XOÁ BỎ LẦM TƯỞNG RẰNG TRUYỆN TRANH LÀ GIẢI TRÍ HỜI HỢT

Mặt nạ thuỷ tinh là bộ truyện chứa đựng những bài học rất sâu sắc. Mỗi lần đọc lại tôi lại phát hiện ra những bài học cài cắm sâu sắc mà lúc những lần trước đó tôi chưa có đủ trải nghiệm để nhận ra.
Đây là bộ manga được xuất bản từ năm 1976 của tác giả người Nhật Suzue Miuchi. Và đến bây giờ bộ truyện này vẫn rất hot, mặc dù chưa có cập nhật thêm tập mới.
Mặt nạ thuỷ tinh đối với tôi có thể được ví ngang bằng với tiểu thuyết kinh điển “Hai số phận” của Jeffrey Archer(tên gốc tiếng Anh là Kane& Abel).
HÀNH TRÌNH THEO ĐUỔI ĐAM MÊ
Tựa đề mặt nạ thuỷ tinh thể hiện một cách chính xác nội dung của bộ truyện, chính là hành trình theo đuổi bộ môn kịch nghệ đầy chông gai của nhân vật chính Maya. Và cũng là hành trình kiên trì vất vả của cả Maya cùng Azumi – đối thủ số 1 của cô.
Azumi là tượng trưng cho hình ảnh đằng sau hào quang, đằng sau thiên tài chính là sự khổ luyện. Còn Maya là thiên tài bẩm sinh nhưng với xuất phát điểm và hoàn cảnh khốn khó, sự khổ luyện ấy càng phải gấp bội phần.
Xuyên suốt tác phẩm là những vở kịch nổi tiếng được dựng rất công phu. Người đọc sẽ cùng khóc cùng cười với các nhân vật được hoá thân bởi Maya, Azumi cùng rất nhiều bạn diễn trong đoàn kịch của cô Tsukikaga và các đoàn kịch khác nữa. Hoá ra kịch nghệ lại tuyệt vời đến như vậy.
“MẶT NẠ THUỶ TINH” CHÍNH LÀ PHIÊN BẢN MANGA CỦA “HAI SỐ PHẬN”
Dù đã hơn 10 năm tôi chưa đọc lại bộ truyện này nhưng những ấn tượng sâu sắc về những điểm sáng giá trị của tác phẩm vẫn còn đọng lại rất rõ ràng trong trí nhớ. Vì sao tôi lại so sánh “Mặt nạ thuỷ tinh” với “Hai số phận”?
- Thứ nhất, Mặt nạ thuỷ tinh có Maya và Azumi còn Hai số phận có Kane và Abel. Maya chính là Abel, được sinh ra và lớn lên trong khó khăn. Azumi chính là Kane, được sinh ra trong gia đình giàu có, được hậu thuẫn bởi rất nhiều thuận lợi. Điểm chung giữa Maya với Azumi, Kane với Abel chính là sự giỏi giang, có tầm nhìn, lòng kiên trì và đam mê cháy bỏng với mục tiêu đời mình.
- Thứ hai, tưởng như rằng họ là đối thủ nhưng thật ra họ có sự giúp đỡ và ảnh hưởng lẫn nhau. Có thể nói rằng người thổi bùng động lực để ta vượt qua ngàn chông gai lại chính là đối thủ một mất một còn của ta.
- Thứ 3, Mặt nạ thuỷ tinh với Maya là thiên tài bẩm sinh muôn ngàn khuôn mặt, Azumi là thiên tài tạo nên bởi 99% nỗ lực. Họ đối đầu nhau nhưng hoá ra cuối cùng lại là bổ sung cho nhau. Người này học từ người kia để hoàn thiện bản thể của mình.
Những chướng ngại xuất hiện trong Mặt nạ thuỷ tinh cũng chính là những đấu đá, tranh giành giống với cuộc đời thực những lúc muốn bỏ cuộc vì bất lợi liên tiếp xảy đến. Mặt nạ thuỷ tinh tập trung vào cuộc sống của những người diễn viên kịch nghệ. Trong khi đó Hai số phận lại chính là thương trường kinh doanh.
