Học lịch sử, cách cũ cách mới. Với cách cũ, chúng ta phải ghi nhớ một cách máy móc các sự kiện lịch sử để vượt qua các kì thi. Và rồi sau đó, kiến thức bốc hơi như hạt nước rơi trên sa mạc. Thế nhưng, càng lớn lên chúng ta càng nhận thấy tầm quan trọng của lịch sử. Chẳng có thứ gì tồn tại trên đời mà không có lịch sử của chính nó. Từ quốc gia lãnh thổ, con người đến cả thơ ca lẫn nhạc hoạ. Nhờ có lịch sử mà ta mới hiểu quá khứ và định hướng đúng đắn về tương lai. Vậy thì cách tiếp cận đối với môn học lịch sử như thế nào mới hiệu quả? Cách học nào mới khai thác được giá trị quý báu của lịch sử vạn vật?
Học lịch sử, cách cũ cách mới
Cách học cũ buộc phải ghi nhớ máy móc
Trong suốt cuộc đời, chúng ta cũng chỉ có thể ghi nhớ một số ít sự kiện có ý nghĩa với cá nhân mình. Không phải thành công hay thất bại nào cũng có ý nghĩa đặc biệt. Thậm chí, chúng ta còn có xu hướng lưu giữ những khổ đau hơn là hạnh phúc. Đối với quá khứ của chính mình, ta cũng chỉ có thể ghi nhớ các sự kiện có tính chất trọng đại hoặc ý nghĩa đặc biệt.
Trong khi đó lịch sử của một dân tộc, của một quốc gia, hay lịch sử tôn giáo, nghệ thuật trải dài hàng nghìn năm. Dù chỉ chắt lọc các sự kiện mang tính thay đổi bước ngoặt cũng mênh mông vô tận. Vậy nên việc buộc phải ghi nhớ mốc thời gian cùng diễn tiến của các sự kiện lịch sử là rất khó khăn. Học mà không hiểu khiến việc học trở nên máy móc. Đây thực sự là một điều đáng tiếc. Vì chính nó đã che lấp đi giá trị của việc học lịch sử đối với rất nhiều người.
Cách học mới chú trọng vào hiểu khung sườn và bối cảnh
Chúng ta có thể ghi nhớ rất lâu những sự kiện mà ta thấy ý nghĩa. Như vậy thì để học lịch sử chúng ta phải hiểu lịch sử. Nghĩa là bạn cần tìm hiểu ý nghĩa của các sự kiện lịch sử. Chúng không phải chỉ là những con số, hành động hay diễn tiến. Chúng là cả một mạng lưới kết nối và có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Do đó, cách tiếp cận đúng đắn đối với môn lịch sử là tiếp cận từ cột sống. Nghĩa là khung trụ cột cho giai đoạn lịch sử mà bạn đang tìm hiểu.
Cách tiếp cận mới cũng đòi hỏi cái nhìn trên chiều rộng. Bạn cần hiểu bối cảnh chung, có ảnh hưởng lên những sự kiện lịch sử mà mình đang nghiên cứu.
Phải có sự hiểu biết tổng quát trước thì chúng ta mới có cơ sở hiểu được nguyên nhân, ý nghĩa của đoạn lịch sử đó.
Lịch sử không phải là một vật thể đứng yên mà nó là một dòng chảy. Vì thế khi tìm hiểu lịch sử bạn cần tránh việc lao vào các tiểu tiết. Hãy luôn hướng sự tập trung của mình đến dòng chảy chung.
Bắt đầu từ đâu và học lịch sử như thế nào?
Từ nơi lịch sử xảy ra, trước đó và cả sau đó
Một giai đoạn lịch sử là một phần của dòng chảy lịch sử. Nó bị ảnh hưởng bởi đoạn lịch sử trước nó, cùng thời với nó. Rồi đến lượt đoạn lịch sử này ảnh hưởng đến các đoạn lịch sử sau đó. Sự ảnh hưởng qua lại này cuối cùng tạo nên một mạng lưới kết nối. Nếu ta chỉ nhìn vào từng điểm nhỏ trong mạng lưới ấy thì rất khó hiểu được vì sao lịch sử lại xảy ra như vậy.
Học lịch sử của một giai đoạn nào đó cần tìm hiểu cả trước lẫn sau. Điều này giúp bạn cảm nhận và hiểu được dòng chảy của lịch sử. Song song đó, chúng ta cần tìm hiểu cả bối cảnh bên trong và bên ngoài.
Ví dụ như sự kiện Cách Mạng Tháng 8/1945 của Việt Nam. Chúng ta cần tìm hiểu cả giai đoạn trước đó, tức là các phong trào khởi nghĩa do Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo. Ta tìm hiểu bối cảnh trong nước, các tổ chức hay các phe phái đối lập như thế nào?
Bên cạnh đó là bối cảnh thế giới mà cụ thể là diễn biến của chiến tranh thế giới thứ II đang nổ ra. Từ đó ta mới hiểu được nguyên nhân thành công của Cách Mạng Tháng Tám (CMTT). Ngoài ra, bạn sẽ cần xem xét cả giai đoạn sau khi CMTT thành công. CMTT đã mang lại ý nghĩa gì cho đất nước, cho dân tộc ta?
Giá trị của bài học lịch sử
Mỗi giai đoạn lịch sử qua đi để lại rất nhiều giá trị cho hiện tại và tương lai. Ví dụ như sau khi cuộc thế chiến thứ II chấm dứt, các nhà cầm quyền ắt hẳn phải rút ra các bài học. Làm thế nào để ngăn chặn cuộc chiến tương tự xảy ra trong tương lai là điều mà rất nhiều người phải chiêm nghiệm.
Lịch sử đã qua là thứ không thể thay đổi. Tuy nhiên giá trị của nó là giúp con người nhận ra và hành động để cải thiện cho tương lai tốt đẹp hơn. Vì vậy học lịch sử là học dòng chảy lịch sử và cả bài học mà lịch sử để lại.
Bạn cũng hãy lưu tâm đến tính chủ quan của các tài liệu lịch sử. Bạn cần hiểu góc nhìn và vị trí của người kể lại lịch sử. Cố gắng tham khảo nhiều góc nhìn của các bên liên quan và cả của bên thứ 3 để bạn có cái hiểu gần nhất với đoạn lịch sử đã qua. Thấu hiểu được lịch sử giúp bạn phần nào hiểu được mạng lưới kết nối của vạn vật. Thiết nghĩ bạn cũng sẽ rút ra được những bài học giá trị cho cuộc đời mình.
Mời các bạn tìm đọc các bài viết cùng chuỗi chủ đề Hành Trình Khai Minh: