Thực tại là gì? Vì sao chúng ta hiếm khi chú tâm vào nó? Ta thường làm một điều gì đó trong khi lại suy nghĩ về một điều khác. Ta thường ở bên cạnh một người nhưng tâm trí lại phiêu du ở một nơi khác. Nếu không nghĩ về tương lai thì chúng ta lại suy tưởng về quá khứ. Vì sao khoảnh khắc thực tại lại trở nên khó khăn để trú tâm đến vậy? Hãy cùng valueyourday tìm hiểu nguyên lý giúp bạn trú tâm vào thực tại.
Nhìn thấy cái thực đang xảy ra
Cái thực trước mắt
Nhìn thấy cái thực đang xảy ra tức là bạn nhìn ra cái hình hài thực của điều bạn đang nhìn thấy mà không bị cảm xúc chủ quan chi phối. Ví dụ, bạn nhìn thấy con cá đang bơi là con cá đang bơi chứ không phải là sự tưởng tượng từ con cá đang bơi thành món cá chiên xù thơm phức trên dĩa. Và con cá đang bơi cũng không phải là cảm xúc tội nghiệp của bạn vì thấy con cá bị nhốt trong bể.
Cái thực tại trước mắt nó dễ thấy nhưng vì không chú tâm, đôi khi ta lại chẳng nhìn ra được.
Không nói hình ảnh đơn giản như chú cá đang bơi mà bạn thử nghĩ về một điều gì đó khó thấy hơn xem sao. Ví như vợ/chồng bạn đi làm về sau một ngày dài, bạn rất muốn kể ngay một tin tức nóng hổi ở công ty của bạn. Bạn sẽ hào hứng kể ngay hay bạn sẽ dành ít phút để nhìn kỹ gương mặt người bạn đời của mình?
Bạn có thấy anh ấy/ cô ấy đang mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng? Nếu vợ/ chồng bạn không biểu hiện gì mệt mỏi cả, vậy thì quá tốt rồi, bạn có thể kể câu chuyện của mình. Nhưng nếu vợ/ chồng bạn đang mệt mỏi hoặc phiền muộn thì sao? Bạn có “thấy” được cái thực trước mắt này không?
Cái thực của bản thể
Nhìn thấy được cảm xúc đang xảy ra ở thực tại cũng là một mắt xích quan trọng của nguyên lý. Ví như cảm xúc lo lắng là một từ rất chung chung. Nhưng nhìn thấy được cảm xúc lo lắng đang xảy ra sẽ cụ thể và tỉ mỉ hơn nhiều.
Khi lo lắng, bạn cảm nhận điều gì đang xảy trong cơ thể mình. Có phải tim bạn đập nhanh hơn, bụng bạn quặn lên, và rồi bạn nó làm bạn bối rối. Bạn bị mất tự nhiên. Nếu bạn đang có một bài nói hay thuyết trình, bạn có thể quên mất những gì muốn nói.
Lúc này đây rất khó để nhìn ra những cái thực đang xảy ra với chính chúng ta. Vì chúng ra bị nỗi sợ đánh ập. Chúng ta không thấy được những biểu hiện bản năng của bản thể. Từ trái tim đến hệ hô hấp của chúng ta đều chỉ muốn gửi một tín hiệu rằng, chúng đang cần nhiều ôxy hơn.
Cái cơ thể bạn cần lúc lo lắng hay sợ hãi đó chính là một vài hơi hít thở thật sâu. Lạ lùng thay chúng ta hiếm khi hồi đáp tín hiệu từ cơ thể của mình. Có phải chăng là vì chúng ta không nhìn thấy được cái thực ấy?
Biết được cái thực đang xảy ra
Cái biết khác gì với cái thấy
Nói về cái biết khác với cái thấy, có thể lấy một ví dụ như sau. Nhân viên của bạn nhờ bạn can thiệp vào một lô hàng xuất đi bị trì hoãn do thủ tục chứng từ với cơ quan hải quan. Bạn thấy được vấn đề này đến từ một thay đổi trong thông tư mới của Chính phủ.
Nhưng cái biết chính là từ cái thấy này, bạn biết rằng, sự thay đổi này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến lô hàng hiện tại. Bạn biết rằng nó sẽ dẫn đến vấn đề cho các lô hàng tương tự sắp tới. Khi biết như vậy bạn ắt hẳn sẽ có nhiều thời gian hơn để lên phương án để giải quyết đúng không?
Cái biết không thể tách rời với cái thấy. Nó phải dựa vào việc thấy được cái thực đang xảy ra thì mới có cơ sở vững chắc biết được cái thực đang xảy ra.
Làm sao để biết được cái thực đang xảy ra?

Biết đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn thấy. Vì nó đòi hỏi sự chú tâm tìm hiểu. Biết cũng có thể nói là Hiểu. Cái hiểu cái biết sẽ đi đôi với trách nhiệm.
Vì vậy những người luôn nghĩ rộng và có tâm phụng sự thì thường chịu khó tìm tòi để thấu hiểu hơn những người còn lại.
Để biết được cái thực đang xảy ra bạn vừa có sự quan tâm đến cái thấy nhưng lại phải giữ đủ tỉnh táo để không bị chủ quan của chính bạn chi phối. Ví dụ bạn thấy con bạn bị té ngã, bạn sẽ ngay lập tức tới an ủi bé hay bạn sẽ quan sát và tới giúp chỉ khi bé cần? Bạn thấy con bị té ngã và bạn cho rằng con cần giúp đỡ. Nhưng cái “cho rằng” này- hay cái biết này chưa phải thực sự là biết cái thực đang xảy ra.
Vì vậy chìa khoá để biết chính là phải nhìn thấu nhìn tỏ. Nhìn thấu cái thực đang xảy ra và tỏ tường cái thực ấy.
Tập trung vào cái thực đang xảy ra
Tập trung trên nền tảng cái thấy cái biết
Nhiều người từng thừa nhận rằng mục tiêu dẫu khó đến mấy cũng có thể tìm ra đường đi đến mục tiêu. Cái khó khăn nhất là phải xác định được mục tiêu. Nghĩa là đường đi dẫu khó đến mấy cũng có thể đi qua được. Cái khó là tìm không ra đường, không biết mình muốn đi về đâu.

Làm sao để thấy được cái thực tại đang xảy ra? Rồi làm sao biết được cái thực tại đang xảy ra. Để thấy, để biết chúng ta cần sự chú tâm.
Thấy và biết cũng chính là nền tảng để sự chú tâm của chúng ta có nơi trú ngụ. Chúng tương hỗ lẫn nhau như mẹ đất và cái cây.
Trú tâm cũng là một loại hạnh phúc
Khi trú tâm vào thực tại, ta nhìn thấu tỏ những sự việc xảy ra. Ta còn thấu tỏ chính bản thể và tâm trí của chính mình. Trú tâm vào hành động thực tại không hẳn là mục tiêu mà chính là con đường. Cũng như hạnh phúc, đó là một hành trình chứ không phải điểm đến.

Thực tại không chứa đựng lo âu về tương lai hay nuối tiếc về quá khứ. Khoảnh khắc đó tuyệt vời đến nỗi, khi ta trú tâm vào thì hạnh phúc sẽ khởi sinh như cây lá đâm chồi.
Hãy đưa tâm trí của mình về khoảnh khắc hiện tại. Hãy để bạn hiện diện từ cơ thể đến tâm hồn. Và quan trọng là bạn hoàn toàn cảm nhận được sự hiện diện của chính mình.
Đó chính là hạnh phúc!
Kết
Nguyên lý giúp bạn trú tâm vào thực tại chỉ gói gọn trong 3 từ Thấy- Biết- Trú Tâm. Bạn thấy cái thực tại đang xảy ra. Đó là thấy cái thực trước mắt và thấy cái thực bản thể của chính mình. Từ Thấy đến Biết cần sự quan tâm đi đôi với tỉnh thức.
Để rồi từ cái Thấy và cái Biết thực tại đang xảy ra mới là nơi cho Tâm bạn trú lại. Khi cây tâm an ổn thì tuệ giác dần khai quang.
Tương lai thì chưa đến, quá khứ thì đã qua. Cái quan trọng với tất cả chúng ta là thực tại. Vì vậy tôi tin rằng nắm chắc thực tại sẽ giúp chúng ta sống hạnh phúc. Chúng ta không cần sống trong hư ảo của những nỗi lo sợ hay lòng tham về tương lai. Chúng ta cũng không nên sống trong sự nuối tiếc hay hoài niệm về quá khứ.
Hãy trú tâm vào hiện tại để tận hưởng hạnh phúc. Hiện tại có thể cũng chứa khổ đau do thất bại. Nhưng rồi sau tất cả, sau mỗi lần vấp ngã và đứng lên, chúng ta đều trở nên mạnh mẽ hơn không phải sao?
Bạn có thể đọc thêm về chủ đề Hành Trình Khai Minh tại đây: