Tôi quay trở lại thăm núi Bà Đen lần thứ ba là vào cuối thu năm 2023. Vì có em bé nên để vừa thoả niềm đam mê “leo” núi vừa đảm bảo an toàn thì gia đình tôi chọn route từ mặt đất đi bộ theo bậc thang lên chùa, sau đó mới kết hợp đi cáp treo để lên đỉnh. Ba lần tôi thăm núi Bà Đen đều có ba trải nghiệm khác nhau. Nhưng giống nhau ở một điểm là núi càng ngày càng thiếu cây vắng khỉ. Chỉ có bê tông hoá là tràn lan từ chân núi lên chùa, rồi lên luôn tới đỉnh và lan xuống luôn lưng chừng núi. Núi Bà Đen nay đã là xứ sở mặt trời huyễn hoá bởi Sun World. Buồn thay, Bà Đen cũng như Bà Nà đều đã thuộc về Sun.
Thời chưa có cáp treo của Sun
Những bậc thang dưới hai hàng cây rợp bóng mát
Lần đầu tôi đi thăm núi Bà Đen cách đây hơn 5 năm. Khi đó vợ chồng tôi đi cùng với nhóm bạn cùng công ty. Chúng tôi tổ chức leo núi và treo giải cho cặp đôi nào lên đỉnh đầu tiên. Cung đường chúng tôi đi là từ mặt đất theo đường bậc thang lên tới chùa Hang. Rồi từ cung đường sau lưng chùa men theo các tảng đá để leo lên tới đỉnh.
Khi đó đi cùng đoàn nên tốc độ đi lên chùa theo bậc thang khá là nhanh. Tôi cũng không ấn tượng gì lắm cảnh vật hai bên đường. Chỉ cảm nhận được là đường đi bậc thang rất mát mẻ và dễ chịu. Hai hàng cây bên đường tán lồng vào nhau phủ bóng mát cho cả con đường.
Những bậc thang cuối cùng dẫn lên chùa Hang có hàng rêu mọc trên đá rất đẹp. Lần ấy tôi xuýt xoa mãi. Cảm giác như đang đi giữa lối rêu phong.
Tiếc là lần thứ 2 lên thì rêu chết hết. Đến lần thứ 3 thì lối lên chùa cổ kính cũng mất nốt vì được Sun cơi nới cho rộng hơn.
Núi rừng mãi đỉnh
Chúng tôi nhanh chóng di chuyển theo con đường mòn sau lưng chùa Hang để lên đỉnh. Lúc này tôi có hai ấn tượng cứ nhớ mãi về cung đường trekking này. Thứ nhất là đường mòn ngập ngụa trong rác, chủ yếu là các chai nước suối bị vứt lại của những người leo núi đi trước. Và thứ hai là chao ơi, đá gì mà vừa to lại vừa cao. Khiếp, hồi đó chúng tôi toàn dân amateur đâu có trang bị đồ nghề gì đâu. Chỉ có đôi bàn tay làm nên tất cả. Leo lưng chừng sợ quá đành tụt lui.
Hì hục mãi thì hai vợ chồng cũng lên tới….lưng chừng đỉnh. Nhưng vậy cũng đủ phê lắm rồi. Vì trời ơi, cảnh nó đẹp.
Có mấy khóm hoa rừng không biết tên nở rộ rất đẹp. Có lẽ tụi nhỏ hoa lá đang thiền định. Thấy an yên lắm kìa.
Còn có mấy đám trái cây dại nữa. Vì không biết ăn được không, nên thôi giữ mồm giữ miệng không dám ăn thử.
Hai đứa chúng tôi cũng trải nghiệm được cái thú vui từ lưng chừng núi phóng tầm mắt ra ruộng đồng làng mạc xa xa. Hồi đó chưa có cáp treo của Sun. Hai đứa chúng tôi lên tới nửa đỉnh thì leo không nổi nên ngắm núi ngắm rừng cho đã thì quay lại lối xuống chùa. Từ đó đi bậc thang xuống mặt đất mà trong lòng cứ nghĩ về giải thưởng và lũ bạn đã lên tới đỉnh rồi.
Sun Sun ơi Sun đã về
Tìm về rêu phong của núi Bà ngày xưa
Lần thứ hai thăm núi bà Đen có thêm con gái gần 3 tuổi của tôi. Bé leo bậc thang rất tốt. Tốc độ còn nhanh hơn mấy cô đồng nghiệp tuổi qua băm lăm. Sun lúc này mới chỉ làm 2 tuyến cáp treo là từ mặt đất lên đỉnh hoặc từ mặt đất lên chùa. Chưa có tuyến từ chùa lên đỉnh. Đây là giai đoạn lối đi rêu phong mà tôi đã nói ở đoạn trên sắp sửa bị phá đi.
Lần này lũ bạn tôi cũng lại chuẩn bị từ lối mòn sau chùa trekking lên đỉnh. Nhưng do trời có mưa sợ đá lở nên cuối cùng phải huỷ bỏ kế hoạch. Vì không leo lên đỉnh nên cả bọn có thời gian đi loanh quanh tham quan khu vực chùa. Điểm nhấn duy nhất có lẽ chỉ là lúc đứng ở lối đi bên hông giảng đường Diệu Nghĩa để phóng tầm mắt ra xa ngắm hồ Dầu Tiếng. Hồ Dầu Tiếng là hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam thuộc địa bàn 3 tỉnh là Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước.
Mây mù vần vũ khi Bà Đen thuộc về Sun
Sau đó chúng tôi đi bộ theo bậc thang xuống núi. Từ chân núi cả bọn mới bắt cáp treo lên đỉnh thăm quan và ăn trưa. Xui cho chúng tôi là trời mưa từ trưa cho đến hết buổi chiều. Nhưng có lẽ cũng là may mắn vì mưa sấp mặt sấp mày nên cũng không thấy bê tông nó khó chịu. Hồi đó khu vực đỉnh núi cũng chưa hoàn thiện công trình này nọ nhiều.
Trời mưa thì mặc trời mưa, chúng tôi cũng đi quanh quanh thăm thú. Nhớ lại hồi đó còn thấy cây rừng ở gần. Sau này lần thứ 3 lên rồi thì lũ cây rừng chuyển hộ khẩu đi đâu mất. Còn lại cũng chỉ là các em hoa hoa cỏ cỏ mới được trồng vào thôi.
Bà Đen rồi cũng thuộc về Sun như Bà Nà
Bà Nà đã có thảm hoạ cầu bàn tay vàng, những khu phố châu Âu cổ fake. Giờ Bà Đen thì có tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất Châu Á gì gì đó. Không bàn về tính tôn giáo, nhưng thử hỏi tượng Phật không phải là nên ở gần chùa sao? Và tượng Phật là một phần của một ngôi chùa nào đó, chứ không không dựng lên để triển lãm và cho khách check-in thôi sao?
Lần thứ ba tôi lên núi Bà Đen thì Sun đã hoàn thiện đa số các hạng mục (hy vọng vậy). Nào là khu Ngũ trụ kinh, khu triển lãm chiếu vũ trụ Đức Phật trên mái vòm. Tuy nhiên vẫn còn kha khá các công trình đang còn tiếp tục triển khai nữa.
Khi chụp hình không cẩn thận thì dính ngay một em cần cẩu như tôi đây. Đó là vô hình view đẹp mờ ảo vậy thôi. Chứ ngay dưới tầm mắt nhưng ngoài tầm camera thì xe cẩu, xe ủi, giàn giáo đang thi công rất náo nhiệt. Không biết ông Sun lại sắp phá tiếp tới chỗ nào nữa đây. Rồi Bà Đen cũng thuộc về Sun như Bà Nà thôi.
Thế giới nói ở Việt Nam cáp treo thế là quá đủ rồi
Ai mang cáp đến?
Tuyến cáp treo đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng là ở Nha Trang của tập đoàn Vingroup. Thuở ấy, đi du lịch Nha Trang là nhắc ngay đến Vinpearl. Phải nói là bác Vượng quá thành công luôn. Thế nên các công ty bắt đầu nhắm ngay vào miếng bánh béo bở đầu tư du lịch cáp treo. Có lớn có nhỏ nhưng nổi bật nhất chính là tập đoàn Sun Group. Từ Lào Cai (Fansipan) đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Quốc và rồi là Tây Ninh (Núi Bà).
Sun đi đến đâu cây chết đến đó. Hệ sinh thái rừng, đảo bị huỷ hoại. Nhiều loài động vật đang sống đùm đuề hạnh phúc bên gia đình phải ly tán. Con nào còn sót lại sẽ được huân chương chúc mừng bạn đã có tên trong sách đỏ.
Ngoài ra phải nói đến đời sống của người dân địa phương. Dễ thấy nhất là những hộ kinh doanh ẩm thực, dịch vụ trên tuyến du lịch núi Bà Đen. Cảnh tượng đường bậc thang lên chùa đã nhếch nhác lắm rồi, quán xá càng đìu hiu hơn nữa.
Đau đáu một niềm mong cho du lịch bền vững
Lỗi cũng không phải của Sun Group. Vì họ là công ty kinh doanh, mục tiêu của họ là lợi nhuận. Trách nhiệm nặng nề nhất là ở chính quyền. Đầu tư phát triển du lịch bền vững không những phải bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên. Mà bên cạnh đó phải tính đến đời sống và công việc làm ăn cho cư dân địa phương.
Bạn bè thế giới về thăm Việt Nam là vì muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp tự nhiên cùng đời sống văn hoá của các dân tộc Việt Nam. Thế mà Sun phá đi bao nhiêu núi và rừng, xây nên những khu phố fake. Ẩm thực, văn hoá cũng là mang từ các quốc gia khác về. Có cảm tưởng như du khách như bị lạc vào một xứ sở fake nào đó. Có lẽ là xứ sở mặt trời được huyễn hoá bởi Sun World chăng?
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Sống 365 tại đây: