Bạn có từng e ngại khi phải trò chuyện với sếp trong các buổi tiệc xã giao? Hay có bao giờ bạn từng cảm thấy lạc lõng trong những buổi tụ tập chơi bời? Làm thế nào để bạn không những có thể thoải mái trò chuyện mà còn là nhân tố hiện diện trong cuộc trò chuyện đó nữa.
Để thực sự hiện diện và làm chủ cuộc chuyện trò, hãy tập trung vào 4 yếu tố sau:
- Vượt qua bức tường định kiến của chính bạn
- Lắng nghe cũng là một phần quan trọng của cuộc trò chuyện.
- Tập thoải mái với những khoảng lặng
- Hãy cảm nhận và hoà nhập vào bầu không khí nơi bạn hiện diện
1. Vượt qua bức tường định kiến của chính mình
Định kiến sợ ngồi chung bàn tiệc với sếp
Các bạn đồng nghiệp tôi thường rất sợ đi ăn với sếp, mặc dù rất thích được ăn “chùa”. Nếu có được sếp mời thì các bạn cũng sẽ né ngồi chung bàn với sếp. Câu cửa miệng của các bạn là vừa ăn vừa suy nghĩ chia động từ mệt lắm (vì đa phần các sếp ở công ty tôi là người nước ngoài).
Có lẽ đây là cảm giác không thoải mái khi trò chuyện với người mà mình nghĩ họ thuộc địa vị, cấp bậc khác mình. Nỗi lo sợ khi phải đối diện với người mà mình tự cho rằng họ thuộc một tầng mây khác, sợ rằng cuộc nói chuyện sẽ nhiều lắm những khoảng lặng.
Hãy thoải mái
Bạn biết không, chỉ khi nào bạn thoải mái trò chuyện với sếp thì bạn mới có cơ hội tiến xa hơn trong sự nghiệp. Hoàn toàn không có yếu tố chính trị gì ở đây cả. Đơn giản là chỉ khi bạn thoải mái trò chuyện, bạn mới bộc lộ được quan điểm của mình. Chỉ khi bạn được là chính mình bạn mới có thể toả sáng đúng không?
Hãy tự tin
Trong một bữa tiệc, bạn không những phải tự tin trò chuyện với sếp mà bạn còn phải là nhân tố tạo bầu không khí kết nối cho mọi người xung quanh. Bạn có thể cảm thấy sao mà phải mệt mỏi quá vậy. Nhưng tôi cho rằng, đến lúc bạn học được cách trở thành một phần của nơi bạn hiện diện, thậm chí bạn giúp được những người khác thích nghi và thoải mái với bầu không khí chung, lúc ấy bạn sẽ thực sự thực sự cảm thấy ý nghĩa.
Hãy nhớ sếp cũng là một đồng nghiệp
Có lần phòng Commercial của chúng tôi bao gồm Sales và Customer Service được sếp tổng mời đi ăn tối. Bữa tiệc khoảng 30 người. Khi tôi đến thì tiệc cũng đã bắt đầu và sếp tổng cũng đã đến trước đó. Nhưng tất nhiên, các vị trí gần sếp tổng ngoài các sếp khác thì vẫn khá là trống. Tôi cũng thoải mái ngồi vào bàn đối diện với sếp tổng.
Tôi nghĩ đơn giản là một bữa tiệc thôi và sếp tổng cũng là người thân thiện với nhân viên. Nếu bạn có sợ hãi, hãy nghĩ sếp cũng là một người nhân viên của công ty, cũng có thể là một người chồng, một người cha trong một gia đình nhỏ. Khi nghĩ như vậy thì chắc chắn bạn sẽ có chủ đề để trò chuyện.
Và hãy trò chuyện như những người bạn
Cuộc trò chuyện không cần phải về chủ đề công việc. Nó có thể là bất cứ thứ gì mà bạn quan tâm và bạn nghĩ người cùng trò chuyện cũng biết về chủ đề đó.
Trong bữa tiệc tôi cũng khá ngạc nhiên là sếp tổng chia sẻ những câu chuyện rất đời thường gần gũi, ví dụ như nước dừa ở Việt Nam rất ngọt và rẻ, ví dụ như thói quen đi dạo cuối tuần của vợ chồng sếp, đường phố xe cộ, bla bla… Tôi hiểu những người sếp là những người rất giỏi trong việc tạo bầu không khí thoải mái cho những người xung quanh.
