ăn ly kem bơ sầu riêng thơm nức mũi.
Rồi có lúc tạt vào quán nhỏ bên đường trú cơn mưa bất chợt, lại ăn một ly kem Mixue. Những điều nhỏ bé ấy lại khiến cho Vũng Tàu thật bình yên quá đỗi. Và chính cảm giác bình yên ấy sẽ khiến những lữ khách mong mỏi quay lại cho thoả lòng nhớ nhung.