NHỮNG PHÂN CẢNH CẢM ĐỘNG LÒNG NGƯỜI
Nói riêng về nhân vật chính Maya thì tôi nhớ như in những phân cảnh như sau:
- Trong một lần đi thử vai người qua đường xuất hiện chỉ khoảng mười mấy giây trong vở kịch, Maya đã đặt rất nhiều câu hỏi cho người tuyển diễn viên hôm đó, là nhân vật người qua đường này làm nghề gì, nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, người đó đang đi đâu, tâm trạng như thế nào?
Đây là những câu hỏi không có trong kịch bản và người tuyển diễn viên cảm thấy rất bất ngờ. Thì ra, nhân vật người qua đường cũng phải rõ ràng và có chiều sâu như vậy.
Ở điểm này tôi học được bài học về sự tỉ mẩn và tận tâm. Có nghĩa làm việc dù nhỏ dù lớn cũng đều phải xác định rõ ràng mong đợi, mục tiêu để mang lại kết quả tốt nhất.
2. Có một vở kịch Maya đóng vai tên ăn mày. Phân cảnh gây chấn động với tôi là lúc Maya hào hứng vui vẻ ăn hết một hộp bánh được công chúa bố thí cho.
Điều đáng nói là một bạn diễn vì đố kỵ với Maya mà đã thay toàn bộ số bánh thật bằng những nắm bùn nặn thành hình bánh. Maya chỉ phát hiện khi đã lên sân khấu, bên dưới là cả trăm khán giả.
Hình ảnh Maya nhập vai kẻ ăn mày tên Toki ăn ngấu nghiến sung sướng hết hộp bánh được bố thí cho nhưng thực ra lại bị bạn diễn tráo thành “bánh bùn” khiến tôi xúc động mãi không thôi.
Ngẫm lại cuộc đời của chúng ta có những lúc mệt mỏi và đớn đau nhưng vì nhiều lý do chúng ta cũng phải cười nói với người khác như không có chuyện gì nghiêm trọng. Tôi chỉ hy vọng chúng ta có thể tự cho mình một khoảng lặng dù ít ỏi để vỗ về bản thân khi có chuyện không như ý xảy ra.

3. Maya vấp phải sự phản đối kịch liệt từ mẹ ruột của mình. Bà ngăn cản con gái, ép buộc nó rời xa tất cả mọi thứ liên quan đến kịch nghệ. Đôi khi người cản bước ước mơ của chúng ta lại chính là những người thân yêu nhất.
Tôi vẫn nhớ hai hình ảnh đối lập là khi Maya chưa vào lớp kịch nghệ, cô bé làm gì cũng không tốt, đang làm gì mà tivi có chiếu kịch là coi như làm đổ bể hết. Và trái ngược lại là hình ảnh cô bé say mê hết mình với nghề diễn kịch dù điều kiện ban đầu rất khó khăn, phải rời xa mẹ để vào học lớp cô Tsukikaga.
Đây không phải cũng giống chúng ta sao? Khi được sống với đam mê thì khó khăn chỉ là thách thức để cuộc sống thêm thú vị. Hạnh phúc nhất đời chẳng phải là được làm điều mình thích sao?
MỖI LẦN ĐỌC LẠI NGHIỆM RA NHỮNG BÀI HỌC MỚI
Mặt nạ thuỷ tinh được đóng mác là truyện thiếu nữ nhưng cho đến nay độc giả của truyện cũng đã qua tuổi 30, 40 thậm chí 50. Như tôi ở tuổi 33, tôi vẫn thấy bộ truyện chứa đựng rất nhiều bài học sâu sắc mà có lẽ thời thiếu nữ 15-16 tuổi tôi vẫn chưa hiểu hết được. Những bài học về nỗ lực và kiên trì với đam mê, những bài học về chướng ngại cuộc đời, cách để cùng làm việc và chung sống với những người xung quanh. Tôi dự định sẽ đọc lại bộ truyện này và có lẽ lần này tôi sẽ mua luôn cho chính mình thay vì đi thuê như thời học sinh.
Lần đọc sắp tới có lẽ tôi sẽ lượm lặt được điều gì đó mới mẻ và thú vị dành riêng cho tuổi 33 nhỉ? Vì Mặt nạ thuỷ tinh là muôn ngàn khuôn mặt, là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị cho độc giả tha hồ tự do khám phá. Hãy đọc cùng tôi thêm một lần nữa nhé?