Nói lời từ chối chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt là đối với con trẻ, bạn dường như rất khó để từ chối con điều gì. Để nói được từ “Không”, bạn chỉ cần dũng khí. Nhưng để lời nói “Không” của bạn tạo được sự chấp thuận của người nghe, bạn sẽ cần một vài kỹ thuật. Hãy cùng valueyourday học cách nói “Không” với con trẻ nhé.
Không nghĩa là Không
Hãy giải thích cho con hiểu vì sao bạn nói “Không”
Không phải luôn là không chứ không phải trở thành có với điều kiện hay phản ứng nào đó.

Ví dụ: con bạn muốn mua bánh ngọt khi đi siêu thị trong khi nhà đã có rồi. Bạn bảo con rằng khi nào ăn hết bánh trên nhà thì hẵng mua sau.
Nhưng con bạn vòi vĩnh, thậm chí còn ăn vạ khóc lóc. Khi đó bạn rất ngại vì con ồn ào ảnh hưởng những người xung quanh.
Vậy bạn có chuyển không thành có và cho con bạn mua bánh để bé ngưng khóc? Hay bạn sẽ tạm thời đưa bé ra ngoài để nói cho bé hiểu và vẫn giữ quyết định ban đầu là không mua bánh?
Bạn hãy kiên định với quyết định của mình và nói rõ cho bé hiểu. Bé có thể sẽ khó chấp nhận vào lần đầu tiên. Nhưng dần dần bé sẽ hiểu. Con trẻ học thích nghi rất nhanh chóng. Bé sẽ hiểu rằng dù có vòi vĩnh hay làm thái độ kiểu nào thì “Không” cũng chẳng chuyển thành “Có”.
Bé sẽ chuyển sang làm chuyện khác chứ chẳng tiêu tốn thời gian vào chuyện mà bé biết là không thay đổi kết quả. Con trẻ của chúng ta thông minh và quyết đoán đến vậy đó.
Tạo sự nhất quán cho từ “Không”
Thứ nhất là sự nhất quán về hành động, đặc biệt là liên quan đến an toàn của trẻ.

Ví dụ, trẻ được dạy là đi xe máy phải đội nón bảo hiểm. Nhưng đôi lúc vì quãng đường gần nên cha mẹ không đội nón bảo hiểm cho con. Chỉ lúc nào đi xa xa mới đội.
Điều này tạo ra sự không nhất quán. Lúc đó trẻ sẽ bối rối vì không hiểu, và trẻ sẽ có xu hướng chọn theo cái dễ chịu hơn. Lần sau trẻ sẽ không muốn đội nón bảo hiểm nữa và sẽ có những phản ứng chống đối.
(Bức hình đội nón bảo hiểm trên máy bay này là do em bé quá yêu thích chiếc nón mới)
Có rất nhiều trường hợp chính người lớn chúng ta không giữ vững được quyết định “Không” vì thương. Bạn thấy tội tội con ghê, thôi cho nó lần này đi. Lần sau nghiêm khắc lại, chắc không sao đâu. Nhưng như vậy là bạn tự làm khó mình và cũng làm khó con.
Khi bạn tạo được sự nhất quán, con trẻ cũng được hưởng lợi. Con sẽ không bị bối rối, khó hiểu bởi những nguyên tắc khi thì thế này lúc thì thế kia của cha mẹ.

