Buông bỏ, dù ít dù nhiều đều khiến ta cảm nhận được sức mạnh. Đó là sức mạnh của sự nhẹ nhàng thênh thang. Dù là đồ vật ta sở hữu hay phiền não lắng lo, ta cũng có thể để chúng rời đi. Khi ấy, hành trang của ta trở nên giản đơn hơn. Ta có thể cảm nhận được giá trị của hiện tại, học bài học của quá khứ và hướng đến tương lai. Buông bỏ không phải là đánh mất hay vứt bỏ mà là ta tối ưu hành trang của mình. Buông bỏ là giản lược đi, chỉ giữ lại những gì thật cần thiết và giá trị đối với chính mình. Từ đó đời ta mới ngao du đây đó và sống trọn vẹn với cuộc sống quý giá ta được ban cho.
Giá trị của buông bỏ
Có phải khi bạn tối giản vật dụng của chính mình, bạn cảm nhận được sự nhẹ nhàng? Khi ấy mỗi đồ vật hiện diện đều là món đồ cần thiết với sinh hoạt của bạn. Và bạn còn cảm nhận được cảm xúc thân thiết với những món đồ ấy. Khi bạn sở hữu ít đi thì lạ thay bạn cũng không có ham muốn sắm sửa nhiều hơn. Bạn chỉ sẽ mua khi cần và chỉ khi món đồ cũ không còn sử dụng được nữa. Khi bỏ hay cho đi những món đồ cũ, bạn cũng sẽ nói lời cám ơn trước khi tạm biệt chúng.
Tương tự với những món đồ vật chất, có những cảm xúc cũng cần được buông bỏ. Bạn có thể buồn và tức giận nhưng rồi bạn phải để những cảm xúc này ra đi. Thứ còn lại chỉ nên là bài học bạn rút ra từ tình huống không mong muốn mà mình gặp phải. Ngay cả nỗi lo về một tương lai chưa tới cũng nên được bỏ ra khỏi tâm trí của chính bạn. Khi buông bỏ những cảm xúc tiêu cực, để chúng lại cho quá khứ đã qua mới là lúc bạn đủ sức mạnh để bước tiếp.
Buông cho rỗng, bỏ cho nhẹ
Trước khi quyết định buông bỏ, chắc chắn bạn phải có thời gian để thấu hiểu thứ cần được buông, cần được bỏ. Những đồ vật không cần thiết hay những chuyện không như ý đều có lý do xuất hiện bên cạnh bạn. Vậy nên, thấu hiểu chính là lúc bạn rút ra được bài học cho những quyết định trong tương lai. Bạn sẽ không mua sắm món đồ không cần thiết. Và bạn cũng sẽ không hành xử gây nuối tiếc như bạn đã làm.
Một khi đã quyết định buông bỏ nỗi nuối tiếc, sự thất vọng hay oán giận thì hãy buông cho rỗng. Điều này giống như việc bạn lau chùi nhà cửa vậy. Đầu tiên bạn quét nhà cho sạch bụi cát, sau đó là chùi cho sáng bóng tinh tươm. Nỗi buồn cũng giống như những hạt cát, dù là sót lại một ít cũng khiến bạn khó chịu không thôi. Vì vậy, để cho nhẹ lòng, giây phút bạn buông bỏ là giây phút bạn tạm biệt luôn cả gốc rễ nguồn cơn của phiền não. Đừng để lại dù chỉ là một hạt cát hay một gợn sóng lăn tăn.
Buông bỏ cũng là một hình thái của việc đúc kết
Có một tác giả sách người Nhật từng chia sẻ rằng, mục đích ông viết sách là để giải phóng tâm trí. Ông đúc kết lại những gì ông đã đọc và nghiên cứu vào những trang sách để giải phóng bộ nhớ của chính mình. Viết sách là nhu cầu cần thiết để ông buông bỏ những gì mình đã thu nạp. Từ đó ông mới có thể tiếp tục nghiên cứu những thứ mới mẻ.
Cho nên buông bỏ cũng chính là một hình thái khác của việc đúc kết. Ta gói ghém những gì đã cũ và không cần thiết để cho đi. Ta đúc kết bài học từ những gì đã xảy đến. Rồi từ đó ta nói lời chia tay những điều cũ kỹ. Chỉ khi ta yên lòng cho quá khứ nằm lại sau lưng, ta mới cảm nhận được ánh sáng của một chặng đường mới. Hành trình ta đi sẽ qua rất nhiều chặng đường. Vì vậy hãy luôn giữ cho bạn một hành trang giản đơn mà giá trị. Đó là những gì ta làm được cho người và cho đời.
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Hành Trình Khai Minh tại đây: