Hôm qua tôi được mẹ bảo sinh thêm đứa nữa đi con, cho có chị có em. Khi trả lời rằng tôi chỉ sinh một đứa thôi thì y như rằng tôi lại bị mẹ rầy la. Lý lẽ của bà cũng như rất nhiều người mẹ khác là gia đình phải có ít nhất là 2 đứa con. Dù tôi có giải thích gì thêm thì bà cũng không chịu nghe. Tôi nhận ra rằng mình chưa chuẩn bị đủ tốt cả về tâm lý và câu trả lời cho dạng câu hỏi như thế này. Đặc biệt là khi nó đến từ người tôi rất thương yêu và kính trọng. Hãy cùng valueyourday tìm cách trả lời cho câu hỏi khi nào mới chịu sinh con nhé.
Trước tiên hãy nhận thức cảm xúc của chính mình
Bạn cảm thấy gì khi được hỏi về kế hoạch sinh con?
Hãy tự hỏi chính bạn rằng bạn sẽ phản ứng gì với những câu hỏi như sau:
- Khi nào thì sinh em bé?
- Sao không chịu sinh con cho rồi?
- Khi nào thì sinh đứa thứ 2?
- Đứa đầu lớn rồi đó, sinh đứa nữa cho có chị có em đi?
Bạn có nhận thấy rằng những câu hỏi này đa phần đều được phụ nữ hỏi chính phụ nữ? Vì phụ nữ mới sinh được con nên việc chưa sinh đứa đầu hay chưa sinh đứa nữa là do phụ nữ. Đây là thói quen suy nghĩ của rất nhiều người, đặc biệt là các mẹ các dì và các cô. Cũng vì sinh con là thiên chức của phụ nữ nên chủ đề về sinh con là chủ đề được các cô dì chị em quan tâm nhiều nhất.
Bạn có thể sẽ thấy khó chịu hoặc ngại ngần khi nhận được các câu hỏi về kế hoạch sinh con. Thậm chí phản ứng của bạn đôi lúc như muốn xù gai vì cảm thấy bị chạm đến sự riêng tư. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tâm lý, bạn có thể sẽ phản ứng ngay. Khi đó, phản ứng gay gắt của bạn có thể sẽ phá hỏng cuộc trò chuyện.
Nâng niu cảm xúc của chính mình
Những cảm xúc khó chịu mà bạn có là điều hết sức bình thường. Bạn hãy tôn trọng cảm xúc của chính mình. Đừng cố gắng chối bỏ. Tôi không nói rằng khi bạn khó chịu thì bạn hãy xù lông nhím để tự vệ. Đó là phản ứng khi cảm xúc không được thấu hiểu.
Hãy cho chính mình cơ hội để hiểu rõ cảm xúc. Vì sao bạn cảm thấy những gì bạn đang cảm thấy? Chính xác là hãy dành vài phút để cảm nhận cơn giận hay sự không thoải mái trong bạn. Hãy cảm nhận được sự thay đổi của nhịp tim và hơi thở. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể khi nó bị báo động. Cơ thể bắt đầu chế độ phòng vệ.
Đây là phản ứng bản năng giúp con người tránh thoát nguy hiểm. Tuy nhiên, các câu hỏi không thực sự làm chúng ta mất mạng như khi đối mặt với con hổ răng kiếm. Đó là lý do chúng ta cần dành thời gian để thấu hiểu và chấp nhận phản ứng bản năng này. Sau đó chúng ta mới có thể đưa ra một phản hồi hợp lý cho “sự nguy hiểm” đến từ các câu hỏi về sinh con đẻ cái.
Chuẩn bị câu trả lời và cả tâm lý để trả lời
Chúng ta cần đánh giá trước “sự nguy hiểm” của các câu hỏi để thấu hiểu cảm xúc bản năng của chính mình. Khả năng cao là bạn sẽ lúng túng khi được hỏi (hay bị hỏi) nên việc chuẩn bị trước là rất cần thiết. Hãy tạo cho mình một vài phương án hợp lý để trả lời khi cần dùng đến.
Việc chuẩn bị tâm lý cũng như câu trả lời sẽ cần kết hợp cả 3 yếu tố:
- Người hỏi là ai? Người đó có mối quan hệ gì với bạn?
- Tình huống mà ở đó bạn được hỏi?
- Mong muốn của bạn khi hồi đáp câu hỏi là gì?
Yếu tố #1: Dựa vào người hỏi là ai?
Tuỳ thuộc vào mức độ thân sơ của người hỏi mà bạn sẽ có câu trả lời khác nhau. Bạn có thể chia thành 3 nhóm đối tượng như sau:
- Người rất thân với bạn, thường là bố mẹ hoặc anh chị ruột của vợ chồng bạn.
- Bà con gần hoặc bạn bè thân vừa phải.
- Bà con xa hoặc bạn bè không thân.
Đối với bố mẹ của vợ chồng bạn thì bạn có thể chia sẻ quyết định của mình. Bố mẹ có thể không ủng hộ nhưng bạn hãy giữ vững lập trường của mình. Bạn chỉ muốn thông báo kế hoạch để bố mẹ biết chứ không phải là tạo ra một cuộc thảo luận.
Đối với bà con hoặc bạn bè thân/ gần vừa phải thì bạn có thể trả lời ngắn gọn về quyết định của vợ chồng bạn. Ví dụ: vợ chồng bạn chưa có kế hoạch sinh em bé ở thời điểm này. Hoặc vợ chồng bạn sẽ sinh em bé trong thời gian tới và sẽ chia sẻ tin vui nếu có.
Đối với bà con xa hoặc bạn bè không thân thì bạn có thể trả lời đơn giản và lịch sự. Ví dụ: Vâng/Ừ, Khi nào có tin vui sẽ thông báo ngay.
Yếu tố #2: Dựa vào tình huống được hỏi
Tình huống được hỏi đóng vai trò quan trọng khiến bạn phải cân nhắc cách trả lời. Ví dụ nếu đó là một cuộc trò chuyện trong bữa cơm gia đình thân mật, bạn có thể phải trả lời với cả chuỗi câu hỏi. Người thân của bạn sẽ muốn tác động để bạn thay đổi ý kiến nếu bạn nói rằng bạn chưa muốn sinh con. Hãy thoải mái và kiên định.
Nếu đó là một bữa tiệc của họ hàng gần hay một buổi cafe của một nhóm bạn. Tất cả những người hiện diện ở đó đều đang lắng nghe câu trả lời của bạn. Hãy trả lời nhưng không cần giải thích. Đơn giản rằng, kế hoạch sinh con là việc riêng của gia đình bạn. Hãy ngắn gọn và sau đó chuyển sang chủ đề khác nếu bạn không thoải mái.
Nếu đó là tình huống một cuộc gặp gỡ đông người và câu hỏi dành cho bạn chỉ đơn giản là câu chào hỏi. Bạn hãy đáp lại cũng bằng một câu chào hỏi. Việc trả lời cho câu hỏi thật sự cũng không quá quan trọng. Nhiều người đã quen chào bằng các câu hỏi khá là riêng tư. Ví dụ khi nào kết hôn, khi nào sinh con, lương tháng bao nhiêu?..
Dựa vào mong muốn của bạn khi trả lời
Bạn muốn mang lại cảm xúc gì cho đối phương khi trả lời? Hẳn là bạn sẽ không muốn bố mẹ hay anh chị buồn vì cách mình trả lời đúng không? Hay bạn cũng không muốn tạo cảm giác khó xử cho chính người hỏi đúng không?
Hãy nhớ rằng cách bạn trả lời quan trọng hơn câu trả lời của bạn. Điều đó đến từ mong muốn của bạn khi trả lời. Hãy luôn bắt đầu với suy nghĩ rằng người hỏi chỉ đang quan tâm đến bạn chứ không hề có ác ý gì cả. Người hỏi không hề có ý khiến bạn khó chịu.
Vì vậy hãy chuẩn bị tâm lý để truyền tải câu trả lời một cách lịch sự. Dù câu hỏi không hề ngọt ngào nhưng bạn vẫn có thể bọc đường cho câu trả lời. Hãy thoải mái cho đi một viên kẹo, bạn sẽ thấy à thì ra các câu hỏi cũng không hề nguy hiểm đến nỗi phải xù gai.
Bạn có thể tham khảo thêm một số cách trả lời theo link bài viết dưới đây:
https://www.verywellfamily.com/when-are-you-going-to-have-a-baby-how-to-respond-1959988
Kết
Bạn thấy đó, sự kết hợp khéo léo 3 yếu tố nói trên sẽ giúp bạn dũng cảm đối diện với câu hỏi được mệnh danh là phù thuỷ hắc ám mọi thời đại. Chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp tâm lý bạn đủ mạnh mẽ và tĩnh lặng trước bất cứ cơn sóng nào. Rồi sẽ đến lúc bạn có thể mỉm cười nhẹ nhàng để trả lời.
Hãy nhớ rằng năng lượng là một dạng sóng và nó có khả năng lan truyền. Vì vậy hãy xây dựng cho mình dạng năng lượng của biển sâu. Nơi mà mọi cơn sóng đều hoá thành tĩnh lặng. Khi bạn an yên thì không những bạn hạnh phúc mà nó còn ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh.
Bạn có thể đọc thêm về chủ đề các mối quan hệ gia đình trong Chuyện Nhà
https://valueyourday.com/category/chuyen-nha-chuyen-gia-dinh/