HỌC CÙNG LÚC 4 NGÔN NGỮ
Khu vườn học ngôn ngữ của tôi đang có 4 thứ tiếng. Mời bạn cùng xem cách tôi học, sử dụng và thành thạo như thế nào nhé?

Đầu tiên là bạn cây tiếng Hàn mới được gieo trồng.
Thứ hai là đàn chị Mandarin đã lên level trung cấp.
Thứ ba là đàn anh tiếng Anh cấp độ fluency.
Thứ tư là tiếng Việt mẹ đẻ thân thương.
Bản thân là một người làm vườn, tuy không nhìn thấy hết bao quát khu đất của mình nhưng tôi tin rằng nó rất lớn và màu mỡ. Chắc chắn mảnh đất này có thể trồng được rất nhiều loại cây.
Trước tiên, tôi chia sẻ một chút về bốn thành viên hiện có của khu vườn. Tôi cũng hy vọng là sắp tới mình có thể kết nạp được thêm nhiều loại cây nữa, mở rộng sự hiểu biết của mình với nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
TIẾNG HÀN QUỐC
Đầu tiên là tiếng Hàn, chỉ mới được gieo hạt và nảy mầm thành cây con cách đây vài tháng. Học tiếng Hàn mới thấy được sự sáng tạo tuyệt vời của các học giả vương triều Joseon. Trước khi có chữ Hangeul, người Hàn Quốc đã mượn dùng chữ Hán của người Trung Quốc. Tuy nhiên vì mức độ phức tạp của chữ Hán nên rất khó cho người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Hangeul có ưu điểm là chữ biểu âm, đọc được là viết được, nhớ được bảng chữ cái là đọc được dù có thể không hiểu hay nhớ nghĩa.
Tôi học bảng chữ cái tiếng Hàn ngoài dựa vào các nguyên tắc tạo thành bảng phụ âm và nguyên âm thì tôi còn ứng dụng kỹ thuật ghi nhớ liên tưởng. Nghĩa là áp đặt các ý nghĩa thân thuộc, có thể đôi lúc hơi hài hước xàm xí và đối với người khác thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng độc đáo và dễ nhớ với chính mình là được.
TIẾNG QUAN THOẠI (MANDARIN)
Tiếp theo là tiếng Quan thoại. Tôi đã bắt đầu học cách đây vài năm nhưng không liên tục, ngắt quãng và không có tiến triển gì cho đến cuối năm 2022. Lúc này tôi quay trở lại học nghiêm túc và có phương pháp. Tôi cũng mạnh dạn dời trọng tâm khỏi phần viết chữ và tập trung chủ yếu vào nghe-nói-đọc-đánh máy. Khi xác định mục tiêu rõ ràng thì tôi như được khơi thông. Những từ, những câu mà tôi học trước đây được tôi nói ra một cách rành mạch. Cái cảm giác nhẹ nhàng và hứng khởi khi chính tôi thấy được bước tiến của chính mình trên hành trình học tiếng Hoa.
TIẾNG ANH
Thứ ba là tiếng Anh. Tôi thấy mình may mắn vì lúc vào đại học tôi quen biết nhiều bạn của tôi là dân luyện thi Ielts, Toefl. Nhờ đó mà tôi mượn và photo được các giáo trình rất hay. Trong đó tôi thấy thứ mà tôi học có giá trị nhất thời điểm đó chính là các collocations-là các cụm từ ghép trong tiếng Anh. Sau này các collocations giúp tôi viết và nói với tốc độ nhanh hơn vì không phải mất thời gian vào việc tìm từng từ vựng rồi phải nối thành cụm- thành câu.
Khoá học tiếng Anh duy nhất mà tôi học có trả tiền là khoá luyện phát âm tiếng Anh chuẩn ở Nhà Văn hoá Thanh niên. Trước đó có học chui một vài buổi với nhỏ bạn thân chung phòng nhưng xui là bị kiểm tra phiếu. Sau đó mới “mạnh dạn” trả tiền cho một khoá học, thời đó là 500 ngàn. Nhưng khoá học này là khoá học tui thấy đáng tiền nhất tui từng được học. Thầy dạy các nguyên tắc đọc, cách sử dụng bảng phiên âm, sử dụng khẩu âm, ngữ điệu lên xuống giọng trong câu và đoạn văn như thế nào cho tự nhiên. Không nhớ tên thầy là gì nhưng mà thầy dạy rất tuyệt vời.
Đến bây giờ khi đã sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo thì tôi vẫn tiếp tục học. Học giai đoạn này mang tính ứng dụng và phát triển. Nghĩa là ngoài chủ đích tìm hiểu thêm về các collocations trung cấp đến nâng cao cũng như các điểm ngữ pháp mà mình quan tâm thì chủ yếu tôi dùng tiếng Anh như một công cụ để đọc, thu thập thông tin kiến thức, lắng nghe những quan điểm mới mẻ và dùng tiếng Anh làm nền tảng để học những ngôn ngữ mới.
TIẾNG VIỆT
Thứ tư là tiếng Việt. Có ba sự kiện cột mốc đáng nhớ với tôi trong hành trình học tiếng Việt. Cột mốc đầu tiên là tôi biết đọc từ rất sớm, hình như là lớp 1-lớp 2 gì đó là tôi đã trở thành cô nhân viên đọc báo ro ro cho ba tôi rồi. Thời đại bây giờ thì điều này là bình thường, nhưng hồi đó không có học thêm học bớt học nhét học nhồi mà biết đọc như tôi cũng thuộc dạng niềm tự hào của ba mẹ. Tôi còn nhớ cảm giác hào hứng và khoe mẽ khi đi mỗi lần đi xe qua mấy cửa tiệm là tôi đọc hết nội dung trên các bảng quảng cáo.

Cột mốc thứ hai là lúc tôi chuyển trường về học lớp 9 ở Huế để làm quen và luyện thi vào trường THPT Quốc Học Huế. Tôi may mắn được ở với chú Út. Giờ lớn rồi mới thấy đó là may mắn, chứ hồi đó rất sợ chú.
TÔI MAY MẮN ĐƯỢC LỚN LÊN VỚI MỘT KHO TÀNG SÁCH
Chú Út có một kho tàng sách văn học, lịch sử đồ sộ, từ thần thoại Hy Lạp, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Trà Hoa Nữ, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà Paris, đến các tiểu thuyết mì ăn liền rất nổi tiếng thời kỳ đó của Sydney Sheldon là Phía Bên Kia của nửa đêm, Nếu còn có ngày mai… chú cũng có luôn. Đã vậy chú còn đặt các tạp san hàng tháng của hội nhà Văn, rồi báo giấy hàng ngày.
Giờ ngẫm lại, chính là nhờ cái thư viện quý giá này mà niềm say mê đọc trong tôi được nuôi dưỡng. Nhà chú còn có máy nghe đĩa CD dạng xoay bỏ được 3 đĩa cùng một lúc. Mà chú nghe toàn nhạc tiếng Anh thôi, những bài bất hủ của Abba, Westlife, Eagles đồ đó. 15 năm trước mà nhà có đầu đĩa dạng này là rất rất hịn luôn. Chính nhờ những đĩa nhạc tiếng Anh này mà tôi được tiếp xúc với tiếng Anh chuẩn, khà khà khà, dù hơi tiếc là hồi cấp 3 đi học chủ yếu là học ngữ pháp và đánh đề trắc nghiệm.
NHỮNG NGƯỜI TÔI TIẾP XÚC ĐỀU DẠY TÔI MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ
Tôi còn có một bà chị họ nói chuyện rất hay. Cũng là câu chuyện trong tạp san văn học của chú Út mà bả kể lại nghe ghiền lắm luôn. Lúc đó tôi mới bắt đầu nung nấu về việc sử dụng ngôn ngữ nói, kể chuyện và giao tiếp làm sao để cũng hay như bà chị họ của tôi.
Cột mốc thứ 3 cũng không phải ở một thời điểm cụ thể mà là trong giai đoạn tôi đi làm. Tôi thấy được sức mạnh của ngôn từ, cách truyền đạt và tạo ảnh hưởng đến người nghe. Tôi học, áp dụng và chỉnh sửa để ngày càng giao tiếp tốt hơn.
Tôi cũng có đam mê viết nhưng viết không đều. Cho đến thời gian gần đây tôi mới viết nhiều hơn và viết hàng ngày. Tôi say mê vẻ đẹp của con chữ, về giá trị của nội dung mà tôi nghe hay đọc được. Và tôi cũng mong muốn mình có thể sử dụng tiếng Việt vốn rất giàu đẹp để lan toả giá trị đến nhiều người hơn.
NHỮNG BƯỚC CHÂN KHÔNG DỪNG

Và tôi vẫn tiếp tục trên hành trình học tiếng Việt.
Và tôi vẫn tiếp tục trên hành trình chăm sóc nuôi dưỡng bốn cây ngôn ngữ trong khu vườn của mình.
Khi biết thêm một ngôn ngữ tôi thấy như đôi mắt tôi nhìn được nhiều thứ hơn. Thế giới xung quanh như thêm nhiều thứ hay ho. Những điều tôi học đưa tôi đến với chân trời mới sáng trong.
Biết ơn lắm những trải nghiệm suốt hành trình học tập trọn đời.