Critical thinking hay tư duy phản biện là một kỹ năng quan trọng trong suy xét vấn đề. Những ai có thể áp dụng tư duy phản biện vào công việc và cuộc sống, đều sẽ hiểu thấu tỏ được nhiều thứ quan trọng. Và từ đó, họ có được sự thuận lợi cũng như hanh thông trong những việc họ làm. Vậy tư duy phản biện là gì? Chúng ta có quá phức tạp hoá về tư duy phản biện? Và làm cách nào để rèn luyện tư duy phản biện từ những khởi đầu đơn giản?
Tư duy phản biện chính là tư duy thấu suốt
Ý nghĩa của tư duy phản biện
Trước tiên chúng ta cùng phân tích nghĩa của từ phản biện. “Phản” tức là nghĩ, xét lại, còn “biện” nghĩa là phân tích, biện luận. Phản biện nghĩa là quá trình suy xét một sự việc để đưa ra một nhận định hay quyết định nào đó. Tư duy phản biện tức là những suy nghĩ, đánh giá hợp lý để hiểu một sự việc gì đó một cách toàn diện, thấu suốt.
Ngày trước, học sinh Việt Nam không được dạy cách tư duy phản biện trong học tập và nghiên cứu. Nhưng những năm gần đây, chúng ta đã được tiếp cận nhiều hơn về tư duy phản biện. Từ “phản biện” trở nên gần gũi hơn và đời thường hơn. Có nghĩa là không phải chỉ nghiên cứu khoa học mới cần phản biện mà cả trong cuộc sống hàng ngày. Tư duy phản biện chính là chìa khoá cho lối suy nghĩ hướng đến hiểu thấu suốt vấn đề.
Phản biện để thấu suốt
Có thể nói tư duy phản biện chính là tư duy thấu suốt. Phản biện không phải là phản bác hay tranh cãi, mà là ta suy nghĩ một cách cẩn trọng để có một đánh giá sâu sát nhất. Phản biện không phải là chứng minh anh sai tôi đúng, mà là tiếp cận một vấn đề từ nhiều góc nhìn để hiểu thấu tỏ. Chính vì những lý do này mà tư duy phản biện đã trở nên vô cùng quan trọng không chỉ trong học tập, công việc mà cả trong cuộc sống hàng ngày.
Khởi đầu rèn luyện tư duy phản biện
Bạn cần đặt những câu hỏi
Để khởi đầu rèn luyện tư duy phản biện bạn cần thường xuyên tự mình đặt câu hỏi. Những câu hỏi này có mục tiêu nhắm vào việc hiểu rõ ràng và thấu suốt một vấn đề nào đó. Ví dụ như khi bạn tiếp cận với một thông tin nào đó, hãy khoan phân định đúng, sai. Bạn hãy ngừng lại một vài phút và tự hỏi mình:
- Thông tin này được đưa ra trong hoàn cảnh nào,
- Mục đích của thông tin là gì,
- Có những hạn chế nào khiến thông tin có thể bị sai lệch không?
- Hoặc bất cứ câu hỏi nào giúp bạn đánh giá thấu suốt thông tin mình đang tiếp nhận được.
Những câu hỏi sẽ giúp bạn tiếp nhận thông tin có chủ đích. Bạn có những phân tích và nhận định của riêng mình chứ không phải ai nói sao nghe vậy. Có chính kiến chính là bước khởi đầu trong việc rèn luyện tư duy phản biện.
Chậm lại một chút
Theo nghiên cứu của Daniel Kahneman về tư duy nhanh và chậm thì hành động của con người được quyết định bởi một trong hai hệ thống trong não bộ. Tạm gọi là hệ thống 1 và hệ thống 2. Ông là người đã đạt giải Nobel trong lĩnh vực Khoa học Kinh tế năm 2002.
- Hệ thống 1 còn được gọi là tư duy nhanh, có nghĩa là tư duy đã được lập trình sẵn để đưa ra những quyết định nhanh chóng. Ví dụ, hệ thống 1 sẽ hoạt động khi bạn lái xe hay làm một điều gì đó quen thuộc.
- Trong khi hệ thống 2 còn được được gọi là tư duy chậm, có nghĩa là não bộ phải tập trung suy xét cẩn thận hơn. Hệ thống 2 sẽ hoạt động khi bạn làm các công việc về tính toán, sáng tạo nội dung hay phân tích thấu suốt vấn đề.
Như vậy có thể nói, tư duy phản biện cần hệ thống 2 hoạt động một cách tích cực. Nghĩa là bạn cần chậm lại một chút khi suy xét vấn đề. Điều này giúp não bộ có thời gian để đưa ra những câu hỏi, những phân tích từ nhiều khía cạnh. Từ đó mới giúp bạn thấu suốt về vấn đề mình gặp phải. Hãy bắt đầu bằng cách chậm lại, đặt các câu hỏi để chắt lọc những thông tin quan trọng cho chính mình. Tư duy phản biện sẽ là cầu nối đưa bạn đến những chân trời mới.
Các bài viết cùng chủ đề Hành Trình Khai Minh: