Bạn có từng nghe những câu thiên kiến nặng như đá tảng, ví dụ như vầy? “Con gái thì giỏi văn, con trai thì giỏi toán”. “Cô ấy/anh ấy là người hướng nội đấy, không làm sếp được đâu”. “Đứa nhỏ ấy chẳng bao giờ chịu ngồi yên”. Những nhận định này có thể đến từ chính bạn hoặc người khác. Chúng có thể đúng với tình huống đang xảy ra nhưng vấn đề là chúng không nên mang tính đại diện.
Mỗi người đều có những cá tính riêng và một tình huống xảy ra không thể đại diện cho toàn bộ tổng thể. Quan trọng hơn là, mọi thứ đều thay đổi từng ngày, ngay cả bản thân vấn đề cũng sẽ thay đổi. Vì vậy đừng để những hòn đá tảng thiên kiến ngăn bước chân bạn trên hành trình cuộc đời.
Những hòn đá nhỏ, những tảng đá to
Thiên kiến là những tảng đá vô hình
Thiên kiến (bias) là những tảng đá vô hình vì khi ta có thiên kiến, ta chẳng hề nhận ra. Chúng là những nhận định không toàn vẹn về một điều gì đó hay một ai đó. Chính những nhận định mang tính sai lệch này sẽ làm cho quyết định của chúng ta thiếu chính xác. Thậm chí trong nhiều tình huống, ta tự giới hạn chính mình vì những nỗi lo sợ không có căn cứ do chính thiên kiến tạo nên. Và cả những trường hợp ta tự biến “lời tiên tri” từ thiên kiến của người khác trở thành sự thật.
Từ nhỏ tôi đã nghe tất cả những người xung quanh nói rằng con gái không bao giờ học giỏi toán. Đúng là những giờ toán học luôn là cực hình đối với tôi. Tất cả những lần điểm thấp trong các bài kiểm tra toán trở thành minh chứng hùng hồn cho thiên kiến “con gái không giỏi toán”. Và thế là tôi vô tình tránh né những gì liên quan đến toán. Điều này chỉ thay đổi khi tôi ra trường đi làm và nhận ra rằng mọi thứ đều có thể học được. Sự thật là giới tính chẳng ảnh hưởng gì đến khả năng giỏi môn này hay môn kia.
Thiên kiến với chính mình và với cả người khác
Chúng ta không những có thiên kiến với chính mình và với cả người khác. Điều này có thể xảy ra một cách hoàn toàn vô ý. Đến cả xã hội cũng có thiên kiến. Chẳng trách được khi ta sống trong một xã hội đã có sẵn những thiên kiến nào đó, chính bản thân ta cũng tiếp nhận một cách tự nhiên.
Bạn có bao giờ quá bi quan hay quá lạc quan về một sự kiện gì đó có thể xảy ra trong tương lai? Bạn có bao giờ cho rằng chính mình hoặc ai đó không thể làm được điều gì đó? Đây chính là dấu hiệu bạn đang có thiên kiến.
Tôi từng nghe mẹ của một bạn nhỏ chỉ mới 3 tuổi than phiền rằng cô bé không phát âm được chữ “l” và “r”. Điều này được nhắc đi nhắc lại trước mặt đứa bé nhiều đến nỗi tôi rất lo sợ cô bé cố gắng sẽ chứng minh nhận định của mẹ mình là hoàn toàn chính xác. Đúng là cô bé gặp khó khăn khi phát âm những chữ cái này. Nhưng hãy nhớ rằng cô bé chỉ mới 3 tuổi thôi và mọi chuyện đều có thể rất khác trong tương lai.
Cởi bỏ thiên kiến chính là khai phóng tiềm lực
Nhận biết những thiên kiến đang ẩn hình
Thiên kiến sẽ núp mình dưới những cụm từ như “luôn luôn”, “sẽ không thể”, “không bao giờ”, “không phù hợp”… Tức là những nhận định về khả năng, xác suất để xảy ra một điều gì đó là cố định, bất biến. Bên cạnh đó, thiên kiến cũng sẽ ẩn mình trong những nhận định mang tính khái quát hoá. Ví dụ như đàn ông phải như thế này, phụ nữ phải như thế kia… Hầu hết các nhận định mang trong mình thiên kiến đều không công bằng. Và trong nhiều trường hợp thiên kiến sẽ đưa đến những quyết định sai lầm.
Tôi luôn tự nhắc chính mình rằng mọi thứ đều có thể thay đổi. Việc tập trung vào phân tích những yếu tố liên quan đến cả hành trình quan trọng hơn là cứ đắm chìm vào kết quả. Ví dụ nếu thất bại, thay vì tự trách mình hay đổ lỗi cho người khác, tốt hơn hết là hãy phân tích kỹ càng những yếu tố dẫn đến thất bại. Từ đó mình có bài học cho tương lai.
Xoá bỏ thiên kiến về chính mình và cả những người xung quanh
Thiên kiến thích cư trú ở hệ thống não bộ số 1. Đây là nơi ra điều khiển những hành vi mang tính thói quen. Nghĩa là nếu hoàn cảnh là a thì hành động phải là b. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho chúng ta. Vì vậy hãy cẩn trọng với những nhận định của chính mình. Hãy chậm lại một chút và nhờ đến hệ thống não bộ số 2. Nơi đòi hỏi sự phân tích cẩn thận, kỹ càng trước khi ra quyết định.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Tư duy phản biện qua bài viết này:
Bạn có biết rằng mỗi ngày chúng ta đều thay đổi. Tôi thay đổi, bạn thay đổi, cô ấy/anh ấy/đứa trẻ đó và cả những yếu tố của môi trường xung quanh. Hơn thế nữa, nỗ lực của mỗi cá nhân là sức mạnh vô hạn. Tiềm năng đó, nếu được tin tưởng khai phóng sẽ đạt những thành công vượt bậc. Bất cứ khi nào bạn nhận ra mình đã quá chắc chắn về khả năng của ai đó, hay của chính mình, hãy suy nghĩ lại. Đừng để câu “Nó không làm được đâu” trở thành tảng đá của thiên kiến cản lối thành công.
Các bài viết cùng chủ đề Hành Trình Khai Minh: