Ăn trong chánh niệm giữa một tập thể thiền là chuyện dễ. Vì lúc đó ta có bạn đồng hành để ngầm nhắc nhở nhau thực hành chánh niệm. Giữa cuộc đời vội vã, ta hoà vào dòng chảy tấp nập ấy và cũng trở nên vội theo. Dường như lúc nào ta cũng phải làm ít nhất là hai điều cùng một lúc để cảm thấy mình là một phần của dòng chảy. Những ồn áo náo nhiệt xung quanh làm cho ta xao nhãng thì cũng dễ hiểu. Nhưng khi chỉ có một mình, sự vắng lặng cũng khiến ta không chịu nổi. Tận hưởng trọn vẹn niềm hân hoan khi thưởng thức món ăn không phải là dễ. Cũng như vậy, ăn trong chánh niệm giữa cuộc đời vội vã là điều đáng lưu tâm thực hành.
Ăn trong chánh niệm là ăn với sự tỉnh thức
Đừng ăn dựa vào những cảm xúc từ trải nghiệm quá khứ
Có lần tôi được mẹ gửi cho mấy chục bánh ít lá gai từ quê vào. Sau khi đem biếu hàng xóm thì nhà tôi còn khoảng mười lăm cái. Khi ăn cái bánh đầu tiên tôi mê mẩn mùi thơm mát của lá gai, bánh dẻo vừa không ngán và nhân dừa béo ngậy ngon tuyệt. Ăn đến cái thứ hai là tôi thấy vừa đủ rồi. Nhưng bánh thì vẫn còn nhiều. Hôm nay ăn không hết sợ rằng mai sẽ không ngon nữa. Mà đúng là ăn không hết thật.
Qua sáng hôm sau tôi mang bánh ít ra ăn. Vị dừa lúc này đã hơi nồng vì để qua đêm. Tôi vẫn còn đắm chìm trong ký ức của hôm qua và của những lần ăn ngon trước đó. Thế là dù thấy hơi nồng nhưng tôi vẫn ráng ăn hết hai cái. Ăn xong cả người đều cảm thấy khó chịu. Vậy mới thấm thía cái hậu quả của việc ăn mà chìm đắm vào cảm xúc của quá khứ. Vì ăn là chuyện xảy ra ở hiện tại. Và mỗi lần trải nghiệm đều không giống nhau cho dù cùng một món ăn đó. Vậy nên trú tâm khi ăn chính là trú tâm vào hiện tại.
Món ăn dù giản dị hay cầu kỳ đều chữa lành cơn đói. Hãy trân trọng thức ăn!
Chúng ta có xu hướng ăn uống chậm rãi nhẹ nhàng khi dùng bữa tại nhà hàng. Còn nếu đó là bữa trưa công sở hay là một bát mì gói cho nhanh để còn làm việc thì ta ăn như chạy. Đôi khi chúng ta còn vừa ăn vừa tranh thủ cập nhật thêm tin tức có-vẻ-như-là-mới từ điện thoại. Chúng ta xem đây như thời gian để thư giãn sau những bộn bề công việc. Nhưng có thật là chúng ta được thư giãn không? Hay đây chỉ là một thói quen và ta đang tự nguỵ biện cho chính mình.
Món ăn dù giản dị như bát mì ăn liền nhưng thật ra nó là cả một nghệ thuật của ẩm thực Nhật. Đầy đủ tất cả các nguyên liệu từ bột mì đến sốt súp thịt, hải sản hoặc nấm, thêm cả hành lá và cà rốt sấy khô nữa. Quan trọng hơn món ăn dù giản dị hay cầu kỳ đều giúp bạn qua cơn đói. Dù đó là món rau xào bạn thường làm hay là đĩa mỳ Ý hảo hạng trong nhà hàng. Giá trị của chúng là chữa lành cho cơn đói của bạn. Vậy nên hãy trân trọng thức ăn và đặt sự chú tâm của mình vào chúng. Sự tập trung của bạn khi ăn tức là chánh niệm. Và chánh niệm ấy chính là lòng trân trọng mà bạn gửi tới thức ăn.
Thực hành chánh niệm trước, trong và cả sau khi dùng bữa
Nấu ăn trong chánh niệm
Việc chuẩn bị và nấu ăn có thể là điều mệt mỏi khi bạn trở về nhà sau một ngày dài làm việc ở công ty. Để giữ được chánh niệm khi nấu ăn bạn cần có sự chuẩn bị trước. Đó chính là việc lên kế hoạch. Không những là kế hoạch cho ngày hôm đó mà còn cho cả tuần đó. Khi những bữa ăn trong tuần được lên kế hoạch trước, bạn sẽ dễ dàng chuẩn bị nguyên liệu một lần cho nhiều bữa. Cách mà chúng ta thường gọi là đi chợ cuối tuần rồi sơ chế đút tủ lạnh để dành cho nguyên tuần.
Khi nấu ăn chúng ta ít để ý vào thức ăn mà sẽ chú tâm vào việc khác. Tay ta vẫn đảo rau, nêm gia vị nhưng tâm trí ta lại luẩn quẩn những bộn bề xung quanh. Nhà cửa còn chưa dọn, con nhỏ chưa được tắm rửa, áo quần phơi lấy vào chưa được xếp. Một thực tế hiển nhiên là dù bạn có nghĩ về những bộn bề nhiều cỡ nào thì chúng vẫn nằm yên ở đấy. Vì vậy hãy tập trung vào món ăn bạn đang làm và tận hưởng niềm vui của một người đang tạo ra cả một nghệ thuật,
Dùng bữa trong chánh niệm
Khi bạn hân hoan tận hưởng món ăn, niềm vui ấy cũng lan toả sang những người chung bàn ăn. Bạn tập trung vào hương vị, màu sắc và cảm thụ của món ăn. Bữa ăn trở thành nơi yên tĩnh để kết nối cùng nhau. Bạn cũng có thể trò chuyện nhưng hãy chậm rãi và ít thôi. Mỗi thứ một ít, khi ăn hãy ăn, ăn xong miếng ăn hãy nói. Mới đầu có thể bạn chưa quen vì muốn ăn thật nhanh hay thậm chí là giải toả những bực dọc trong công việc ra bàn ăn. Nhưng không sao, dần dần bạn sẽ thấy chính sự nhẹ nhàng chậm rãi lại có thể giải quyết nhiều vấn đề hơn bạn nghĩ.
Dọn dẹp trong chánh niệm
Dọn dẹp nhà cửa vào một buổi sáng cuối tuần rảnh rỗi có thể là sở thích. Nhưng dọn dẹp bếp núc và rửa chén bát sau một bữa cơm, đặc biệt là bữa tối thì chẳng ai ham. Tuy nhiên, hãy nghĩ như thế này: Bếp vì giúp ta có bữa ngon mà phải dơ bẩn, chén đĩa đựng thức ăn ngon cho ta. Sau khi dùng xong, chúng ta hãy trả lại sự sạch sẽ gọn gàng vốn có của bếp núc, chén đĩa.
Như cái cách ta trân trọng thức ăn thì ta cũng trân trọng những nhân tố tạo nên bữa ăn. Hãy xem chúng như những người bạn. Và hãy cảm ơn bằng cách chùi rửa và xếp đặt ngăn nắp. Nếu có quá nhiều thứ phải làm, bạn hãy chú tâm làm từng việc một. Sau đó hãy nghỉ ngơi vài ba phút rồi mới làm công việc kế tiếp. Để duy trì sự chánh niệm bạn cũng cần cho cái mệt của cơ thể được nghỉ ngơi. Đừng lo, chỉ vài phút thôi bạn cũng sẽ được phục hồi. Hãy nhớ những khi bạn tập thể dục mồ hôi đầm đìa và chỉ vài phút nghỉ là bạn đã thấy khoẻ lại đúng không?
Ăn trong chánh niệm giữa cuộc đời vội vã cần thực hành trong tỉnh thức. Vì chánh niệm đi đôi với tỉnh thức. Bạn sẽ nhận lại rất nhiều giá trị to lớn chỉ bằng cách sống chậm lại và tỉnh thức với cuộc sống của chính mình.