Những đứa trẻ biết đọc sớm là điều vừa đáng mừng lại vừa đáng lo. Đáng mừng là chỉ mới 3-4 tuổi, trẻ đã đọc được rất nhiều từ và cụm từ. Điều này thể hiện thế mạnh về khả năng học hỏi và ghi nhớ của trẻ. Còn điều đáng lo là nếu không có cách thức giáo dục phù hợp, trẻ sẽ khó phát triển một cách toàn diện. Thậm chí đã có những hậu quả đáng tiếc khi trẻ biết đọc sớm được gắn mác là thiên tài. Vậy cách thức tiếp cận thế mạnh biết đọc sớm của trẻ như thế nào là phù hợp? Làm thế nào để cha mẹ có thể hỗ trợ tốt nhất giúp trẻ phát triển năng lực toàn diện?
Trẻ biết đọc sớm có phải là thiên tài?
Nếu chỉ dựa vào khả năng biết đọc sớm để kết luận trẻ là thiên tài thì thật thiếu sót. Lý do là tài năng hay thiên tài được đánh giá dựa trên tổng thể của nhiều yếu tố. Có những câu hỏi IQ để kiểm tra khả năng của một người. Thậm chí những bài test IQ này cũng không thể nào đo lường toàn bộ năng lực của con người. Ví dụ như tính sáng tạo, năng lực xã hội và sức khoẻ thể chất. Do đó, chỉ dựa vào khả năng biết đọc sớm thì chưa thể kết luận được đứa trẻ là thiên tài.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng những đứa trẻ biết đọc sớm bộc lộ thế mạnh về khả năng ghi nhớ. Khi quan sát các từ, cụm từ thì não bộ của trẻ nhanh chóng chụp lại các hình ảnh ấy. Từ đó, dần dần trẻ xây dựng được vốn từ vựng vô cùng phong phú. Vì vậy trẻ có thể đọc được rất nhiều từ so với các bạn đồng trang lứa. Đây là điều đáng mừng vì thiên hướng của trẻ được bộc lộ rõ ràng. Nhờ vậy mà cha mẹ dễ tìm ra phương thức giáo dục để phát huy thế mạnh của con mình.
Giáo dục trẻ biết đọc sớm cần chú trọng vào KIẾN TẠO
Giáo dục kiến tạo tức là giáo dục dựa trên năng lực, sở thích và trải nghiệm của cá nhân. Những đứa trẻ bộc lộ các năng lực đặc biệt từ sớm càng cần giáo dục kiến tạo hơn cả.
Chỉ có cha mẹ mới thấu hiểu được năng lực thế mạnh lẫn sở thích của con mình. Và cũng chỉ có cha mẹ mới biết những trải nghiệm mà con đã có.
Trên nền tảng đó, cha mẹ mới kiến tạo nên những điều phù hợp để truyền đạt cho con. Dù cách thức thực hiện như thế nào thì đích đến của giáo dục vẫn phải là sự phát triển toàn diện của con trẻ.
Tìm hiểu năng lực được bộc lộ lẫn sở thích của trẻ
Những đứa trẻ biết đọc sớm có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là trẻ có khả năng ghi nhớ tốt các hình ảnh. Cần lưu ý rằng chữ viết cũng là một dạng hình ảnh. Thứ hai là trẻ có khả năng tự tìm tòi và khám phá. Và thứ ba là trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường hỗ trợ cho việc đọc sớm. Ví dụ như gia đình thường xuyên mở các video có chữ phụ đề lớn (karaoke), cho trẻ chơi và học với flashcard. Hoặc cũng có thể là gia đình đã cho trẻ tiếp xúc với việc học đọc từ nhỏ.
Nói về khả năng biết đọc từ sớm của trẻ. Đây là một loại năng lực trong rất nhiều năng lực khác của con người. Bên cạnh năng lực đọc được bộc lộ rõ ràng, cha mẹ cũng cần chú ý đến các năng lực khác nữa của con. Vì đích đến của chúng ta là giúp trẻ phát triển toàn diện. Cho nên càng hiểu rõ các năng lực kể cả nổi trội và tiềm ẩn của con thì càng giúp giáo dục kiến tạo phát huy giá trị. Ngoài ra, cha mẹ cần tìm hiểu sở thích của trẻ. Con bạn thích gì, không thích gì, có thể tập trung một cách say mê vào các hoạt động nào?
Kiến tạo trên thế mạnh của trẻ
Dựa trên thế mạnh và sở thích của con trẻ mà cha mẹ bắt đầu giáo dục kiến tạo. Có nghĩa là từ những điều con đã biết để truyền đạt cho con những điều mới. Cha mẹ cũng khơi gợi cho con say mê khám phá những điều mới mẻ. Hãy chia sẻ cho con về những thế mạnh của chính con mà cha mẹ ghi nhận được. Quan trọng hơn hết, hãy để con hiểu rằng thế mạnh của con cũng chỉ là một phần trong rất nhiều năng lực khác của con người.
Hãy để con biết rằng mỗi bạn nhỏ đều sẽ có những thế mạnh riêng. Điều này giúp con làm quen với sự đa dạng và tôn trọng sự đa dạng ấy.
Ví dụ như con có khả năng đọc tốt trong khi đó các bạn khác thì có khả năng về giao tiếp, về kể chuyện hoặc về vận động.
Vai trò của cha mẹ trong giáo dục kiến tạo là giúp con có được sự kết nối với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của con không phải chỉ xoay quanh khả năng đọc. Con cần nhiều hơn thế để kết nối, để chung sống và từ đó mới mang lại giá trị cho cộng đồng.
Giáo dục kiến tạo hướng tới sự phát triển toàn diện
Giáo dục kiến tạo chú trọng đến trạng thái tổng thể. Chúng ta bồi đắp sự tự tin cùng khả năng tư duy của trẻ bằng cách giúp trẻ nhìn ra bên ngoài. Thế mạnh của trẻ được nhận biết để có phương thức giáo dục phù hợp. Đừng đem thế mạnh đó ra tung hô và từ đó chỉ xoay quanh việc thể hiện hay chứng tỏ tài năng với người khác. Hành động này vô tình sẽ khiến trẻ lệch lạc về nhận thức, rằng biết đọc là biết tất cả.
Cha mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ được phát triển toàn diện. Nghĩa là từ nền tảng đã có, hãy kiến tạo thêm các năng lực hữu ích khác. Trẻ cần sức khoẻ, cần tư duy, kết nối và cả khả năng tự học. Đây cũng chỉ là một vài trong số những năng lực mà trẻ cần học tập để thành người.
Cũng như một cái cây muốn lớn lên ra hoa và kết trái, chúng không chỉ cần đất mà cả nước, không khí, ánh nắng và cả quần thể cây xung quanh.
Hãy luôn hướng con mình về một thế giới bên ngoài rộng lớn để con say mê học hỏi và tự kiến tạo giá trị của bản thân.
Bài viết có tham khảo các lời khuyên cho cha mẹ khi con là đứa trẻ tài năng: