Phỏng vấn bằng case study thường được sử dụng khi ứng viên đã qua vòng đầu tiên với bộ phận HR. Tại vòng thứ 2, quản lý trực tiếp của vị trí ứng tuyển sẽ đưa ra một tình huống cụ thể cho ứng viên. Lúc này bạn sẽ phải xem xét tình huống và đưa ra các đánh giá cũng như đề xuất cho vấn đề đó. Vậy các bước cụ thể của hình thức phỏng vấn bằng case study là gì? Làm cách nào để bạn có được sự chuẩn bị và phần trình bày tốt nhất? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong nội dung bên dưới.
Các bước cụ thể của hình thức phỏng vấn bằng case study
Bước 1: HR gửi thông báo lịch hẹn và cách thức tham gia
Nếu bạn đã đến bước này thì xin chúc mừng. Bạn hẳn đã vượt qua vòng hồ sơ và vòng phỏng vấn đầu tiên với HR. Vòng tiếp theo này chính là lúc bạn gặp quản lý trực tiếp của mình. Người này sẽ là sếp của bạn nếu bạn được nhận vào làm chính thức tại công ty.
Thông qua cuộc gọi và chốt lại bằng email, HR sẽ thông báo ngày giờ và địa điểm cụ thể cho buổi phỏng vấn vòng 2. Nếu hình thức phỏng vấn là trực tuyến thì email từ HR sẽ đính kèm đường link của cuộc họp. Nền tảng phỏng vấn trực tuyến thường được sử dụng là Microsoft Teams, Google Meet hoặc Zoom.
Một số trường hợp thì phỏng vấn case study có thể kết hợp với phỏng vấn của HR. Điều này có nghĩa là công ty mà bạn ứng tuyển chỉ phỏng vấn một vòng duy nhất. Tuy nhiên dù là tại vòng 1 hay vòng 2 thì cách mà phỏng vấn bằng case study diễn ra sẽ khá giống nhau.
Bước 2: Trình tự của buổi phỏng vấn bằng case study
· Đầu tiên là giới thiệu bản thân:
Dù bạn tham gia phỏng vấn ở vòng 1 hay vòng 2 thì phần làm quen và giới thiệu bản thân là bắt buộc. Tuy nhiên ở vòng 2 bạn sẽ cần làm khác đi một chút. Nghĩa là hãy cập nhật phần giới thiệu dựa vào một số thông tin mà bạn có được từ vòng phỏng vấn đầu tiên. Điều này giúp bạn đến gần hơn với nhà tuyển dụng rất nhiều đấy.
· Tiếp theo là phần trình bày của bạn cho case study được đưa ra:
Thông thường case study sẽ được gửi cho bạn 1h đồng hồ trước khi buổi phỏng vấn diễn ra. Hoặc nếu công ty chỉ có 1 vòng phỏng vấn thì bạn sẽ có khoảng 10-15 phút chuẩn bị. Sau đó bạn sẽ có khoảng 25-30ph cho phần trình bày của mình.
· Và cuối cùng là phần đặt câu hỏi của nhà tuyển dụng dựa trên phần trình bày của bạn:
Nhà tuyển dụng có thể đặt một số câu hỏi trong thời gian bạn trình bày. Đây chỉ là những câu hỏi nhỏ để làm rõ nội dụng. Sau khi bạn hoàn tất phần trình bày thì họ sẽ có những câu hỏi lớn hơn. Có thể là liên quan đến case study hoặc mở rộng ra các vấn đề khác của vị trí bạn đang ứng tuyển.
Để có được phần trình bày tốt nhất khi phỏng vấn bằng case study
Chuẩn bị, chuẩn bị, chuẩn bị
Case study là gì? Đó chính là tình huống thực tế mà bạn sẽ phải giải quyết nếu bạn được nhận vào làm. Đối với vị trí nhân viên thì case study thông thường là công việc chính mà bạn phải thao tác hàng ngày. Nếu là vị trí quản lý thì case study sẽ đưa ra vấn đề hoặc mục tiêu lớn của phòng ban cần bạn lên kế hoạch để đạt được.
Vì vậy, hãy dựa vào bảng mô tả công việc để hình dung chi tiết các nhiệm vụ bạn cần phải hoàn tất. Bạn có thể dự đoán phần nào nội dung case study để có thời gian nghiên cứu thông tin trước. Trong quá trình chuẩn bị, bạn nên ghi chú lại những thông tin hoặc đề xuất mà bạn nghĩ là cần thiết cho buổi phỏng vấn case study.
Tiếp theo, bạn nên có sự chuẩn bị trước về các files mình sẽ sử dụng khi làm case study. Ví dụ, tôi tạo sẵn file ppt với 4 slides. Trong đó slide đầu tiên là chủ đề, slide cuối cùng là cảm ơn. Còn 2 slides giữa tôi tạo sẵn các ô và đề mục chuẩn bị cho nội dung trả lời. Việc này giúp tôi tiết kiệm thời gian cho phần làm slides khi nhận được đề bài case study.
Cấu trúc phần trình bày
Case study sẽ cho bạn thông tin về bối cảnh chung cùng với mục tiêu lớn mà công ty đang hướng tới. Tiếp đó là 4 đến 5 câu hỏi cần bạn trả lời. Ở phần này bạn cần cẩn thận. Chúng ta có xu hướng sẽ trả lời từng câu hỏi một. Tuy nhiên, điều mà nhà tuyển dụng quan tâm là sự kết nối giữa các câu trả lời đối với mục tiêu lớn đã được đưa ra.
Vì vậy hãy cấu trúc phần trình bày của bạn từ góc nhìn của một người quản lý dự án. Hãy xem tình huống trong case study là một dự án. Từ đó cấu trúc phần trình bày của bạn sẽ là:
1. Tóm tắt tình huống
2. Mục tiêu của dự án
3. Đánh giá của bạn đối với tình hình hiện tại. Vấn đề là gì? Nguyên nhân ở đâu?
4. Đề xuất của bạn cho vấn đề đang gặp phải? Tập trung giải quyết vấn đề nào trước? Nguồn lực, hệ thống, các bên liên quan và khung thời gian như thế nào?
Tập trung vào quá trình thay vì kết quả
Các dữ liệu trong case study sẽ không quá cụ thể để bạn có thể đưa ra một đáp án chi tiết. Điều đó có nghĩa là bạn hãy tập trung vào quá trình phân tích và cách thức bạn đưa ra đề xuất. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cách bạn tư duy và tiếp cận với tình huống được đưa ra. Nếu bạn cần thêm thông tin, hãy đặt câu hỏi hoặc xin phép nhà tuyển dụng cho phép bạn đưa vào một số giả lập.
Trong thời gian bạn trình bày, hãy tập trung vào quá trình đưa bạn đến với đề xuất. Bạn đánh giá như thế nào về tình huống? Phương pháp tiếp cận và cấu trúc mà bạn sẽ áp dụng khi xử lý vấn đề? Tại sao bạn lại đưa ra đề xuất như vậy? Bằng cách này bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu được cách thức bạn tư duy và giải quyết vấn đề. Từ đó, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không?
Key Takeaways
Phỏng vấn bằng case study không những giúp nhà tuyển dụng đánh giá được khả năng giải quyết vấn đề của bạn. Mà thông qua đó bạn sẽ nhận ra mình có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không? Đó có phải là công việc mà bạn yêu thích? Và nó có phù hợp với chặng đường phát triển sự nghiệp của bạn?
Hãy luôn chuẩn bị nhiều hơn cần thiết. Hãy hình dung đến các nhiệm vụ, những khó khăn mà công việc cần bạn giải quyết. Từ đó bạn có thể dự đoán phần nào nội dung của case study. Hãy lưu ý đến cấu trúc phần trình bày và cách thức bạn đưa ra đề xuất. Điều này giúp bạn thể hiện toàn bộ năng lực của mình cho nhà tuyển dụng thấy. Và dù kết quả như thế nào thì bạn cũng đã làm hết sức mình. Đó chính là điều tuyệt vời nhất.