Chúng tôi cũng trò chuyện và chia sẻ những trải nghiệm cá nhân liên quan tới chủ đề sếp đang nói. Đôi khi chúng tôi cũng gợi ý một số thứ hay ho ở Việt Nam mà dân bản địa mới biết. Đây chính là nhịp điệu của cuộc trò chuyện, có người chia sẻ có người lắng nghe.
2. Lắng nghe cũng là một phần quan trọng của cuộc trò chuyện
Bạn hẳn nghe rất nhiều về tầm quan trọng của việc lắng nghe rồi. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một ý mà tôi rất tâm đắc khi trò chuyện. Đó là Lắng Nghe Để Thấu Hiểu.
Chúng ta thường lắng nghe với mục đích trả lời. Bạn có để ý là trong lúc ai đó nói bạn sẽ suy nghĩ bạn sẽ nói gì tiếp đây, bạn sẽ trả lời như thế nào đây? Nhưng chính điều đó sẽ tạo áp lực cho chính bạn. Khi người khác nói bạn cứ hãy nghe thôi, hãy nghe để thấu hiểu. Khi bạn tập trung vào lắng nghe bạn sẽ không cần phải áp dụng kỹ thuật này phương pháp kia.
3. Hãy tập thoải mái với những khoảng lặng
Khoảng lặng là cần thiết
Bạn có từng gặp khoảnh khắc mà cả nhóm vừa trò chuyện rất sôi nổi thì đề tài trò chuyện đó kết thúc, mọi người tự nhiên im lặng và cảm thấy hơi mất tự nhiên? Bạn có từng gặp những buổi tiệc mà sếp là người nói chính, bỗng nhiên sếp kể xong chuyện thì chẳng ai phải biết nói gì nữa?
Đây là những khoảng lặng mà bạn và tôi sẽ phải tập làm quen và cảm thấy dễ chịu. Chẳng ai có thể nói hoài và cũng chẳng ai có thể nghe mãi. Cuộc nói chuyện cứ nói và nghe, nghe và nói sẽ khiến chúng ta kiệt sức.
Hãy cho phép khoảng lặng xuất hiện một cách tự nhiên
Hãy cho phép khoảng lặng xuất hiện như là một phần của cuộc trò chuyện. Nó giúp chúng ta quan sát và tận hưởng không gian xung quanh. Chúng ta tận hưởng những món ăn ngon, tận hưởng không khí vui vẻ của buổi tiệc. Thậm chí nó cũng giúp bạn nhận biết nếu ai đó cần sự giúp đỡ.
Khoảng lặng là cần thiết nhưng bạn cần để nó xuất hiện một cách tự nhiên. Khi bạn và người cùng trò chuyện kết thúc một chủ đề hay chia sẻ gì đó và chưa có gì để nói tiếp, thì bạn hãy thoải mái. Bạn có thể mỉm cười và tiếp tục chú tâm thưởng thức bữa ăn. Đến lúc bạn muốn chia sẻ điều gì đó, hãy lại bắt đầu.
Hãy cảm nhận và hoà vào bầu không khí nơi bạn đang hiện diện
Bạn hãy cảm nhận và hoà mình vào nhịp điệu của cuộc trò chuyện cũng như bầu không khí xung quanh. Điều này giống như cái cách bạn cảm nhận âm nhạc và hoà mình vào giai điệu, bạn ngâm nga hay nhún nhảy vì bạn được âm nhạc dẫn đường.
Bạn cần thoải mái với chính mình trước, thoải mái trở thành một phần của nơi bạn hiện diện. Khi đó bạn sẽ lan toả năng lượng này và có thể giúp những người khác cũng hoà nhập với bầu không khí nơi đó.
Lần đi ăn với sếp sắp tới, bạn hãy thử tự nhiên và thoải mái xem sao? Bạn hãy hoà vào nhịp điệu của cuộc chuyện trò, hãy lắng nghe với mục đích thấu hiểu, hãy trân quý những khoảng lặng. Bạn sẽ ngạc nhiên là bạn nhận được những giá trị mà trước đây vì quá lo sợ nên bạn đã bỏ lỡ.
Hy vọng bạn sẽ có những phút giây thoải mái là chính mình và khi đó bạn sẽ có thể kết nối thật nhiều. Hãy là chính bạn và không ngừng lan toả năng lượng tích cực cho những người xung quanh.