Buổi sáng chủ nhật, bố tôi cứ mong ngóng đến giờ chung kết chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia. Bố mẹ tôi đã bật tivi từ sớm để xem cầu truyền hình và cổ vũ cho em Minh Triết- đại diện của trường Quốc Học Huế. Tôi vì có chút việc bận nên chỉ xem được phần thi chung kết. Ở câu hỏi cuối cùng, Minh Triết nói rằng em muốn nhường cơ hội chinh phục chiếc vòng nguyệt quế cho Xuân Mạnh và Trọng Thành. Khi nghe chữ “nhường” của Minh Triết, tôi đã linh cảm ngay nó sẽ là miếng thịt thơm ngon cho báo chí mạng mổ xẻ. Vì sao chữ “nhường” của Minh Triết trong Đường Lên Đỉnh Olympia lại bị cộng đồng mạng phán xét gay gắt đến vậy?
Khi tự do ngôn luận trở thành vũ khí để phán xét người khác
Phán xét bao giờ cũng dễ dàng
Khi tôi nghe Minh Triết nói, tôi cũng chỉ cảm thấy thấy hơi không hợp hoàn cảnh. Vì câu nói của em được rất nhiều người đang nghe, chắc chắn sẽ dẫn đến những bình luận không hay. Có thể bản thân Triết chỉ đơn giản là nói những gì em đang nghĩ. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Vì cơ bản lúc ấy dù em có trả lời được câu hỏi cuối cùng hay không thì thứ hạng chung cuộc của em cũng không thay đổi. Trong khi câu hỏi cuối cùng này lại có thể đảo ngược kết quả giữa Xuân Mạnh và Trọng Thành. Mà đúng là đã đảo ngược thật.
Minh Triết nhìn nhận cuộc chơi rất nhanh chóng. Giờ tôi ngồi viết mới ngẫm ra để nói ra được câu đó trong giây phút thi đấu kịch tính như vậy, Minh Triết đúng là quá được luôn ấy chứ. Dù có thể tính ra hay không tính ra câu trả lời, Minh Triết cũng đã chọn không trả lời. Em ấy nói là “nhường” nghĩa là nhường thật. Còn ai phán xét rằng Minh Triết có quyền gì mà nói nhường với không nhường? Những người đó cơ bản cũng chưa bao giờ có cơ hội bước vào một cuộc thi tương tự như Đường Lên Đỉnh Olympia.
Hãy tỉnh táo và nếu cần hãy lặng thinh
Báo chí đang tạo ra những bài viết mà có khả năng cho nhiều lượt click nhất. Những người lên mạng để phán xét, tạo ra những thông tin tiêu cực cũng vậy. Họ muốn được nhiều lượt thích và chia sẻ. Điều này được gọi là có cầu ắt có cung. Người đọc chúng ta chính là người định hình nên những thông tin trên mạng xã hội.
Vì vậy hãy giữ cho mình sự tỉnh táo. Trên mạng nhiều thứ xạo lắm. Từ xạo trong tiếng Anh được dịch là bullshit. Nhưng bullshit không phải là ngôn ngữ tục tĩu. Bullshit hay Xạo được nghiên cứu hẳn hoi đàng hoàng.
Triết gia Harry G. Frankfurt trong cuốn tiểu luận ngắn rất nổi tiếng “On Bullshit” đã đặt nền tảng triết lý về Xạo. Ông nhận định rằng trong giao tiếp xã hội có những người bị thôi thúc phải nói những điều họ không am hiểu. Và ông gọi đó là “bullshit” (hay xạo). Ông xem xạo là một thứ phẩm của xã hội.
Chúng ta hãy có chọn lọc và khi cần thiết hãy khắt khe với những thông tin trên mạng. Những bài báo, thông tin có khả năng là Xạo là bullshit, chúng ta hãy bỏ qua. Và bỏ qua nghĩa là không nên bàn luận, trích dẫn hay phán xét về những thứ phẩm đó. Sự lặng thinh của chúng ta sẽ khiến những thông tin như vậy quay về nơi nó thuộc về, đó là thùng rác.
Văn hoá phán xét của người Việt và bàn về Tánh Không
Người Việt có thói quen nghiêng về chỉ trích hơn là khích lệ
Tôi là người Việt nhưng tôi cũng đồng tình với cách nhìn nhận rằng người Việt chúng ta ít khích lệ người khác. Điều này thể hiện rõ nhất là trong giáo dục. Bạn sẽ thấy thầy cô thường phạt hay chê nhiều hơn là khích lệ, tán dương. Nếu có khen thì khen mà như gãi không đúng chỗ ngứa. Nói nôm na thì thầy cô khen một cách chung chung cho có.
Phương Tây có một câu nói rất hay về sự chỉ trích. Đó là sự chỉ trích như con chim bồ câu, chúng sẽ luôn quay về tổ. Có nghĩa là khi bạn chỉ trích hay phán xét ai, điều đó lạ thay lại thể hiện chính con người bạn và sẽ quay về với bạn. Ý nghĩa cùng năng lượng của lời chỉ trích sẽ luôn quay về với chính bạn như bồ câu luôn quay về tổ.
Bàn về Tánh Không (Emptiness) trong Đạo Phật

Quan niệm về Tánh Không (Emptiness) trong Đạo Phật nghĩa là tất cả mọi thứ TỰ NÓ là trống không. Tránh hiểu nhầm rằng mọi thứ đều là trống không.
Mỗi sự vật hay hiện tượng đều nằm trong một mạng lưới. Chúng kết hợp với nhau để tạo nên ý nghĩa gì đó, tức là tạo nên có. Nhưng TỰ NÓ là TRỐNG KHÔNG.
Vậy lỗi lầm, thất bại hay vinh quang TỰ NÓ là trống không. Nhưng khi kết hợp với những điều kiện, hoàn cảnh khi nó xảy ra mà nó có ý nghĩa. Cách nhìn nhận của chúng ta lại tạo ra những ý nghĩa khác nhau cho cùng một sự việc một hoàn cảnh.
Bàn về câu nói của Minh Triết hay chuyện thắng thua trong cuộc thi cũng vậy. Dù có thất bại hay chiến thắng thì cũng chỉ là một sự kiện, một chức danh. Những điều này không phải là vĩnh cửu. Thay đổi sẽ liên tục tiếp diễn.
Vì vậy đừng quá đặt nặng cho một giải thưởng, một chiến thắng hay thậm chí là một thất bại. Và chữ “nhường” của Minh Triết xét cho cùng cũng chỉ là một câu nói trong một thời điểm mà thôi. Đâu có gì mà gay gắt bám víu để phán xét rồi tạo ra những bài báo rác?
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Hành Trình Khai Minh tại đây: