TÁC GIẢ LÀ MỘT KHO TÀNG TRẢI NGHIỆM QUÝ BÁU
Ai đã từng đọc bác Trường qua chuỗi sách Một đời thương thuyết; Một đời quản trị; Một đời như kẻ tìm đường thì hẳn đều rất yêu mến bác bởi tâm tư thiện lành muốn chia sẻ những điều tốt đẹp, động viên thế hệ trẻ xông xáo dấn thân để trở thành người tự tạo thành công của riêng mình và mang đến những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Bác Trường ngoài đời rất gần gũi. Có lần tôi gặp bác ở đường sách Nguyễn Du, lúc đó bác đi grab bike tới. Hình ảnh bác cởi cái nón bảo hiểm màu xanh của Grab, đưa trả lại bạn Grab với nụ cười vui vẻ khiến tôi cứ nhớ mãi. Bữa đó là bác có hẹn với nhóm Cấy Nền mà chị chồng tôi là một thành viên rất năng nổ trong nhóm và cũng là một tác giả chia sẻ câu chuyện đời khởi nghiệp của mình trong cuốn sách “Không có đỉnh quá cao”.
HAI CẢM NHẬN KHI ĐỌC SÁCH
Khi đọc cuốn sách này thì tôi có hai cảm nhận, thứ nhất là cảm thấy biết ơn vì những chia sẻ tạo động lực của giáo sư cùng nhiều tác giả trong nhóm Cấy Nền, thứ hai là tiếc nuối vì cảm thấy chưa…đã.
CẢM NHẬN ĐẦU TIÊN CHÍNH LÀ BIẾT ƠN
Trước tiên, tôi biết ơn vì những giá trị mà cuốn sách đem lại. Ngay từ lời tựa, bác Trường cũng đã nói rằng cuốn sách này nhắm đến những người đọc là các em học sinh, sinh viên, những người rất “mới” với thương trường như chiến trường. Hoặc cũng có thể là những người mới khởi nghiệp và gặp thất bại, có thể là những người đang tự hoài nghi năng lực của bản thân và cảm thấy mất phương hướng.
PHẦN 1:
Và đúng là như vậy, phần 1 của cuốn sách là câu chuyện của 24 tác giả, là những anh chị những bạn có những xuất phát điểm và hành trình cuộc đời gặp rất nhiều khó khăn. Họ cũng từng hoài nghi bản thân, họ cũng từng gặp rất nhiều thất bại, nhưng sau tất cả họ đều kiên định đi tìm con đường của riêng mình.
Và họ đã thành công theo cách riêng của họ.

Viết đến đoạn này tôi lại nhớ đến hình ảnh cô công chúa Elsa trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Frozen. Elsa được trời ban cho một năng lực đặc biệt đó là có thể tạo ra băng giá. Nhưng lúc còn nhỏ, Elsa chưa biết cách kiểm soát, sử dụng năng lực của bản thân nên đã làm bị thương em gái Anna. Cô tự nhốt mình trong phòng kín nhiều năm. Và cũng vì chính năng lực đó mà Elsa bị xã hội bên ngoài ruồng rẩy xem như quái vật.
Hành trình khám phá năng lực bản thân, khẳng định giá trị và đem chính năng lực đặc biệt ấy để tạo ra những giá trị cho vương quốc của cô công chúa Elsa thật là một bài học đáng suy ngẫm.
PHẦN 2:
Quay trở lại cuốn sách Không có đỉnh quá cao với phần 2 là những chia sẻ, dặn dò và đúc kết của giáo sư Phan Văn Trường. Đó là những lời nhắc nhở thế hệ trẻ cần xác định mục tiêu của chính mình, xác định những kỹ năng cần thiết mình cần trau dồi để có thể bước tới đỉnh cao đời mình.
