Phản hồi hiệu quả mang lại những giá trị gì?
Có khi nào bạn bị khó chịu bởi góp ý của ai đó? Hay có những khi phản hồi của bạn không được ghi nhận như bạn mong đợi?
Đây là vấn đề không nhỏ trong cả khía cạnh công việc và cuộc sống. Nếu làm tốt việc phản hồi thì chất lượng giao tiếp chắc chắn sẽ được nâng cao. Từ đó công việc sẽ suôn sẻ hanh thông, cuộc sống đầy những niềm vui nhờ những góp ý chân thành được trao đi một cách đẹp đẽ và được đón nhận trong hân hoan.
Hãy cùng tôi tìm hiểu và thử nghiệm mô hình phản hồi SBI-A giúp mang lại những phản hồi vừa chất lượng hiệu quả vừa mang tính xây dựng nhé.
4 thành phần của mô hình phản hồi SBI-A

Mô hình ban đầu là SBI nghĩa là Situation Behaviour Impact, sau này được thêm vào chữ A nghĩa là Action để nói rõ ra hành động cụ thể mà người phản hồi mong đợi.
S- Situation- Tình Huống
- Bắt đầu với Situation nghĩa là Tình huống, tình huống cần cụ thể nhưng tóm gọn. Nếu bạn phản hồi ngay tại thời điểm tình huống vừa xảy ra thì bạn cũng phải cần có đoạn vào bài để lôi kéo sự tập trung của người nghe.
- Lưu ý là nếu bạn đang phật lòng, giận giữ hay buồn bực vì tình huống đang xảy ra thì bạn cần thời gian làm chủ cảm xúc của mình trước. Lúc này bạn không cần phải phản hồi lại.
- Hãy để đến khi bạn có thể bình tĩnh và khách quan, và quan trọng là khi đó bạn có thể nhắc mình ứng dụng mô hình phản hồi SBIA để đưa ra phản hồi. Nhưng cũng đừng để quá lâu bạn nhé. Và hơn hết chọn thời điểm hợp lý trong phản hồi sẽ giúp bạn vừa phản hồi hiệu quả. Đồng thời điều này cũng vừa nhanh chóng mang giá trị của phản hồi hiệu quả đó nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống của bạn.
B- Behaviour- Hành Vi
- Thứ 2 là Behaviour tức là hành vi, hành động cụ thể của người mà bạn muốn góp ý trong tình huống Situation cụ thể đã đề cập.
I- Impact- Ảnh hưởng
- Thứ 3 là Impact tức là Ảnh hưởng tới bạn. Người bạn muốn góp ý trong tình huống cụ thể nào đó đã làm điều cụ thể gì đó ảnh hưởng tới bạn. Bạn cần nói rõ cảm nhận của bạn với người nhận phản hồi. Nói cảm nhận một cách rõ ràng dễ hiểu chứ đừng làm quá lên bạn nhé. Bạn sẽ không muốn cuộc nói chuyện trở thành một đoạn phim drama đúng không nào?
A- Action- Hành động
- Thứ 4 là Action tức là Hành động. Hành động mà bạn mong muốn người nhận phản hồi sẽ thực hiện sau khi nghe phản hồi của bạn. Phần này còn được hiểu là mong đợi. Mong đợi cũng phải cụ thể, có liên quan với tình huống đang nói tới. Tránh gom những mong đợi của những chuyện khác vào đây bạn nhé. Chỉ tập trung vào đúng tính huống cụ thể, chỉ một và duy nhất.
Và đây là một ví dụ thực tế
Hãy cùng xem một ví dụ cụ thể khi tôi ứng dụng mô hình phản hồi SBIA.
Những ngày đầu tôi tạo website của riêng mình chỉ để thoả chí viết lách. Lúc này tôi chưa chia sẻ với gia đình hay bạn bè của tôi. Tôi muốn một vài tháng đi qua để đưa một vốn liếng kha khá các bài viết lên website rồi mới chia sẻ. Nhưng tình cờ chỉ mới vài ngày sau khi làm xong website thì chồng tôi “phát hiện” được bí mật nho nhỏ này của tôi.
Lúc đó chồng tôi lướt lướt thử rồi ngay lập tức phán một câu:
“Em dùng nền tảng gì để tạo web vậy, gì mà nhìn như thời một nghìn chín trăm hồi đó vậy.”
Lúc đó tôi buồn ghê gớm, mất khoảng vài phút để bình tĩnh thì tôi mới phản hồi cho chồng tôi là:
- Việc anh dùng một vài câu rất chung chung khi nói về trang web của em (S) khiến em rất buồn (I).
- Cách nói của anh đầy sự chê bai khiến em hụt hẫng (B; I)
- Hơn hết là nó làm em không biết phải chỉnh sửa để cải thiện như thế nào cả? Trong khi đó nó lại dập tắt đi động lực và niềm say mê viết của em(I).
- Nếu được, anh nhìn qua phần theme giao diện và một số nội dung chính giúp em được không? Từ đó anh có thể góp ý từ góc nhìn của người đọc giúp em. Càng cụ thể để em biết em phải sửa như thế nào thì quá tốt! (A)
Sau khi phản hồi xong tôi thấy nhẹ nhõm. Chồng tôi cũng ghi nhận góp ý của tôi một cách nhẹ nhàng. Sau đó còn hứa có thời gian sẽ xem phần thiết kế giao diện cho trang web của tôi nữa.
Hãy thử và điều chỉnh phản hồi theo SBI-A
Nắm rõ mô hình phản hồi là bước khởi đầu. Tiếp theo bạn sẽ cần thực hành nó thường xuyên. Chính tôi đôi khi cũng vì không làm chủ được cảm xúc của mình. Hoặc đơn giản là tôi quên béng việc cần dùng mô hình nên tôi đã đưa ra những phản hồi thiếu tính xây dựng.
Hãy thử nghiệm ngay với mô hình phản hồi SBI-A này. Hãy chỉnh sửa một vài chi tiết sao cho phù hợp với bạn nhất. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho những phản hồi sắp tới của bạn.