Chúng ta đóng rất nhiều vai trò trong cuộc sống. Với mỗi vai trò, đôi khi chúng ta vì tận tâm với vai trò ấy mà phải diễn. Đôi khi chúng ta đang gặp khó khăn ở một vai trò này nhưng lại phải giả vờ như không có chuyện gì xảy ra ở một vai trò khác. Khía cạnh tích cực của việc nắm bắt các vai diễn cuộc đời chính là sự chủ động trong cuộc sống. Để sống tốt chúng ta phải đóng vai chuyên nghiệp ở mỗi vai trò. Mục tiêu của chúng ta không chỉ là một tượng vàng Oscar. Hãy sống trọn vẹn bằng cách đóng cho tròn những vai diễn cuộc đời.
“Diễn” là từ ngữ thú vị cho các vai trò của bạn
Vai diễn hay vai trò?
Tôi coi từ diễn là một từ ngữ thú vị cho các vai trò của chính mình. Đôi lúc chúng ta phải diễn để đạt tới sự chuyên nghiệp khi đóng một vai trò nào đó. Ví dụ bạn có cuộc tranh luận không mấy vui vẻ với bạn đời vào buổi sáng. Nhưng khi đến công ty, chắc chắn bạn phải bỏ đi vẻ mặt khó chịu tức tối để tập trung làm việc cho hiệu quả. Đó là thái độ chuyên nghiệp, chú tâm vào việc mình làm.
Khi bạn luôn ý thức rằng mình cần làm gì để đóng cho tròn vai, hẳn bạn sẽ có sự chuẩn bị. Việc lên kế hoạch cho các vai trò bạn đóng cũng tương tự như lên kế hoạch công việc. Đó có thể là kế hoạch theo tuần, theo tháng hoặc theo năm. Mục tiêu chính là các hoạt động giúp tiến gần nhất đến sự trọn vẹn của mỗi vai trò.
Cách thức chia vai
Thông thường chúng ta chia vai theo chức danh mà ta đảm nhiệm. Năm vai trò thường gặp là nhân viên/quản lý của công ty, vợ/chồng, anh/chị/em, mẹ/ba, con. Cách chia vai này có điểm hay là chúng ta có thể nhận biết ngay lập tức hoàn cảnh, tình huống mà mình cần vào vai. Ví dụ, khi ở công ty bạn là nhân viên/quản lý, khi về nhà bạn là vợ/chồng, mẹ/ba,… Cái khó ở cách chia vai này là khi ở cùng một không gian và thời gian mà bạn phải đóng nhiều vai khác nhau. Bạn sẽ dễ bị áp lực vì các vai trò đều đang đòi hỏi sự chú ý cùng một lúc.
Một cách chia vai khác đó là chia theo vai trò mà bạn đóng, hay là giá trị mà bạn đem lại. Bốn vai trò thường gặp theo cách chia này là vai nhận, vai cho, vai kết nối và vai chính mình. Vai nhận là nhận sự giúp đỡ từ người khác dù ít hay nhiều. Vai cho đảo ngược lại, bạn là người cho đi giá trị. Còn vai kết nối thì bạn như sợi chỉ gắn kết giữa người này với người kia. Vai chính mình là khi bạn làm những việc cho chính bạn. Đó thường là những việc để phát triển bản thân cả về trí tuệ lẫn sức khoẻ.
Những vai diễn cuộc đời
Nắm bắt vai trò của từng vai diễn để sống trọn vẹn
Dù bạn đóng vai trò nào hay diễn vai gì thì bạn đều phải hoàn thành thật tốt. Đừng tạo ra sự dở dang và những trải nghiệm không trọn vẹn. Ví như sau một ngày làm việc cật lực ở công ty, khi trở về nhà hãy gác lại những lo toan công việc. Về nhà là thời gian bạn dành cho gia đình và cho cả chính bản thân bạn. Khi bước vào nhà, bạn phải bỏ lại vai trò của một người nhân viên/ người sếp của công ty. Đặc biệt là những người sếp, bạn còn phải cất đi những gai góc sắc bén của một lãnh đạo khi về nhà với gia đình.
Mỗi vai diễn đều có những vai trò khác nhau. Hơn thế nữa, mỗi vai diễn lại phối hợp với những bạn diễn khác nhau. Vì vậy xác định đúng vai trò cũng như cách thức phù hợp để đóng trọn vai là cần thiết. Mỗi ngày bạn cũng như tôi đều chỉ có 24h. Việc sử dụng 24h này sao cho hiệu quả đòi hỏi việc xác định mục tiêu và lên kế hoạch kỹ càng. Các vai trò mà bạn đóng đều cần được đưa ra những mục tiêu và thời hạn cụ thể. Càng rõ ràng về kế hoạch bao nhiêu, bạn càng hoàn thành tốt các vai trò một cách nhẹ nhàng bấy nhiêu.
Chuyển đổi nhịp nhàng giữa các vai trò
Bạn sống, bạn làm việc, bạn đi đây đi đó hay chỉ ở nhà thì bạn vẫn đóng cùng lúc nhiều vai. Vì vậy xác định được lúc nào và ở đâu bạn đóng các vai trò gì hết sức quan trọng. Vì bạn chỉ có một nên cùng một thời điểm bạn chỉ có thể đóng tốt một vai. Do đó, trong cùng một không gian và thời gian bạn sẽ phải chọn vai nào là vai chính. Từ đó bạn tập trung đóng cho tròn vai chính ấy.
Ví dụ bạn có mặt ở công ty lúc 8h sáng. Như vậy từ 8h sáng đến 5h chiều vai chính của bạn là nhân viên công ty. Việc là sếp hay nhân viên, làm đồng nghiệp hay cấp trên hoặc cấp dưới đều gói gọn trong môi trường công sở. Bạn không bị phân tâm nhiều giữa các vai trò ở công ty. Nhưng khi về đến nhà, bạn vừa phải đón con, dọn dẹp nấu nướng, chơi với con và còn những hoạt động phát triển bản thân nữa. Việc chuyển đổi nhịp nhàng giữa các vai trò giống như bài tập cuộc đời. Bạn sẽ cần làm và điều chỉnh để mỗi ngày đều tốt hơn.
Kết
Chúng ta cần nhận ra sự phức tạp của các vai trò để phân chia thời gian hợp lý. Để làm sao mà ta có thể sống trọn vẹn trong từng vai trò. Làm sao mà ta vẫn thoải mái và hạnh phúc chứ không day dứt hay bực dọc. Đừng quên tìm kiếm sự giúp đỡ. Nói cho cùng, cuộc sống của chúng ta chính là sự kết nối cộng đồng. Hãy mạnh dạn nói ra khi bạn đang cần sự tập trung cho một vai trò nào đó. Sự vững vàng và kiên định đối với vai trò của mình không những giúp chính bạn mà còn là món quà cho những người xung quanh.
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Hành Trình Khai Minh tại đây: