Giáo dục nhà trường và gia đình có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có những điểm khác biệt. Với góc nhìn của một người làm mẹ, tôi nghĩ rằng giáo dục gia đình cũng có thể chắt lọc để đem cái hay của giáo dục nhà trường áp dụng vào giáo dục gia đình. Và khi đem cái hay của lớp về nhà, ngôi nhà sẽ trở thành một ngôi trường nho nhỏ. Nơi đó sẽ giúp con khai phóng được tiềm năng vô hạn của bản thân.
Ở lớp có thực hành thì ở nhà có thử nghiệm
Ai chẳng mê thực hành
Nếu hỏi bất kỳ một em học sinh thích tiết học nào ở lớp nhất thì có lẽ đó là tiết thực hành. Đó là tiết học mà các em được nhìn thấy sự ứng dụng của những điều mình đã học. Ở các lớp mầm non thì các em bé vui vẻ và hào hứng nhất là khi được ca hát, nhảy múa, vẽ vời. Vào độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở thì các em mê mẩn những giờ được vào phòng thí nghiệm hay phòng chức năng. Thậm chí đến khi vào trung học phổ thông hay đại học, giờ thực hành tức là tự mình hay cùng nhóm làm ra một sản phẩm cũng vẫn luôn được yêu thích.
Mô hình học tập 70-20-10
Đây là mô hình học tập mà tôi được làm quen vào những năm tháng đi làm. Nếu xem xét việc học trên tỷ lệ tổng 100% thì:
- 70% đến từ việc học qua thực tế,
- 20% học qua các khoá đào tạo hay những chia sẻ, quan sát,
- 10% còn lại là học từ các tổ chức/trường học chuyên nghiệp.
Điều này có nghĩa là trọng tâm của việc học vẫn luôn là học qua thực tế công việc, qua những trải nghiệm của chính bản thân. Như vậy là dù ở độ tuổi nào thì việc học qua thực hành luôn mang lại hiệu quả cao nhất của giáo dục.
Cho con tự thử nghiệm trong phạm vi an toàn
Hãy cho con cơ hội tự thử nghiệm điều gì đó mới mẻ trong phạm vi an toàn. Đây chính là cơ hội cho con tự khám phá, suy luận và rút ra kết luận cho riêng mình. Những kiến thức được học bằng cách này sẽ trở thành kiến thức của chính con. Trong phạm vi an toàn hãy để con được tự do thử nghiệm. Đừng lo lắng về những vết dơ, về sự không hoàn hảo của kết quả. Bạn chỉ cần quan sát và chỉ giúp con khi con thực sự cần.
Tôi đã từng thấy sự hăm hở của con mình khi bé dùng các sticker có nam châm để đi kiểm tra mọi vật dụng trong nhà có phải là kim loại không. Bé đã ồ ra ngạc nhiên khi sticker nam châm không dính vào bàn ghế gỗ và sách giấy. Trong khi đó tay nắm cửa, các thanh hay khung kim loại lại giữ được sticker. Có lần khi đang vẽ thì bé phát hiện hai màu hoà vào nhau có thể tạo thành một màu mới. Thế là bé miệt mài thử hoà từ hai màu rồi đến ba bốn màu với nhau. Đây là niềm vui và là sự say mê khi tự mình khám phá những điều mới mẻ.
Thi đua với bạn, thi đua với cha mẹ
Môi trường thi đua thuần khiết
Lớp học tạo ra một môi trường thi đua. Học sinh trong cùng một lớp thường sẽ nhìn vào nhau để phấn đấu thi đua. Đây là bản năng xã hội, tức là khiến mình không bị tách biệt khỏi tập thể. Ngoài ra, niềm vui của sự học chính là được chia sẻ điều mình lĩnh hội được. Và từ đó là mong muốn giành được sự công nhận của những người xung quanh. Như vậy, cha mẹ có thể mang tính thi đua thuần khiết của giáo dục nhà trường áp dụng vào giáo dục gia đình.
Để làm được điều này thì bản thân cha mẹ cũng phải là người học trọn đời. Con cái học những kiến thức từ sách vở theo trường lớp thì cha mẹ học những thứ mới mẻ khác mỗi ngày. Trong gia đình tôi thì một năm trở lại đây cả ba thành viên đều tự học ngoại ngữ trên ứng dụng. Tôi có Duolingo, chồng tôi có The Coach và con gái tôi có Monkey ABC (Junior). Và việc duy trì niềm vui học ngoại ngữ của con gái là từ tinh thần thi đua học tập với cha mẹ.
Học tập là hành trình trọn đời và vì thế phải vui
Con cái chúng ta có thể chưa nhận ra rằng học tập là hành trình trọn đời. Do đó các em cần sự hỗ trợ để luôn duy trì niềm say mê học tập. Học được điều gì đó mới mẻ, bổ ích tự thân nó là một niềm vui. Nhưng đôi khi trên hành trình học tập, có những điều chúng ta bắt buộc phải học mà không vui. Tuy nhiên đây là một phần của giáo dục phổ thông, giáo dục đại trà.
Vai trò của cha mẹ là tạo ra môi trường nơi mà con được tự do học hỏi và khám phá thế giới. Từ đó, dù là cha mẹ hay con cái cũng luôn có thể tự tạo động lực để duy trì niềm say mê học tập. Niềm vui luôn đầy ắp trên hành trình tự học, hãy tận hưởng sự tươi đẹp ấy cùng nhau. Hãy tạo cơ hội để chúng ta có thể ảnh hưởng lẫn nhau một cách tích cực. Đó chính là giá trị của giáo dục.