Tôi chọn một ngày trong tuần để đưa ba mẹ viếng chùa Bửu Long. Đây là ngôi chùa theo giáo phái phật giáo Theravada. Viếng chùa luôn là niềm vui thích của ba mẹ tôi mỗi khi đến nơi nào mới. Ba mẹ tôi là phật tử nhưng không phải theo phật giáo Theravada. Vì vậy tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là đưa ba mẹ đi tham quan kiến trúc đẹp nổi tiếng của ngôi chùa này. Không ngờ nhờ chuyến đi thăm chùa Bửu Long mà tôi có cơ duyên hiểu thêm về hệ phái phật giáo Theravada.
Điểm dừng chân đầu tiên
Những bức tranh đá về 4 giai đoạn cuộc đời Đức Phật
Điểm đầu tiên mà gia đình tôi dừng chân đó là khu rừng nhỏ có tượng phật nằm. Khuôn viên này có những tảng đá phủ đầy rêu dưới tán cây xanh mát. Đối diện với tượng phật nằm là bức tranh khắc trên đá trắng bao gồm 4 bức nhỏ hơn. Đó là các bức vẽ cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni qua giai 4 đoạn. Từ trái qua phải lần lượt là Đản Sinh, Thành Đạo, Pháp Luân, Niết Bàn.
Chú thích của 4 bức tranh có lẽ đều dùng chữ viết Latinh để viết tiếng Pali. Lúc đó đọc không hiểu nên tôi đã không chụp hình. Lúc viết bài có search để tìm hình nhưng không tìm được. Ngẫm lại đúng là hơi tiếc.
Nói một chút về tiếng Pali
Pali còn gọi là Nam Phạn, là một ngôn ngữ thuộc nhóm Ấn – Arya. Đây là ngôn ngữ kinh điển của phật giáo Nam tông. Pali không có hệ chữ viết riêng. Nó có thể được viết trong các hệ chữ viết khác nhau như chữ Miến Điện, chữ Devanagari, chữ Khơmer, chữ Lào, chữ cái Latinh… Ngày nay Pali được nghiên cứu chủ yếu để tìm hiểu các bộ kinh của Phật giáo nguyên thuỷ cũng như trong các buổi tụng niệm, tế lễ.
Toà bảo tháp Gotama Cetiya
Gotama Cetiya nghĩa là gì?
Gotama là tên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn Cetiya trong tiếng Pali nghĩa là điện phật. Hiểu một cách nôm na Gotama Cetiya là đền thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Có thể nói Gotama Cetiya là trái tim trong kiến trúc của chùa Bửu Long. Đây là nơi thờ xá lợi phật và các vị chư tăng. Hướng về Gotama Cetiya mang ý nghĩa một lòng hồi hướng về Đức Phật.
Chùa Bửu Long mang dáng dấp những ngôi chùa vàng của Thái Lan
Chùa Bửu Long là chùa theo hệ phái Theravada thuộc nhánh phật giáo Nam Tông. Nam Tông và Bắc Tông là hai nhánh lớn của Phật giáo. Đây cũng là hai hệ phái đầu tiên được hình thành sau khi Đức Thế Tôn nhập niết bàn.
Khác biệt chính yếu giữa hai hệ phái là quan điểm trong cách lý giải giáo lý và giới luật. Hai hệ phái lúc đó là Đại Chúng Bộ và Thượng Toạ Trưởng Lão Bộ.
Đại Chúng Bộ nói một cách dễ hiểu là sử dụng Kinh- Luật- Luận hành đạo đề cao canh tân sao cho phù hợp với điều kiện và trình độ của đại chúng. Trong khi đó Thượng Toạ Trưởng Lão Bộ chủ trương bảo vệ Kinh- Luật- Luận trong suốt quá trình hành đạo.
Sau này Đại Chúng Bộ được gọi là Phật giáo Bắc Tông do quá trình truyền bá đạo đi từ Ấn Độ lên phía Bắc.
Còn Thượng Toạ Trưởng Lão Bộ được gọi là Phật giáo Nam Tông vì quá trình truyền đạo từ Ấn Độ sang các quốc gia lân cận về phía Nam là Srilankar, Myanmar, Lào, Campuchia và Thái Lan.
(Nguồn ảnh: Flickr/Be Zen)
Như vậy chùa Bửu Long cũng như những ngôi chùa vàng ở Thái Lan đều có chung nguồn gốc từ Phật giáo Nam truyền. Thế nên dáng dấp giống nhau là điều dễ hiểu.
Bàn một chút về đạo
Ba mẹ tôi theo nhánh phật giáo Tịnh Độ Tông, thể hiện ở câu niệm phật của ba mẹ là “Nam mô A-di-đà phật”. Trong khi đó các phái phật giáo khác như Thiền Tông, Thevarada không tụng niệm câu này.
Ba mẹ tôi làm lễ quy y tam bảo tức là trở thành phật tử cách đây hơn 20 năm. Gia đình tôi gốc ở Huế, sau đó đi kinh tế mới ở Quảng Trị. Tôi thấy việc thay đổi nơi sống có ảnh hưởng nhất định đến cách hành đạo của ba mẹ tôi. Đây có lẽ là yếu tố văn hoá của từng vùng đất. Và cũng có thể là từ cách diễn giải lời phật dạy qua các thầy trụ trì chùa khác nhau.
Đức phật cũng từng nói rằng “Đối với chân lý, Như Lai chưa từng nói lời nào”. Ý của câu này có thể hiểu là giáo pháp của Phật là một phương tiện để người tu hành đạt tới giác ngộ chân lý, chứ chính nó không thể mô tả hoàn toàn chân lý.
Phật xem những bài thuyết pháp cũng như ngón tay chỉ tới mặt trăng chứ không phải là mặt trăng. Vì vậy tôi hiểu rằng những nhà truyền đạo chính là những người lý giải lời dạy của Đức Phật để lan truyền con đường tu hành tới nhiều người khác nữa.
Kết
Con đường tu học được ví như con đường tìm kiếm ánh sáng của chân lý. Chính mỗi người phải tự đi trên con đường này.
Những lời dạy của Đức Phật chỉ cho chúng ta hướng đi. Nhưng chính chúng ta phải luôn dùng trí tuệ và nhân tâm để nghiệm ra.
Con đường đi có thể khác nhau nhưng mục tiêu chỉ có một. Đó là đưa chúng ta ra khỏi cõi vô minh.
Dù bạn đang theo một tôn giáo nào đó hoặc không theo tôn giáo nào cả, thì hãy luôn tinh tấn. Mỗi người chúng ta sẽ luôn có cách kiến giải và trải nghiệm khác nhau, ngay cả về khía cạnh tôn giáo. Hãy luôn giữ trong mình lòng kiên định trên hành trình khai minh.
Đạo, nói chung quy lại cũng là từ chính tuệ và tâm của bạn mà ra.
Bạn có thể tìm đọc các bài viết về chủ đề Hành Trình Khai Minh tại đây: