Tôi có hai người mẹ. Một người sinh ra tôi và một người nuôi nấng tôi lớn khôn. Tôi chỉ gặp được mẹ ruột của mình vỏn vẹn hai lần. Vì vậy tôi cũng không biết viết gì về người đã cho tôi hình hài dáng vóc. Trong lòng tôi luôn là hình bóng của người mẹ đã tần tảo nuôi tôi nên người. Nhân ngày của mẹ, tôi muốn cho mình cơ hội để tỏ bày. Tôi luôn muốn nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, con chỉ mong mẹ yêu thương chính mình!
Mẹ thương con đến vậy mà con nào hay biết
Khi còn nhỏ tôi luôn được nghe họ hàng chòm xóm nói với mình rằng:
Đời nào bánh đúc có xương
Đời nào mẹ ghẻ mà thương con chồng.
Hồi đó, tôi làm gì đã biết tư duy phản biện để suy xét thực hư đâu. Tôi chỉ nghe lời người ta nói chứ chẳng nhìn vào hành động mà chính mình thấy được. Mẹ luôn lo lắng cho tôi cái ăn cái học. Chưa bao giờ mẹ kêu tôi phụ bất cứ việc gì dù là cỏn con trong nhà. Tôi học cách giặt đồ và rửa chén là vì bắt chước nhỏ bạn hàng xóm. Hồi đó tôi cứ trách mẹ không dạy mình việc nhà. Mà đâu biết rằng mẹ sợ ảnh hưởng thời gian học hành của tôi.
Mẹ tôi rất sợ ba. Hồi trẻ ông là người rất nóng tính. Hễ cái gì không vừa lòng là mắng chửi, đánh đập. Biết bao đêm, tôi và em trai phải níu lấy mẹ vì mẹ muốn bỏ nhà ra đi. Em trai tôi là con riêng của mẹ. Tôi thì là con riêng của vợ trước của ba. Ba tôi không có con. Có lẽ ba tôi cũng chịu nhiều điều tiếng. Mà khốn khổ thay là mọi bực dọc ông đều trút lên vợ con.
Những ngày xa nhà
Xin ba đi học xa
Từ rất bé tôi đã nhận thức được rằng mình phải giỏi, phải thành công thì mới được yêu thương. Tôi đã học cách quan sát nét mặt của những người xung quanh. Tôi đã quyết tâm phải tự lập càng sớm càng tốt. Ngay khi vào lớp 8, tôi đã nghĩ là mình phải vào Sài Gòn học đại học để làm kinh tế – làm giàu. Nếu muốn đậu đại học ở Sài Gòn thì cấp 3 tôi phải học ở Huế thay vì học ở ngôi trường vùng biên giới xa xôi Quảng Trị.
Cái chuyện xin ba cho tôi về Huế học lớp 9 cũng lắm gian truân. Đến khi ba đồng ý, tôi còn phải tự lơ ngơ đi xe ôm về huyện để rút học bạ. Mà thôi, đang viết về mẹ tự dưng rẽ ngang ơ. Từ nhỏ đến lớn mẹ chưa bao giờ đánh tôi. Tôi nghĩ chắc mình làm mẹ buồn nhiều. Hồi nhỏ tôi đã thích viết, lại hay tưởng tượng nữa. Toàn nghĩ theo hướng mẹ không thương tôi mà chỉ thương em trai. Có lần tôi viết một bức thư gửi mẹ. Hồi đó chắc mới chỉ lớp 5 lớp 6 gì đó. Tôi không nhớ mình viết gì mà chỉ nhớ mẹ đã rất buồn khi đọc tờ giấy thư đó.
Là Nhà…
Lúc tôi đi học xa nhà thì mỗi kỳ nghỉ tôi luôn trong tâm trạng vừa muốn về nhà nửa lại muốn không. Vì về nhà mình thì còn thoải mái gì bằng. Nhưng thời kỳ đó là thời kỳ nổi loạn của em trai tôi. Mẹ khóc hết nước mắt và bắt đầu bị bệnh mất ngủ từ đó. Ba tôi thì suốt ngày chì chiết mẹ vì những chuyện hư hỏng của em trai tôi. Về nhà tôi chứng kiến sự đau buồn của mẹ, sự tức giận của ba. Ngôi nhà như không phải là nhà nữa.
Những áp lực mẹ luôn mang
Sau này tôi và em trai lớn khôn. Mỗi đứa mỗi nghề. Em tôi cũng đã có công việc dù không ổn định lắm. Nhưng có lẽ ba mẹ tôi cũng dần học cách chấp nhận. Tuy nhiên tất cả những muộn phiền này vẫn trong lòng mẹ tôi. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ hạnh phúc thật sự. Lúc nào mẹ cũng có một nỗi lo nào đấy trong lòng. Hiếm khi tôi cảm nhận được mẹ thực sự thảnh thơi. Ý tôi là cảm giác thảnh thơi tự tại.
Từ rất nhỏ tôi biết mẹ tôi bị áp lực từ bà ngoại. Mẹ thường không thoải mái khi về nhà ngoại. Chẳng hiểu sao đến bây giờ tôi lại dần nhìn thấy hình bóng bà ngoại ở mẹ. Áp lực mà mẹ mang, tôi biết đến giờ này chẳng phải là do những người xung quanh nữa mà là ở cảm nhận của mẹ. Mẹ vẫn chưa an khi con trai chưa lập gia đình. Tôi cũng luôn nhắc mẹ là mẹ hãy yêu thương mình trước. Chuyện gì mình không ảnh hưởng được thì học cách chấp nhận với tâm thái an yên. Nhưng có lẽ vì cả đời lo nghĩ cho con cái gia đình nên mẹ luôn để cái tôi là cái sau cùng. Yêu thương lo lắng cho chính mình là điều mà mẹ chưa bao giờ nghĩ đến.
Mẹ ơi, con chỉ cần mẹ yêu thương chính mình
Tôi luôn mong mẹ có thể tìm được hạnh phúc với cuộc sống hàng ngày. Bình bình an an trôi qua cũng là cách để hạnh phúc. Chỉ cần mẹ yêu thương chính mình thì những đứa con cũng an lòng. Có lẽ đây là ước muốn tham lam của tôi. Vì mẹ đã trải qua những khổ đau mà tôi không thấu hết, sao tôi đòi hỏi mẹ phải thế này thế kia. Nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy mẹ muộn phiền, lòng tôi lại đau. Khi ấy tiếng nói trong tôi lại thốt lên, mẹ ơi chỉ cần mẹ yêu thương chính mình. Chúng con chỉ mong thế thôi, mẹ ơi!
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Chuyện Nhà tại đây:
https://valueyourday.com/category/chuyen-nha-chuyen-gia-dinh/