Và như tựa đề cuốn sách là Không có đỉnh quá cao, nghĩa là không có khó khăn nào mà ta không thể vượt qua. Đường xa đến mấy nếu đi thì chắc chắn sẽ đến. Sớm hay muộn, dễ hay khó là tuỳ thuộc vào mỗi người, nhưng tin chắc rằng nếu bạn luôn trau dồi và phát triển năng lực bản thân thì thành công sẽ đu bám bạn chứ không phải tìm kiếm đâu xa.
Đây là những điểm tôi biết ơn vì cuốn sách đã đem lại cho người đọc.
CẢM NHẬN THỨ HAI LÀ “CHƯA ĐÔ
Suy nghĩ thứ hai của tôi là cuốn sách còn chưa đủ ép-phê, còn chưa đã. Tôi thấy hơi tiếc nuối vì những lý do sau đây:
QUÝ HỒ TINH BẤT QUÝ HỒ ĐA
- Câu chuyện thành công hay hành trình cuộc đời của 24 tác giả có cảm giác như là bài tập làm văn với tựa đề “Tóm tắt cuộc đời bạn” với giới hạn không quá 1000 từ. Tiếc nuối lớn nhất là ở đây. Vì chuyện đời của mỗi tác giả là một kho báu to lớn mà trong giới hạn của cuốn sách đã không khai thác hết. Mô típ của mỗi câu chuyện là xuất phát điểm từ con số 0 hoặc con số âm, mọi điều kiện và hoàn cảnh xung quanh đều rất khó khăn bất lợi, sau đó nhờ nỗ lực và lòng kiên định cùng với mục tiêu chinh phục đỉnh cao đời mình mà cuối cùng họ đều thành công.
TÔI KHÔNG THÍCH CƯỠI NGỰA XEM HOA
Tác giả không đi sâu vào những khó khăn hoặc ít nhất là bằng cách nào mà họ vượt qua được những khó khăn lớn nhất. Có nghĩa là khi người đọc đang tìm kiếm một bài học nào đó dù lớn hay nhỏ từ những người thành công thì họ rất khó tìm ra được. Mọi thứ cứ trôi tuột đi, kiểu như là được động viên hãy cố lên rồi bạn sẽ thành công thôi nhưng người đọc không hiểu được vì sao và như thế nào?
- Chưa thấy được mạch kết nối giữa các phần kể chuyện của các tác giả trong phần 1. Hoặc có thể kết nối là có nhưng rất mỏng manh đến nỗi tôi không nhìn ra được. Dù biết mỗi người đều có một cuộc đời khác nhau nhưng khi đã đưa vào trong một cuốn sách thì sự kết nối nhắm đến một mục tiêu chủ đạo của cuốn sách là cần thiết.
THIẾU ĐI MẠCH KẾT NỐI LÀ THIẾU ĐI LINH HỒN
- Thứ ba cũng là vì thiếu mạch kết nối mà cảm giác phong cách cuốn sách hơi giống tản văn. Thậm chí phần 2 cũng chỉ là tổng hợp bài trả lời phỏng vấn trước đây của giáo sư Phan Văn Trường và những lời dặn dò, những kinh nghiệm đúc kết ngắn gọn xem như là phần kết của cuốn sách. Sách tạo cảm giác như là tài liệu nhập môn cho riêng lớp Cấy Nền, khi mà ở đó các thành viên sẽ được biết về nhau và có thời gian tiếp xúc cũng như tham gia các bài học khác nữa của lớp.
CHỦ ĐÍCH CỦA TÁC GIẢ?
Có khi nào việc tạo ra những tiếc nuối hay tò mò sau khi đọc cuốn sách cũng là chủ đích của giáo sư Phan Văn Trường không nhỉ? Có lẽ nếu biết được có người đánh giá cuốn sách như tôi thì bác Trường lại: Khà khà, mục đích đúng là như vậy đó em!
Nghe nói là giáo sư sắp xuất bản sách mới nữa. Hy vọng là cuốn sách sắp tới sẽ sắp xếp những điều hay ho trên một trật tự có kết nối vững chắc và sẽ chạm vào trái tim của rất rất nhiều độc giả.