SINGLE TASK OR MULTI TASK?
Lâu nay nghe nhiều về tầm quan trọng của sự tập trung, ai mà có khả năng tập trung thì y như rằng sẽ thành công. Có người lý giải tập trung có nghĩa là tại một thời điểm chỉ làm một việc thôi, nghĩa là single-task chứ đừng multi-task.
Cũng nhiều người phản bác rằng, tôi vừa họp online vừa giải quyết email vẫn thấy hiệu quả đấy thôi. Nhưng biết đâu nếu anh này chỉ tập trung họp cho xong, sau đó giải quyết email thì lại hiệu quả hơn gấp bội.
CHIA ĐÔI CÔNG LỰC NGHĨA LÀ CHIA ĐÔI HIỆU SUẤT

Làm 2 việc cùng một lúc nghĩa là não phải chia năng lượng giải quyết 2 thứ. Nghĩa là mỗi công việc sẽ được giải quyết bằng 50% công lực, đó là chưa kể não phải chuyển qua chuyển lại giữa hai hay nhiều việc bạn đang làm. Khả năng cao não sẽ bị rối rắm và sớm kiệt sức.
Ngay cả việc học cũng vậy. Có những người học rất giỏi, đọc và nắm bắt kiến thức rất nhanh mà không tốn quá nhiều sức lực.
Sự tập trung chính là yếu tố nền tảng trong xuyên suốt quá trình mà kết quả của nó là tạo nên input và output có chất lượng.
PHƯƠNG PHÁP HỌC NHANH NHỚ LÂU
Phương pháp học nhanh nhớ lâu được chia sẻ bởi Nishant Kasibhatla- một chuyên gia siêu trí nhớ và là diễn giả có uy tín ở Châu Á. Ông từng lập kỷ lục Guiiness thế giới về siêu trí nhớ năm 2011.
Quy trình học nhanh nhớ lâu do ông chia sẻ là: Input- >Reflecting ->Implementing ->Sharing. Trong đó 3 giai đoạn sau cùng được nhóm thành Output.
Tôi tạm dịch như sau: Đầu vào ->Suy ngẫm ->Áp dụng ->Chia sẻ.
INPUT – ĐẦU VÀO
Trước tiên nói về Input – Đầu vào, chính là những kiến thức, nội dung mà bạn đọc, nghe, xem hàng ngày. Đó có thể là từ sách vở, từ mạng internet, từ bạn bè, đồng nghiệp, từ sếp. Và để ghi nhớ Input hiệu quả thì phần lớn là nhờ vào Output – Đầu ra.
OUTPUT – ĐẦU RA
Output bao gồm ba giai đoạn sau khi bạn đưa input vào:
- Giai đoạn Reflecting: Suy ngẫm, chọn lọc các quan điểm hay nội dung từ input mà bạn cho là hợp lý và phù hợp với hoàn cảnh của mình. Tức là xem xét để đưa ra hành động, từ đó chuyển sang giai đoạn kế tiếp.
- Giai đoạn Implementing: Áp dụng cho chính bạn, tạo ra những thử nghiệm và trải nghiệm.
- Giai đoạn Sharing: Sau khi áp dụng và xem xét kết quả cũng như có thể điều chỉnh cho tốt và hiệu quả hơn nữa thì bạn nên Chia sẻ với người khác. Đôi lúc sau khi áp dụng mà chưa nhìn thấy hiệu quả gì thì bạn vẫn có thể chia sẻ. Ít nhất bạn cũng đã có những cảm nhận của chính mình sau khi áp dụng cái Input mà bạn đã học đúng không nào?
ĐẦU TƯ CHO OUTPUT

Output mới là nhân tố giúp bạn nhớ lâu và chính là bí quyết để luyện siêu trí nhớ. Theo Nishant thì thời gian dành cho các giai đoạn output ít nhất phải gấp đôi input.
Đây gọi là quá trình thẩm thấu và chuyển hoá input thành tài sản của riêng mình. Output quan trọng là vậy, nhưng input cũng đóng vai trò không nhỏ đối với hiệu quả ghi nhớ kiến thức.
VÌ VẬY HÃY ĐẦU TƯ CHO CẢ INPUT
- Thứ nhất là về mặt chọn lọc nội dung. Bạn quyết định mình sẽ đọc gì, xem gì, nghe gì, học gì?
- Thứ hai là thời gian để tiếp nhận input, nói một cách nôm na là thời gian lúc bạn ngồi học, đọc, nghe, xem…. Thời gian tiếp nhận phải là thời gian có chất lượng. Nghĩa là sự tập trung, tập trung với thứ bạn đang học. Khi chỉ làm một việc tại một thời điểm thôi thì bộ não sẽ thông suốt, không bị ùn ứ, và input sẽ dễ dàng đi vào một cách rõ ràng đầy đủ nhất.
LOẠI BỎ CÁC YẾU TỐ GÂY NHIỄU
Tôi thường hình dung sự tập trung giống như một khung cảnh sáng tỏ, không có chi tiết thừa, không có thanh âm gây nhiễu. Và chính nơi này, tôi có thể dễ dàng hấp thụ những tinh hoa của kiến thức, những giá trị tốt đẹp của những điều hay điều lành.
Bạn biết không, rèn luyện sự tập trung đối với tôi vừa khó lại vừa dễ. Không phải lúc nào tôi cũng thành công, cũng lắm lúc bị xao nhãng. Nhưng tôi luôn nhắc nhở chính mình loại bỏ các yếu tố gây mất tập trung, gây nhiễu để tôi lại có thể trở về với khung cảnh sáng tỏ.
Học là một hành trình trọn đời và tập trung là quá trình rèn luyện trọn đời. Hy vọng chúng ta vừa học vui vẻ lại hiệu quả và duy trì sự học trong suốt cuộc đời tươi đẹp này.