Nếu một ngày mở mắt ra bạn được cả thế giới săn đón, bạn sẽ đón nhận như thế nào? Bạn muốn gì được nấy. Thậm chí bạn hống hách với người khác lại được họ nhún nhường xin lỗi nữa. Tôi thì rất lo sợ sự săn đón ấy. Đây chính là hình ảnh khi bé con tôi được ông bà vào thăm chơi mấy tuần liền. Ông bà nghĩ là lâu lâu mới gặp cháu nên chiều chuộng hết mực. Lắm lúc cháu nó nhăn nhó khó chịu theo kiểu không lễ phép, ông bà cũng cười xoà cho qua. Vô tình bé con tôi được hình thành thói quen của một ngôi sao xẹt. Có bệnh thì phải chữa nhưng phòng bệnh thì tốt hơn là chữa bệnh. Vậy nên, bệnh ngôi sao ở trẻ em nên phòng ngừa như thế nào đây?
Người lớn hãy đặt mình vào vị thế của con trẻ
Nếu bạn cũng nhận được sự chiều chuộng của cả thế giới như vậy?
Con trẻ sẽ trở nên hống hách, kiêu căng và hay đòi hỏi. Vì vô tình sự săn đón, chiều chuộng của gia đình khiến trẻ tự cho mình là quan trọng. Trẻ sẽ dễ bị mất kiên nhẫn vì nghĩ rằng yêu cầu của mình phải được đưa lên đầu tiên. Nếu ba và mẹ đang nói chuyện thì bé có thể xen ngang. Thậm chí bé còn la hét nếu ba mẹ không dừng lại để lắng nghe.
Chúng ta đặt vị thế mình là con trẻ thì chúng ta sẽ giải thích được vì sao bé lại có thái độ như vậy. Mọi đứa trẻ đều là thiên tài về giao tiếp. Chúng có thể nắm bắt được thái độ của người cùng trò chuyện rất nhanh. Nếu bạn dung túng cho sự kiêu căng vô lễ, con bạn sẽ nghĩ rằng bạn đồng ý với điều đó. Lũ trẻ học hỏi bằng cách liên tục thử cho đến khi đụng phải bức tường. Bạn sẽ giúp con xác định được bức tường thật sự chứ?
Hãy tạo ra môi trường có sự tôn trọng lẫn nhau
Nhiều người nghĩ rằng chỉ giữa những người lớn mới cần sự tôn trọng lẫn nhau. Họ đối xử với con cái như cái cách mà quá khứ họ bị đối xử. Có những câu đùa giỡn đối với người lớn thì không hợp nhẽ nhưng chúng ta lại giỡn với con. Người lớn thường thích thú khi thấy phản ứng ngây thơ của con với những trò đùa của mình. Đôi khi chúng ta còn lấy sự chia lìa, mất mát ra hù doạ con cái. Thử nghĩ lại nếu chúng ta cũng bị đùa giỡn trong tâm thế ngỡ đó là sự thật thì sẽ ra sao?
Vì vậy hãy tạo ra một môi trường có sự tôn trọng giữa cha mẹ với con cái. Cha mẹ tôn trọng con và ngược lại con cái tôn trọng cha mẹ. Con trẻ chỉ là có trải nghiệm ít hơn cha mẹ vì chúng ít tuổi hơn chứ không phải chúng ngốc nghếch. Sự tôn trọng không đồng nghĩa với đối xử ngang hàng. Vì cha mẹ là người đi trước và có trách nhiệm nuôi dạy con. Chúng ta hãy quy mối quan hệ với con trẻ như mối quan hệ giữa người với người. Sự tôn trọng lẫn nhau luôn phải đặt lên hàng đầu.
Tạo sự thấu hiểu cho cả người lớn và con trẻ
Phân tích sự việc trên góc độ tâm lý học
Nếu cha mẹ áp dụng được sự tôn trọng khi nuôi dạy con thì quá tuyệt vời. Bên cạnh đó, cha mẹ còn có vai trò chia sẻ với những người thân trong gia đình. Trường hợp bệnh sao xẹt của trẻ con nếu là do sự sủng ái quá mức của ông bà thì cha mẹ cần phân tích cho ông bà rõ. Việc phân tích này hoàn toàn đứng trên góc độ tâm lý học. Một người khi có sự nổi tiếng, thành công hoặc có một điểm gì đó nổi trội hơn so với đám đông, họ sẽ có xu hướng bị bệnh ngôi sao.
Trẻ con cũng vậy. Khi chúng được người lớn chiều chuộng và săn đón. Chúng sẽ dễ mắc bệnh ngôi sao. Dấu hiệu là trở nên hống hách, kiêu căng, vô lễ khác với bình thường. Cha mẹ cần liên kết đến những biểu hiện của con trẻ để nhận được sự thấu hiểu từ những người lớn trong gia đình.
Từ thấu hiểu đến kêu gọi hành động
Một khi có được sự thấu hiểu thì chúng ta dễ dàng đồng thuận và đi đến hành động cùng nhau. Phương Tây có câu nói rất nổi tiếng là: “Để nuôi dạy một đứa trẻ chúng ta cần cả một ngôi làng”. Vì nuôi dạy trẻ không phải là việc của riêng cha mẹ. Con chúng ta cần cả ông bà, cô dì chú bác, thầy cô và bạn bè để học thành người.
Chúng ta không những phải phân tích để những người lớn trong “ngôi làng” thấu hiểu mà còn phải giải thích cho con trẻ nữa. Chúng ta giúp con nhận ra nguyên nhân của những thay đổi gần đây từ bé. Trường hợp của bé con, tôi còn thẳng thắn nói với con là ông bà chiều con vì thương con nhưng con không được coi đó là nghĩa vụ của ông bà.
Tôi đã nói chuyện riêng với ông bà để bớt “sủng ái” cháu lại. Ngoài ra tôi còn tạo một cuộc trò chuyện chung có cả ông bà và bé con tôi. Cuộc trò chuyện thẳng thắn hoàn toàn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau đã giúp ích cho tất cả mọi người. Nhờ vậy mà bé sớm khỏi bệnh ngôi sao.
Kết
Nuôi dạy con trẻ là một hành trình dài và khó khăn. Việc duy trì vai trò làm cha mẹ ôn hoà càng không hề dễ dàng. Nhưng có lẽ vì tình yêu thương con vô cùng mà cha mẹ luôn có thể thật kiên nhẫn để quan sát con mình.
Những thay đổi của trẻ đều là những tín hiệu mà cha mẹ cần lưu tâm đến. Hoàn cảnh thay đổi, độ tuổi thay đổi, người chăm sóc bé thay đổi và nhiều nguyên nhân khác nữa đều có thể khiến con chúng ta thay đổi. Cha mẹ hãy đồng hành cùng con, giúp con trải qua sự thay đổi một cách thuận lợi nhất. Mục tiêu của chúng ta là nuôi dưỡng bản chất tốt đẹp bẩm sinh mà con chúng ta có từ khi sinh ra.
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Chuyện Nhà tại đây:
https://valueyourday.com/category/chuyen-nha-chuyen-gia-dinh/