Trong quá trình nuôi dạy con thì tôi rất chú tâm vào việc làm sao để con có thể giao tiếp thật hiệu quả. Từ lúc con chưa biết nói tôi đã đọc sách cho con. Khi ấy con chỉ mới có thể tương tác lại bằng hành động, cử chỉ. Lớn dần lên con biết nói các cụm từ ngắn, dần dần là các câu dài hơn. Hành trình nuôi dạy con là một hành trình dài và ba mẹ phải liên tục học hỏi. Ba mẹ đóng vai trò như người dẫn đường, tạo những thử thách vừa sức mà vẫn có độ rướn. Quan trọng hơn hết là giao tiếp hiệu quả sẽ mang lại sự kết nối để thấu hiểu giữa cha mẹ với con cái. Dưới đây là những tips cho ba mẹ để giúp con giao tiếp hiệu quả hơn.
Con là người bạn nhỏ thông thái
Trẻ con rất thông minh. Chúng có thể đọc được nét mặt của người lớn xung quanh. Chúng có thể cảm nhận được những cảm xúc bực bội hay buồn bã dù người lớn cố gắng che dấu đi. Vì vậy, đừng bao giờ xem con là trẻ thơ mà không để ý đến cảm nhận của con. Con có thể hiểu và học rất nhanh những điều mới.
Hãy trò chuyện với con như thể con là người lớn nhưng vẫn phải nhớ con vẫn là đứa trẻ. Điều này có nghĩa là hãy trò chuyện với con bằng sự tôn trọng, từ thái độ đến từ ngữ sử dụng. Và vẫn phải nhớ con là đứa trẻ nghĩa là hãy sử dụng từ vựng cũng như ngữ cảnh, ngữ nghĩa thích hợp. Con cần thời gian để làm quen với các khái niệm mới. Hãy khéo léo tận dụng cơ hội thích hợp để giải thích khái niệm mới cho con.
Hãy hỏi ý kiến của con
Con tôi rất thích đặt câu hỏi. Những gì tôi biết tôi sẽ trả lời. Câu nào tôi bí thì tôi bảo sẽ tìm hiểu và trả lời sau. Còn những câu hỏi có thể mang tính suy luận cá nhân thì tôi hỏi ngược lại con. Theo con thì như thế nào? Điều này không những khiến giữa ba mẹ và con trở nên bình đẳng hơn mà còn giúp con phát triển khả năng biện luận.
Hãy tạo cơ hội để con được nói lên ý kiến của mình. Đó có thể là những cuộc trò chuyện về chủ đề cuộc sống hằng ngày. Bạn chia sẻ góc nhìn của mình, con chia sẻ ý kiến của con. Khi ấy, con sẽ dần dần có thói quen nói ra suy nghĩ của mình. Giao tiếp là một kỹ năng mà khi được sử dụng càng nhiều bạn sẽ càng thành thục. Và con bạn cũng vậy.
Đọc, đọc và đọc…
Đọc sách mang lại vốn từ vựng và các chủ đề vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, con còn có thể học cách thức diễn đạt cũng như câu từ qua những trang sách. Đọc để tạo vốn liếng cho cuộc trò chuyện. Vì sách là cả một thế giới với bao điều mới lạ bổ ích. Dưới đây là bài viết đi sâu vào chủ đề giáo dục trẻ qua sách và những câu chuyện kể.
Ngoài sách ra thì hãy đọc tất cả những gì có thể đọc. Đó có thể là thông tin nhãn mác, tờ rơi siêu thị, hướng dẫn lắp đặt hoặc sử dụng thiết bị mới, hoặc cũng có thể là các bảng quảng cáo. Đây chính là cách để con làm quen với các thông tin gần gũi với cuộc sống xung quanh. Những biển báo giao thông, bảng exit, WC, các chữ viết trên hộp PCCC cũng là những thứ con cần biết. Hầu hết trong các trường hợp, con bạn sẽ tò mò và đặt câu hỏi về những thứ mới lạ mà bé gặp. Đó chính là cơ hội để bạn đọc và giải thích cho con.
Những chuyện hài hước
Sự hài hước tạo gia vị ngon ngọt cho cuộc sống của chính người lớn chúng ta. Và con chúng ta cũng vậy. Khi bạn kể cho con những câu chuyện hài hước khiến con cười khúc khích, con sẽ ghi nhớ. Người bạn nhỏ ấy sẽ học dần dần để cũng có thể kiến giải việc gì đó một cách hài hước. Hãy ghi nhớ nền tảng của một câu chuyện đáng cười chính là sự tôn trọng. Không bao giờ lấy ngoại hình hay sự thua thiệt của người khác ra làm chuyện cười. Con trẻ sẽ bắt chước cách thức hài hước của bạn đấy.
Tôi thường thích sự hài hước đến từ sự kết hợp vô tình của các từ đồng âm nhưng mang lại nghĩa trớt quớt cho cả câu. Và tôi chỉ nhận ra điều này khi một lần nghe con gái kể một câu chuyện cười nho nhỏ cũng sử dụng cách thức ấy. Thì ra người bạn nhỏ của tôi lại có thể học và tạo ra gu hài hước thú vị của riêng bạn ấy đến thế.
Kết
Giao tiếp với con là tương tác hai chiều. Ba mẹ muốn con giao tiếp tốt thì bản thân chúng ta cũng phải học hỏi để không ngừng tốt hơn nữa. Hãy tạo cho con môi trường mà nơi đó giao tiếp là điều khiến con thích thú. Con thích nói, con thích hỏi và thích học để giao tiếp tốt hơn.
Hãy xem con như một người bạn quốc tế đến sống chung nhà. Cả hai đều phải học cách thấu hiểu và giao tiếp tốt với nhau. Bạn có lợi thế vì bạn chính là người bản địa. Vì vậy hãy giúp đỡ để người bạn ấy có thể hoà nhập với ngôn ngữ và văn hoá địa phương. Ngược lại, bạn cũng có thể học hỏi từ người bạn nhỏ tư duy ham học hỏi và tính sáng tạo thiên bẩm tuyệt vời. Đó chính là môi trường giao tiếp vô cùng hiệu quả cho cả ba mẹ lẫn con cái.
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Chuyện Nhà tại đây:
https://valueyourday.com/category/chuyen-nha-chuyen-gia-dinh/