Thứ hai, bạn cần tạo được sự nhất quán giữa những người cùng nuôi dạy trẻ. Ví dụ, giữa bạn với vợ/chồng, ông/bà cần thống nhất với nhau về những nguyên tắc chung khi nuôi dạy trẻ.
Việc này giúp trẻ hình thành được sự ổn định về nhân cách. Trẻ không phải “linh hoạt”, khi với ba mẹ thì thế này, khi với ông bà thì thế khác.
Tấm gương không phải là ở con nhà người ta
Chúng ta không thể ép con theo hình mẫu lý tưởng trong khi chúng ta hành xử ngược lại
Cha mẹ nói rằng con không được làm cái này con không được làm cái kia. Trong khi đó cha mẹ hành động ngược lại.
Tỷ như bạn nói với con rằng không được xem tivi quá nhiều, không được sử dụng mạng xã hội suốt ngày. Thế nhưng bạn lại xem tivi hoặc lướt mạng xã hội mỗi khi có thời gian rảnh. Hành động này khiến chữ “Không” của bạn không hề có sức thuyết phục.
Khi chúng ta hướng con theo một hình mẫu nào đó, chính chúng ta cũng phải hướng mình theo những giá trị tương tự. Đây cũng là một khía cạnh của việc tạo sự nhất quán.
Tấm gương cho con noi theo đó chính là cha mẹ
Chúng ta có xu hướng coi trọng giáo dục nhà trường hơn giáo dục gia đình. Cha mẹ sẽ đầu tư cho con học trường thật tốt, học thêm các khoá học bên ngoài. Tuy nhiên cha mẹ cũng nên là người thầy sát cánh bên con. Giáo dục trong gia đình nếu làm tốt sẽ tương hỗ cho giáo dục nhà trường.
Con cái sẽ nhìn vào cha mẹ như một tấm gương và học theo. Đây là điều hiển nhiên vì cha mẹ là người luôn bên cạnh con từ lúc chào đời đến tận tuổi 18-20. Nếu cha mẹ có thể ảnh hưởng tích cực đến con, điều đó còn gì tuyệt vời hơn.
Những giá trị nhân văn cao đẹp, những đức tính cao quý được truyền từ thế hệ cha mẹ sang thế hệ con cái. Đây chính là mục tiêu của giáo dục mà chúng ta nên hướng tới.
Tự do chỉ sinh ra trên nền tảng các nguyên tắc vững chắc
Tạo ra nguyên tắc và cả những thói quen
Những nguyên tắc và thói quen sẽ tạo nên khung sinh hoạt và học tập hợp lý cho con. Các hoạt động của con sẽ nằm trong mối tương quan với khung sinh hoạt của cả gia đình. Điều này sẽ tạo ra sự kết nối vững chắc giữa cha mẹ và con cái.
Khi bạn tạo ra những nguyên tắc hay nếp sinh hoạt, bạn sẽ dễ dàng nói không. Và con bạn cũng sẽ dễ dàng chấp nhận khi bạn nói không. Vì con đã hiểu nằm lòng rằng khi cha mẹ nói không có nghĩa là điều con yêu cầu đang đi ngược lại với nguyên tắc đã thiết lập trong gia đình.
Trong phạm vi an toàn, hãy để con quyết định và tôn trọng quyết định của con
Nguyên tắc, thói quen, nề nếp của gia đình cũng có thể hiểu như của một công ty. Ngôn ngữ quen thuộc với chúng ta đó là sứ mệnh, mục tiêu và các quy định tạo nền tảng. Trong gia đình cũng vậy, thiết lập nền tảng giúp chúng ta có thể làm cha mẹ ôn hoà hơn.
Khi đã có khung nền tảng, hãy tạo cho con học cách đưa ra quyết định.
Ví dụ, khi đi nhà hàng, bạn có thể đưa cho bé danh sách 2-3 món ăn và cho bé có quyền chọn 1 món trong danh sách này. Bạn hãy tư vấn cho bé rồi để bé ra quyết định. Nếu là món mới, bé có thể chọn đúng món mình ăn hợp hoặc không. Nhưng không sao cả, cha mẹ có thể hỗ trợ 1-2 lần để xử lý kết quả không như mong đợi. Rồi dần dần bé sẽ học được cách ra quyết định tốt hơn và cả việc chịu trách nhiệm cho quyết định của mình nữa.

Nền tảng vững chắc sẽ giúp số lần bạn phải nói “Không” ít đi.
Thậm chí con cái của bạn còn có thể tự hành động dựa trên những nguyên tắc đã được thiết lập. Lắm lúc bạn phải ngạc nhiên và cả tự hào vì con của mình.
Kết
Nuôi dạy con một cách ôn hoà đòi hỏi sự bình tĩnh từ cha mẹ. Chúng ta cần thiết lập những nguyên tắc nền tảng, đồng thời tạo cơ hội cho con tự do phát triển.
Nuôi dạy một đứa trẻ không hề dễ dàng nên bản thân cha mẹ cũng phải liên tục học hỏi. Học hỏi để nuôi dạy con thật tốt. Và học hỏi cũng khiến cha mẹ trở thành một phiên bản tốt hơn để con cái noi theo.
Hy vọng chúng ta hãy ngày càng nâng cao giá trị của giáo dục gia đình. Từ đó tương hỗ cho giáo dục nhà trường. Nỗ lực của chúng ta chính là món quà quý báu dành tặng cho các con.
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Chuyện Nhà tại đây.
https://valueyourday.com/category/chuyen-nha-chuyen-gia-dinh/