Bạn có nhận thấy khi lập kế hoạch đi chơi, để chuẩn bị tốt bạn luôn phải có sự hình dung trước về chuyến đi? Bạn sẽ đi bằng phương tiện gì, đi cùng ai và thời tiết ở nơi bạn đến như thế nào? Hình dung càng cụ thể về chuyến đi càng giúp bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự chuẩn bị kỹ càng này sẽ giúp bạn tận hưởng trải nghiệm tốt đẹp của chuyến đi. Lợi ích to lớn của việc dự đoán tình huống tương lai còn giúp bạn tận hưởng trải nghiệm trong rất nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Hãy cùng valueyourday tìm hiểu cách dự đoán tình huống tương lai để có trải nghiệm trọn vẹn nhé.
Dự đoán về tình huống tương lai một cách chi tiết
Hình dung thực tế có thể xảy ra trong tình huống tương lai

Hình dung về tình huống tương lai tức là bạn phác thảo trong đầu các chi tiết của tình huống sẽ xảy ra.
Ví dụ tình huống tương lai là bạn đưa con về quê thăm ông bà nhân dịp nghỉ lễ. Bạn có một vài lo ngại về vấn đề thay đổi nếp sinh hoạt của con trẻ.
Trong trường hợp này, bạn sẽ cần hình dung chi tiết về sự thay đổi lịch sinh hoạt cụ thể một ngày của con là như thế nào? Bé sẽ ăn, chơi như thế nào? Tương tác giữa bé với ông bà ra sao?
Bạn hình dung càng cụ thể thì sẽ càng dễ dàng chuẩn bị hiệu quả. Khi tình huống xảy ra, bạn đã được “trang bị” đầy đủ cho một trải nghiệm như mong đợi.
Nhớ đợt tôi đưa ba mẹ đi viếng chùa Bửu Long. Ngày đi thăm chùa là một ngày nắng nên tôi chuẩn bị nhiều nước hơn. Ngoài nước lọc, còn có thêm nước cam, sữa đậu nành nấu. Vì khuôn viên tham quan khá là rộng, đòi hỏi di chuyển nhiều nên tôi chuẩn bị thêm bánh và trái cây để ba mẹ dùng. Bên cạnh đó các vật dụng như dù, mũ nón, kính mát và quạt giấy cũng rất cần thiết. Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng này mà ba mẹ tôi đã có một trải nghiệm thăm chùa tốt đẹp.
Dự đoán cả những điều không mong đợi có thể xảy ra

Khi hình dung về tình huống tương lai thì bạn sẽ cần lường trước cả những điều không mong đợi.
Ví dụ bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi leo núi. Bạn sẽ cần lường trước vấn đề về thời tiết xấu, những chấn thương có thể xảy ra.
Tức là tình huống tương lai mà bạn hình dung sẽ phải tính đến sự thay đổi của các biến số chính để có sự chuẩn bị thích hợp.
Dự đoán những điều không mong đợi giúp chúng ta có đủ thời gian để chuẩn bị. Ví dụ như việc lên kế hoạch tài chính cho nghỉ hưu. Bạn sẽ phải tính toán cụ thể số tiền cần thiết đủ dùng cho số năm nghỉ hưu của bạn.
Từ thời điểm hiện tại đến thời điểm nghỉ hưu có thể có rất nhiều biến cố xảy ra. Đó là lý do tại sao các chuyên gia luôn khuyên chúng ta phải bắt đầu để dành tiền hưu ngay từ sớm. Thời gian tích luỹ dài giúp chúng ta sớm có đủ nguồn lực tài chính. Từ đó ta ít chịu ảnh hưởng của những đợt khủng hoảng kinh tế.
Phác thảo hành động của các nhân vật chính trong tình huống tương lai
Tập trung vào nhân vật chính
Khi hình dung một tình huống tương lai, bạn cần xem xét mong đợi của những nhân vật chính có trong tình huống đó. Nếu chỉ có mình bạn là nhân vật chính thì khá là đơn giản. Vì bạn rõ ràng mong đợi của chính mình. Nhưng nếu có nhiều nhân vật chính hơn, bạn sẽ phải tính đến tất cả họ.

Ví dụ bạn nhận nhiệm vụ thuyết trình giới thiệu mô hình dịch vụ mới trong khuôn khổ một hội nghị đa phòng ban. Ngoài bài thuyết trình của bạn thì còn có đại diện của những phòng ban khác cũng thuyết trình nữa.
Vậy thì ngoài việc chuẩn bị cho bài thuyết trình của mình, bạn phải tính toán đến lịch trình chung của cả buổi hội nghị. Bài nói của bạn được sắp xếp vào mục nào, trước bạn là ai, sau bạn là ai?
Ngoài mục đích truyền tải nội dung về mô hình dịch vụ mới của phòng ban mình, bạn sẽ phải đảm bảo sự kết nối với tổng thể của cả chương trình.
Nhưng cũng đừng bỏ qua nhân vật phụ
Nhân vật phụ cần chú ý là những người hỗ trợ về mặt nơi đến, phòng ốc, thiết bị. Tuy là phụ nhưng họ có khả năng cao gây trở ngại hoặc thậm chí thay đổi cục diện tình huống.
Cũng nói về bài thuyết trình của bạn trong hội nghị. Nhân vật chính ở đây ngoài bạn còn có các diễn giả khác cùng quản lý của các phòng ban trong công ty. Nhân vật phụ có thể là nhóm hỗ trợ của nơi tổ chức hội nghị. Giả sử bạn đang trình bày thì mic bị hư, màn hình chiếu không hoạt động. Các vấn đề liên quan đến file ppt tổng hợp cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả của bài nói.
Rất nhiều việc tuy là nhỏ nhưng nếu không có phương án hỗ trợ, kết cục sẽ tạo ra một trải nghiệm đáng tiếc.
Xác định rõ ràng mục tiêu và thiết lập kế hoạch
Nhìn về tương lai và suy luận ngược lại
Một khi đã có hình dung cụ thể về tình huống tương lai, hãy bắt đầu suy luận ngược lại. Tức là để tình huống tương lai xảy ra đúng như bạn hình dung thì cần những điều kiện gì? Và để những điều kiện này xảy ra thì bạn cần làm gì?

Như việc bạn hình dung hình ảnh bạn đã giảm được cân về số cân nặng lý tưởng. Trong tình huống tương lai đó, bạn rất thon gọn. Mỗi ngày trong tương lai đó bạn ăn uống và tập thể dục rất điều độ.
Để tình huống đó xảy ra, bạn suy luận ngược từ mốc thời gian bạn đã giảm được cân về thời điểm hiện tại. Từ đó bạn sẽ biết mình phải làm gì để có được tương lai mà bạn đã hình dung.
Bên cạnh việc suy luận ngược từ tương lai, bạn có thể áp dụng cả suy luận nghịch đảo. Nghịch đảo nghĩa là thay vì nghĩ xuôi thì bạn đảo ngược lại. Ví dụ như câu hỏi làm thế nào để tôi và mẹ đồng thuận về cách cho bé ăn? Bạn có thể nghĩ theo hướng làm thế nào để tôi và mẹ không cãi vã mỗi khi cho bé ăn?
Thiết lập kế hoạch hướng đến mục tiêu
Khi bạn đã biết mình cần làm gì để tình huống tương lai xảy ra như dự đoán, bạn sẽ cần thiết lập kế hoạch. Tất cả những hành động, lời nói của bạn phải theo kế hoạch hướng đến mục tiêu.
Ví dụ bạn hình dung ra mỗi tháng mình đọc được 2 cuốn sách, mỗi cuốn tầm 200 trang. Như vậy mỗi ngày bạn phải đọc ít nhất là 15 trang. Với tốc độ đọc của bạn thì bạn cần khoảng 20 phút cho 15 trang. Vậy khi lên kế hoạch cho một ngày, bạn sẽ sắp xếp 20 phút cho việc đọc này như thế nào?
Kết
Bạn sẽ chẳng thể giảm cân nếu trong tủ lạnh lúc nào cũng là nước ngọt và thức ăn nhanh. Bạn cũng chẳng thể giải quyết mâu thuẫn về cách nuôi dạy con với mẹ mình nếu bạn vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của mẹ. Thiết lập kế hoạch hướng đến mục tiêu đi đôi với hành động nhất quán. Ví như tất cả tay chèo trên con thuyền đều chèo tiến về đích đến vậy.
Một khi bạn đã luyện tập được thói quen hình dung cụ thể tình huống tương lai thì việc lên kế hoạch của bạn trở nên dễ dàng hơn. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cần đi đôi với kỷ luật khi thực hiện kế hoạch. Kỷ luật sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu đúng thời hạn.
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Chuyện Nghề tại đây:
https://valueyourday.com/category/chuyen-nghe-di-lam-cong-ty/