Nói “không” với con cái là điều không phải quá khó. Chính việc dàn xếp phản ứng của con cái và thậm chí là kiểm soát sự mất bình tĩnh của cha mẹ mới khó khăn. Phải làm gì khi con vẫn tiếp tục đòi hỏi mặc dù bạn đã nói “Không”? Làm sao để dịu đi sự căng thẳng không phải chỉ từ con mà từ cả cha mẹ? Để làm cha mẹ ôn hoà bạn cần cả sức khoẻ lẫn sự thiền định. Đó là sự kết hợp từ sức khoẻ của một vận động viên và sự bình tĩnh của một thiền sư.
Cha mẹ cần sức khoẻ của một vận động viên
Khoẻ thể chất
Hãy hình dung đến thời điểm bạn trở về nhà sau một ngày làm việc dài. Tất cả những gì bạn muốn làm là ăn tối và nghỉ ngơi. Nhưng bạn còn phải dọn dẹp nhà cửa, làm bữa tối và giúp con. Con cần bạn giúp việc này việc kia. Con đòi hỏi, nhõng nhẽo, khó chịu. Và tất cả những gì mà bạn có thể nghĩ ra được lúc đó chẳng gì khác ngoài việc la con. Bạn càng quát mắng con thì con lại càng phản ứng lại. Cuối cùng, buổi tối của bạn và của con trở thành một đống lộn xộn.
Việc có một sức khoẻ tốt càng quan trọng hơn khi bạn có con. Vì lúc đó bạn phải chung sống với một người nhỏ đang bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Người nhỏ này luôn luôn thử nghiệm những giới hạn. Và chính điều này dễ khiến bạn phát cáu thậm chí là nổi điên. Nhưng đối với sự phát triển của con thì học qua thử nghiệm là điều rất bình thường. Vì vậy cha mẹ phải rèn luyện sức khoẻ như cách một vận động viên chuẩn bị cho một giải đấu vậy.
Mạnh tinh thần
Bạn có thể nói “Không” một lần, hai lần, ba lần. Nhưng con bạn vẫn tiếp tục la hét và đòi hỏi. Hẳn là đến lần thứ tư, bạn sẽ không thể chỉ nói “không”. Có khi nào bạn khiến mình đúng lại trở thành sai không? Tức là thay vì nói “không” một cách bình tĩnh thì bạn là thêm vào những câu chửi bới, thậm chí là hù doạ phạt con. Bên cạnh việc xây dựng những nguyên tắc cơ bản trong gia đình thì làm cha mẹ ôn hoà còn cần một tinh thần khoẻ mạnh. Đó là sự minh mẫn, sáng suốt và tất nhiên là bình tĩnh để duy trì những hành xử đúng đắn với con cái.
Cha mẹ cần sự bình tĩnh của một thiền sư
Cha mẹ bình tĩnh trước, sau đó mới giúp được con
Sự lo lắng, căng thẳng có tính lây lan. Khi cha mẹ không giữ được bình tĩnh thì chín phần mười là con cái cũng vậy. Con có thể bắt đầu bằng một yêu cầu nào đấy. Cha mẹ đã nói “không” kèm với lý do. Nhưng con vẫn khăng khăng yêu cầu thứ con muốn. Cứ như vậy năng lượng căng thẳng leo thang theo cấp số nhân. Lúc này, cha mẹ cần hít một hơi thật sâu để ngưng đợt sóng năng lượng ấy. Dừng lại một vài phút để lắng nghe chính mình trước.
Bình tĩnh không có nghĩa là chấp thuận yêu cầu không hợp lý của con. Mà bình tĩnh là để cho chính cha mẹ thời gian để nhận ra điều gì là quan trọng. Con cái đang trong hành trình học để tự điều chỉnh và thích nghi. Những cảm xúc tiêu cực nếu có trên hành trình học hỏi ấy là điều bình thường. Thứ mà cha mẹ có thể giúp con chính là đối mặt và điều hoà những cảm xúc đó.
Cho con cơ hội để giải toả cảm xúc
Hãy cho con cơ hội để khóc, khó chịu hay thậm chí là càu nhàu la hét. Nhưng cũng cần cho con biết, con có quyền khóc lóc nhưng không được quyền xúc phạm người khác. Con được quyền khó chịu nhưng không được làm ảnh hưởng đến không gian chung. Sau tất cả, cái ôm và sự quan tâm của cha mẹ chính là thìa xi rô hạ sốt cho con. Hãy cho con thời gian để bình tĩnh. Sau khi con và cả cha mẹ đã bình tĩnh trở lại thì lúc này một cuộc trò chuyện mới trở nên phù hợp.
Cho con cơ hội để giải toả cảm xúc một cách văn minh chính là cách mà cha mẹ có thể giúp con. Đó cũng là cơ hội để cha mẹ thấu hiểu con mình hơn. Hãy kiên nhẫn một cách có chiến thuật. Đó là tập trung vào trọng tâm của vấn đề thay vì để cảm xúc bộc phát như cơn bão. Và cũng đừng quên sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần chính là nền tảng để làm cha mẹ ôn hoà.
Các bài viết cùng chủ đề Chuyện Nhà:
https://valueyourday.com/category/chuyen-nha-chuyen-gia-dinh/