Bạn đang thực hiện các công việc hàng ngày với những vai trò gì? Bạn có thực sự dấn thân và làm nhiều hơn? Ví dụ, sếp giao cho bạn một nhiệm vụ, bạn thực hiện nhiệm vụ ấy như thế nào? Là làm cho xong việc hay tạo ra một kết quả tuyệt vời với vai trò lớn hơn? Chẳng ai nghiêm cấm bạn suy nghĩ lớn hơn, rộng hơn để giải quyết vấn đề cả. Chẳng ai nghiêm cấm bạn dùng tư duy của người lãnh đạo để giải quyết vấn đề cả. Việc đặt mình vào vị thế, vào vai trò của người lãnh đạo để suy nghĩ và hành động chính là cách bạn đang tôi luyện. Đến một ngày, chức danh đúng vai trò bạn đã thể hiện sẽ được trao vào tay bạn.
Nếu muốn trở thành sếp, hãy làm đúng vai trò người sếp
Có nhiều người than phiền rằng, vì sao tôi không được trao cơ hội, vì sao tôi không được thăng tiến dù đã cống hiến nhiều năm? Vậy một câu hỏi dành cho chính bạn, bạn đang làm việc với vai trò gì? Khi có một sự cố xảy ra trong công việc, bạn giải quyết nó với vai trò gì? Nếu bạn vẫn giải quyết vấn đề với vai trò của người nhân viên, bạn sẽ mãi dậm chân với vai trò ấy. Chỉ khi bạn sẵn sàng nhận trách nhiệm nhiều hơn chức danh hiện tại, chính là khi bạn tự cho mình cơ hội phát triển.
Tương lai bạn nằm trong tay bạn
Khi ứng tuyển vào một vị trí cao hơn một hoặc vài bậc so với chức danh hiện tại, bạn nghĩ yếu tố nào quyết định thành bại? Đó là vai trò bạn đã thể hiện trong quá khứ. Bạn đã rất nhiều lần giải quyết vấn đề với vai trò cao hơn chức danh của bạn. Bạn gầy dựng được niềm tin với đồng nghiệp và ban lãnh đạo. Những gì bạn thể hiện khiến nhà tuyển dụng tin rằng, bạn đã sẵn sàng cho một vai trò lớn hơn. Điều đó nghĩa là những gì bạn làm trong quá khứ sẽ quyết định tương lai của chính bạn.
Mong muốn song hành cùng hành động
Bạn cần phải rất rõ ràng rằng, nếu bạn muốn có được chức danh A, bạn phải hành động với vai trò và trách nhiệm của chức danh ấy. Nếu bạn đặt mục tiêu trở thành trưởng phòng sau 2 năm nữa nhưng những gì bạn làm chỉ ở trách nhiệm của người nhân viên. Và rồi bạn chờ đợi cơ hội mở ra, một buổi phỏng vấn cho vị trí bạn mơ ước.
Hãy thực tế! Người khác chỉ tin vào những gì bạn thể hiện. Bạn phải chứng minh mình bằng hành động. Hãy khoác lên mình vai trò lớn hơn, trách nhiệm lớn hơn như một nhà lãnh đạo không chức danh. Rồi bạn sẽ thấy, chức danh sẽ sớm được trao vào tay bạn.
Chức danh sẽ được trao khi bạn thể hiện đúng vai trò
Vai trò nằm trong tay bạn. Trong khi đó, chức danh là thứ đến từ bên ngoài. Bạn chỉ có thể kiểm soát những gì trong tay mình, đúng không? Vậy thì tại sao không quyết định tương lai bằng cách hành động hết sức ở hiện tại? Bạn có làm hết sức mình với những gì bạn đang có? Bạn có dám nghĩ lớn và nhận trách nhiệm nhiều hơn?
Hãy nghĩ nhiều hơn một cấp (hoặc nhiều hơn nữa càng tốt)
Nếu bạn ở vị trí nhân viên, hãy đặt mình vào vị trí của sếp bạn để suy nghĩ và hành động. Đừng chỉ hoàn tất nhiệm vụ ở mức trung bình. Mà hãy làm vượt hơn mong đợi và thậm chí hãy làm ở mức xuất sắc nhất. Hãy luôn nghĩ nhiều hơn một hoặc vài cấp so với chức danh hiện tại của bạn.
Hãy hình dung vấn đề như một cái cây nhiều cành, nhánh. Nếu chỉ giải quyết nó ở vai trò nhân viên, bạn chỉ giải quyết được 1 vài nhánh nhỏ. Chỉ khi đặt mình vào vị trí lãnh đạo, bạn mới tiến gần hơn với gốc rễ vấn đề. Không những thế, bạn còn là nhân tố tạo ra những ý tưởng mới mẻ. Bạn không chỉ giải quyết vấn đề ở tầm cao mà còn kiến tạo ra những kết quả tuyệt vời.
Cho đi và nhận về
Cách bạn nhận trách nhiệm lớn hơn, xông pha giải quyết những vấn đề phức tạp hơn chính là hành động gieo hạt. Bạn tích luỹ những hạt giống niềm tin qua những việc bạn làm. Đây cũng chính là cho đi. Bạn không chỉ hoàn tất công việc được giao mà bạn còn giúp đỡ người khác. Bạn trở thành người mà những đồng nghiệp khác có thể trông cậy. Chắc chắn sẽ rất sớm thôi, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của mình.
Hãy luôn tự nhắc nhở mình về sự cho đi không mong cầu. Bạn hành động với vai trò lớn hơn là vì bạn muốn thế. Bạn giúp đỡ người khác là vì bạn mong muốn họ trở nên tốt hơn. Chỉ khi như vậy bạn mới thực sự là nhà lãnh đạo từ bên trong. Và chỉ khi như vậy bạn mới được trao cho chức danh đúng với vai trò bạn đã thể hiện.
Mời bạn đọc thêm các bài viết về chủ đề Chuyện Nghề:
https://valueyourday.com/category/chuyen-nghe-tu-duy-cong-viec/