Nội tôi mất đã được 5 năm rồi. Trong trí nhớ của tôi, bà là người phụ nữ rất đẹp. Năm tôi 7 tuổi, khi ấy nội đã 80. Nhưng tôi vẫn nhớ như in dáng đi nhẹ nhàng, thanh thoát của bà. Bà luôn mặc những bộ đồ lụa in hoa văn chìm rất đẹp. Tôi đoan chắc là dù không có ai đến thăm thì nội vẫn ăn diện vì đó là sở thích. Chưa bao giờ tôi thấy nội lơ là việc chăm sóc bản thân. Có lẽ đó là thói quen, hoặc là thói quen ấy đã trở thành một phần tính cách của nội. Nội không kể cho tôi nghe nhiều về hiện tại mà thường là những câu chuyện xưa. Trong đó có câu chuyện về những chiếc bình, về cách mà nội trở nên rất giàu có.
Những chiếc bình luôn đầy
Tôi thường được về quê thăm nội trong những kỳ nghỉ hè. Có đôi lần, tôi được ở với nội tới tận cả tuần lễ. Nhà nội nằm cạnh một bến sông và nội chỉ ở một mình. Rất nhiều lần ba mẹ cùng các cô chú của tôi đều năn nỉ nội lên ở với con cháu. Nhưng lúc nào nội cũng chỉ một câu trả lời: “tao quen sống ở quê rồi”. Không hiểu sao từ nhỏ tôi đã thấy sống ở quê mới thật tuyệt. Đến bây giờ tôi vẫn thấy sống ở quê vừa an bình vừa đủ đầy như nội quả là hạnh phúc.
Ra khỏi luỹ tre làng
Về thăm nội trong những ngày hè oi ả, thứ quạt mát cho tôi là cái quạt giấy trên tay nội. Dù ngủ trưa hay tối, nội vẫn cứ đều tay quạt cho tôi ngủ. Lúc ấy, mặc dù nhà nội đã có quạt điện, còn là loại xịn hẳn hoi. Thế mà nội chẳng mấy khi xài vì đối với nội, quạt điện là cái thứ ồn ào. Lúc nào con cháu về, tụi nó xài thì tụi nó bật. Rồi nội vừa phe phẩy quạt mát cho tôi vừa kể chuyện nội đã bắt đầu công việc buôn bán như thế nào.
Hồi đó nội còn rất trẻ, tức là cái hồi còn chưa có Cách Mạng Tháng Tám 1945 nữa cơ. Chiến tranh thì chiến tranh nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Lúc đó nhà nội cũng như bao nhà khác, lấy nông nghiệp làm nghề chính. Lúa năm nào cũng làm hai vụ, vụ xuân hè và vụ thu đông.
Thế nhưng chẳng mấy khi đủ ăn. Một bữa cơm lúc nào cũng cơm thì ít mà độn bo bo và sắn là nhiều. Lúc đó còn chưa có xe đạp nên những quãng đường dù chỉ là mười mấy cây số cũng trở thành khoảng cách mà có người cả đời chưa ra khỏi được.
Bắt đầu bằng những bình ruốc
Bà nội lúc ấy đã luôn nghĩ về cách để làm giàu. Bà quảy trên vai mình đôi gánh mang hàng hoá sang nơi khác để bán. Các mặt hàng là đồ dùng hàng ngày như gương lược, bàn chải, kim chỉ… Và thường là bà bán rất nhanh hết vì thời đó chẳng mấy ai đi một quãng đường xa như thế để bán buôn cả. Khi đến đó bà thấy người ta bán những con ruốc mới thả lưới từ biển lên tươi rói. Nội nhìn thấy ngay cơ hội kinh doanh và ngay lập tức mua rất nhiều ruốc cùng những chiếc bình (lu) lớn. Nội nhờ người gánh ruốc và bình về tới nhà với một mức tiền công thương lượng trước.
Về đến nhà nội sẽ phân công sắp đặt người sơ chế con ruốc và xếp đầy vào các bình lớn. Sau khoảng một tháng, ruốc sẽ thành mắm ruốc và nội sẽ bán mắm ruốc cho bà con trong làng. Cứ thế công việc buôn bán của nội luôn là chiều đi với đồ gia dụng và chiều về là những con ruốc tươi roi rói. Nội kể rằng nội luôn bán hết hàng dù là đồ dùng hay là mắm ruốc. Nhưng chưa bao giờ nội để những chiếc bình vơi đi. Vì cứ hết mẻ này thì nội làm tiếp mẻ khác và cứ thế công việc luôn tiếp diễn xoay vòng.
Bốn chiếc bình là cách Nội quản lý tài chính
Khi đã thu được tiền từ công việc buôn bán. Nội đã tính toán rất chu toàn việc sử dụng các khoản tiền thu được như thế nào. Nội kể rằng một phần tiền nội dành cho chi tiêu ăn uống của gia đình, một phần để làm vốn tiếp tục buôn bán, phần còn lại là để dành tiết kiệm. Lúc đó tôi còn nhỏ, chưa biết chọc ghẹo nội là nội cũng để ý đến chuyện làm đẹp nữa phải không? Hẳn là nội cũng trích ra một phần nhỏ để chăm sóc bản thân. Vì nét hấp dẫn của nội, tôi nghĩ là nhờ sự chăm sóc kỹ càng từ thời thanh xuân mà thành.
Nay tôi ngồi nhớ về nội tôi, mới ngẫm lại cách mà nội vun vén sắp đặt các khoản thu chi trong gia đình. Nội luôn phân chia rõ ràng định mức cho 4 chiếc bình tài chính.
Trong đó bình thứ nhất là dành cho chi tiêu hàng ngày, bình thứ 2 là tiền tái đầu tư, bình thứ 3 là tiết kiệm tích luỹ và bình thứ 4 là đầu tư vào bản thân.
Hồi đó lời kể của nội mộc mạc lắm, không có nói bình này bình kia. Nhưng cách quản lý tài chính của nội thì đúng là như vậy.
Chiếc bình thứ 5
Nội tôi còn một chiếc bình nữa mà bà không kể cho tôi nghe. Vì có lẽ nội cũng không nhận ra nội có chiếc bình thứ 5 này. Đó là chiếc bình chứa đựng sự giàu có trong tâm hồn. Đó là ý chí, nghị lực và tư duy thoát khỏi luỹ tre làng để thay đổi cuộc đời. Và những giá trị quý báu trong chiếc bình thứ 5 này đã được nội truyền lại cho con cháu. Chính nội đã ảnh hưởng một cách tích cực lên tư duy của tôi mà đến giờ tôi mới nhận ra.
Nội tôi sanh thời là người phụ nữ nhanh nhẹn và có tầm nhìn rộng. Qua lời kể của nội thì tôi hình dung được nội yêu thích công việc quản lý. Mà rất hữu duyên là nội lại cực kỳ phù hợp với công việc này. Có nghĩa là nội đảm trách phần chiến lược kinh doanh, vạch ra đường đi nước bước. Còn sau đó sẽ có nhân lực khác được nội phân công triển khai chi tiết từng phần việc.
Có lẽ nội sẽ bật cười nếu biết cô cháu gái của mình lại dùng những từ ngữ “lạ lùng” để kể lại câu chuyện của bà. Nhưng thật ra cốt lõi thì vẫn chỉ có một, chỉ có từ ngữ biến chuyển qua từng thời đại mà thôi. Và đó vẫn là về những chiếc bình của nội, phải không nội?
Mời các bạn tìm đọc các bài viết cùng chuỗi chủ đề Sống 365: