Câu chữ dài hay ngắn, viết theo lối nói hay lối kể luôn là nỗi niềm băn khoăn của những người đặt bút. Vì mong muốn lớn nhất của người viết là chia sẻ chính mình với người đọc. Chúng ta phải tìm kiếm con đường tiếp cận đến độc giả, ví như là qua dài ngắn câu chữ mà chạm đến trái tim họ. Nếu xem bài viết của chúng ta là một lá thư thì bạn đang muốn viết thư gửi cho ai? Lá thư bạn viết có tạo được trải nghiệm cũng như chạm đến cảm xúc mà bạn mong muốn truyền tải cho người nhận? Chúng ta luôn phải dò dẫm tìm đường rồi từ đó tạo nên con đường riêng để gửi những câu chữ đến độc giả.
Viết ngắn hay viết dài?
Dài ngắn câu chữ
Độ dài ngắn của mỗi câu chữ sẽ tạo nên nhịp điệu của đoạn văn. Lúc nào nên ngắn, lúc nào nên dài, bao nhiêu câu ngắn hay bao nhiêu câu dài là vừa đủ? Bên cạnh đó, việc sắp đặt các câu ngắn, các câu dài giống như viết một bản nhạc. Giai điệu của những câu chữ phải thể hiện được ý đồ cảm xúc mà bạn muốn truyền tải. Khi bạn đọc nó lên bạn sẽ thấy được sự nhịp nhàng và quan trọng nhất là cảm giác thoải mái. Chính sự thoải mái mới khiến người đọc mở lòng và ở lại với những con chữ mà bạn viết ra. Ví như một bài hát hay sẽ khiến chúng ta ngân nga theo hết lần này đến lần khác. Và cũng y như thế, một câu chuyện được kể hay sẽ khiến người đọc nhớ mãi.
Tìm kiếm điểm giữa, nơi tạo nên phong cách riêng
Một dây đàn muốn ngân lên nốt nhạc thì không được quá căng mà cũng không được quá chùng. Những câu văn chúng ta viết ra cũng y như vậy, muốn hay cũng không quá ngắn mà không quá dài. Ấy chính là điểm giữa, nơi mà chúng ta có thể giữ được thăng bằng để tiến bước. Điểm giữa ấy ở mỗi cây viết là khác nhau. Chỉ có sự quan sát và cảm thấu của người viết mới có thể giúp họ tìm được điểm giữa. Và từ đó định hình nên phong cách viết riêng của mỗi người.
Tạo ra trải nghiệm cho người đọc
Kể ra đi, cho người đọc thấy đi
Lời khuyên mà những người viết được nghe đi nghe lại là “Show, Don’t tell”. Nghĩa là đừng nói chung chung mà hãy kể ra đi, mô tả cho người đọc được hiểu. Vì mục đích của việc viết là tạo ra trải nghiệm cho độc giả. Trải nghiệm sẽ khiến độc giả sống trong những hình ảnh do con chữ của bạn tạo ra. Trong khi “show” thiên về mô tả tạo nên hình ảnh thì “tell” lại thiên về kết luận ngắn gọn. “Tell” chỉ trình bày những thông tin đơn giản và những con chữ là kết luận của người viết. Vì thế cho nên người viết mới được khuyên là phải “show” chứ đừng “tell”. Phải “show” người đọc mới thấy, mới cảm được. Từ đó những con chữ mới chạm đến trái tim và cảm xúc của người đọc.
Từ trái tim chạm đến trái tim
Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim. Điều này nghe có vẻ đúng đắn nhưng vẫn chưa đủ. Nếu nói những gì xuất phát từ trái tim người viết là một món quà thì chúng ta phải biết cách đóng gói và trao gửi. Món quà gói những cảm xúc được đóng gói đẹp đẽ và trao gửi đúng cách thì mới chạm được đến trái tim người đọc.
Khi viết ra những con chữ chúng ta hân hoan và chìm đắm trong yêu thương. Thậm chí khi đọc đi đọc lại những con chữ ấy, chính người viết cũng như được chạm đến 5 giác quan một lần nữa. Có như vậy món quà tuyệt vời khi đến được tay người đọc mới tạo được trải nghiệm tuyệt vời. Hãy viết như thể bạn đang chìm đắm vào công việc đẹp đẽ nhất thế gian. Cả một bầu trời bao la nằm trong những con chữ và nhờ chính bạn mà bầu trời ấy hiển hiện rõ ràng trước mắt người đọc
Các bài viết cùng chủ đề Chuyện Nghề:
https://valueyourday.com/category/chuyen-nghe-di-lam-cong-ty/