Những đoạn đối thoại không hiệu quả thường rơi vào một trong hai tình huống. Một là tâm trí của bạn đang phiêu du ở một nơi nào đó mà không phải là người đang trò chuyện cùng. Hai là tâm trí của bạn bị bủa vây bởi những định kiến và cảm xúc tiêu cực thái quá. Mặc dù tình huống đầu tiên có vẻ vô hại nhưng người đối diện sẽ nhanh chóng nhận ra. Trong khi ở tình huống thứ 2, phản ứng của bạn lại chính là yếu tố khiến giao tiếp giữa hai bên trở nên tệ đi ngay lập tức. Lúc này giao tiếp từ 2 chiều trở thành 1 chiều với hàng rào chắn vô hình được dựng nên. Vậy làm thế nào để xây dựng khả năng giao tiếp tỉnh thức nhằm thức tỉnh những cuộc đối thoại?
Hãy lưu tâm đến tín hiệu đèn
Tình trạng của mọi cuộc hội thoại thường sẽ rơi vào một trong ba tín hiệu sau đây. Thứ nhất là đèn đỏ, nơi mà cuộc hội thoại không thể tiếp diễn. Tiếp theo là đèn xanh, tình trạng trò chuyện suôn sẻ và cởi mở. Thứ ba là đèn vàng, là tình trạng tạm dừng hay chuyển tiếp.
Việc lưu tâm đến tín hiệu đèn của cuộc trò chuyện giúp neo tâm trí của bạn với hiện tại. Bạn không chỉ quan tâm đến người trò chuyện cùng mà còn nhận ra tình trạng của cuộc đối thoại giữa hai người. Nếu bạn thấy cuộc trò chuyện đang rơi vào tín hiệu đèn đỏ, tức là trạng thái khẩn cấp. Khả năng là một trong hai người đang quá tức giận, sợ hãi hay lo lắng khiến cuộc trò chuyện bị bế tắc. Nguy hiểm hơn nữa là hai người có thể phản ứng bằng định kiến tôi-luôn-đúng hoặc tôi-là-số-1 gây tổn thương đến mối quan hệ giữa hai bên.
Khi bạn đánh giá được tình trạng tín hiệu đèn tức là bạn đã có thành công bước đầu. Khi ấy bạn có cơ hội ổn định lại dòng suy nghĩ và cảm xúc. Dừng lại một chút để có phản hồi tích cực chính là khu vực đèn vàng. Hãy luôn nhớ mục tiêu của cuộc trò chuyện chính là xây dựng hoặc duy trì mối quan hệ giữa hai bên. Vì vậy không phải là me-first mà phải luôn luôn là we-first.
Đèn vàng – điểm chuyển tiếp và là không gian để thức tỉnh
Trong khi tín hiệu đèn đỏ là tệ, đèn xanh là tốt thì đèn vàng có thể coi như phao cứu sinh cho các cuộc hội thoại. Khi trò chuyện thì các tình trạng có thể xen kẽ nối tiếp nhau nhiều lượt. Cuộc hội thoại của bạn sẽ liên tục đổi màu đèn. Đó là lý do mà chúng ta phải luôn trú tâm vào hiện tại, vào người đang cùng trò chuyện. Đây chính là mấu chốt của giao tiếp tỉnh thức.
Chậm lại để suy nghĩ thấu đáo
Tình trạng đèn vàng là điểm chuyển tiếp, là nơi ta có thể chậm lại để suy nghĩ cho thấu suốt. Đây là môi trường mà ta cho chính mình cơ hội để thấu hiểu chính cảm xúc của mình. Những lo lắng, sợ hãi, tức giận hay nỗi thất vọng mà bạn dành cho người đối diện. Đó có phải là những tiêu cực bị định kiến hoặc sự hiểu lầm tô đậm hơn thực tế vốn có?
Xây dựng khoảng không cho đèn vàng
Hãy xây dựng cho chính bạn một khoảng không cần thiết trong tâm trí. Chúng ta có thể gọi đó là đèn vàng hoặc là không gian để thức tỉnh. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy không chắc chắn về điều gì đó. Hay bất cứ khi nào có điều gì không mong muốn xảy ra. Hãy đưa tâm trí của bạn vào tình trạng đèn vàng để bĩnh tĩnh suy xét. Đây chính là phương pháp giúp bạn hiểu rõ và ổn định cảm xúc hỗn loạn của chính mình trước. Từ đó, bạn mới có thể mở lòng với người khác. Nhờ vậy mà bạn có thể thức tỉnh mọi cuộc hội thoại mà bạn tham gia vào.
Bài viết có tham khảo định nghĩa về phân loại nhãn tín hiệu đèn cho cuộc đối thoại từ trang: https://www.mindful.org/stop-go-wait/
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Hành Trình Khai Minh tại đây: