THỊNH VƯỢNG TÀI CHÍNH, NGHỈ HƯU AN NHÀN
Cuốn sách Thịnh vượng tài chính tuổi 30 của tác giả Go Deuk – Seong có đến 2 tập. Tập 2 là phiên bản mở rộng và thực hành của tập 1.
Trong phạm vi bài viết này tôi sẽ đưa ra những quan điểm đánh giá của mình dành cho tập 2 của cuốn sách. Những phân tích cũng như lời khuyên của tác giả sẽ được thể hiện qua nhân vật giáo sư Masu. Tôi tin là bạn sẽ sớm yêu mến giáo sư Masu vì sự thấu hiểu, sự nhẫn nại và những lời khuyên bổ ích giúp chúng ta làm chủ tài chính và chuẩn bị tốt cho việc nghỉ hưu.
Cuốn sách này làm cho chính tôi phải đối mặt với vấn đề mà trước nay tôi vẫn né tránh mặc dù tôi nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Đó là kế hoạch và sự chuẩn bị tài chính của tôi cho những năm tháng về hưu sau này như thế nào? Một bước quan trọng nữa đó là lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư như thế nào để sớm trở nên tự do về tài chính.
TRƯỚC TIÊN, BIẾT BẠN THẬT SỰ ĐANG CÓ GÌ?
- Liệt kê các khoản thu nhập, các khoản chi cố định, nợ vay nợ thẻ tín dụng nếu có.
Bạn có bao giờ tính toán tài sản ròng thực tế của bạn là bao nhiêu không? Nếu một căn nhà hay một chiếc xe ô tô bạn đang mua trả góp hoặc phải trả lãi vay của ngân hàng thì đó có phải là tài sản thực tế của bạn hay không? Vấn đề sử dụng thẻ tín dụng quá tay và những lời than vãn tiền lương vào chưa nóng tài khoản đã bốc hơi đi mất vì hàng loạt khoản nợ phải trả?
Thậm chí việc từ bỏ thói quen cafe quán hàng ngày có thể tạo nên khoản tiết kiệm và tích luỹ không nhỏ cho tương lai. Bạn đừng lo lắng hay cảm thấy áp lực nhé. Vì chính bạn là người làm chủ và đưa ra quyết định đối với đồng tiền của mình.
Để quản lý được tài chính chúng ta cần phải liệt kê rõ ràng các khoản thu nhập, các khoản chi, các khoản vay nợ và trả nợ. Điều kiện lý tưởng là chúng ta không nợ nần ai cả, không phải è cổ trả các khoản nợ tín dụng hay lãi vay hàng tháng. Với trường hợp mua nhà thì các khoản vay hoặc lãi phải trả hàng tháng không được chiếm quá 30% thu nhập tháng và phải nhanh chóng trả khoản nợ càng sớm càng tốt.
Giáo sư Masu cũng thấu hiểu được nhu cầu của người Hàn Quốc, và tôi thấy là người Việt Nam cũng vậy, đều rất quan trọng việc mua nhà, mua xe và đầu tư học tập cho con cái. Ông phân tích các quan điểm cố hữu đôi khi lại trở thành gánh nặng về tài chính cho chúng ta. Đầu tư vào nhà cửa hay con cái chưa chắc là khoản đầu tư sinh lời như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nói cách khác chuẩn bị cho cuộc sống sau khi về hưu phải dựa vào nỗ lực của chính chúng ta.
Giáo sư nhấn mạnh rằng chúng ta cần đầu tư vào việc chuẩn bị tài chính cho giai đoạn nghỉ hưu.
THỨ HAI, XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM VÀ SỐ TIỀN CẦN DÙNG.
2. Xác định thời điểm sẽ nghỉ hưu và số tiền cần tích luỹ để sử dụng cho thời điểm đó.
Chà, thật sự phải rất nghiêm túc trong công việc tính toán dựa trên thu nhập và chi tiêu hiện tại. Bạn còn bao nhiêu năm nữa thì đến tuổi nghỉ hưu hoặc nói cách khác là bạn sẽ có bao nhiêu năm để chuẩn bị, tiếp đó bạn sẽ sống ở tuổi hưu bao nhiêu năm. Tính toán số tiền cần tích luỹ cho những năm tháng nghỉ hưu sẽ phải nhân với tỷ lệ lạm phát, tức là tỷ lệ mất giá của đồng tiền.
Sau khi có những con số cụ thể, lúc này bạn đã có một cái nhìn rõ ràng hơn về những gì bạn đang có, những gì bạn cần cho 20-30 năm tới. Bạn chắc hẳn sẽ đặt câu hỏi mình cần làm gì để đạt được mục tiêu, hay cụ thể hơn là làm gì để loại bỏ khoảng trống “gap” chênh lệch này?
Khi nói đến đây thì chúng ta chưa hề đề cập đến những rủi ro có thể ập đến trước khi chúng ta đến tuổi nghỉ hưu. Rủi ro bị sa thải do công ty điều chỉnh cơ cấu, thậm chí là bị tai nạn hoặc bệnh hiểm nghèo.
Giáo sư nhấn mạnh rằng cần phải nắm bắt hiện tại, không được bỏ lỡ thời cơ.
Cho dù vui vẻ hiện thời cũng đừng quên mất tuổi già thê lương
Nếu không chuẩn bị kịp thời, về già hối hận đã không kịp rồi!
THỨ BA, TẤT CẢ NẰM Ở SỰ CHUẨN BỊ NGAY TỪ SỚM
3. Đầu tư sớm, có chiến lược và đúng phương hướng.
Giáo sư Masu đã đưa ra ba loại tài sản lớn nhất gánh trách nhiệm cho tương lai chính là: tài sản bảo đảm, tài sản dưỡng già và tài sản đầu tư. Chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ càng cho cả ba loại tài sản này.
Ở đây tác giả đề cập đến sức mạnh của sự chuẩn bị từ sớm và xác định mục tiêu rõ ràng, đi đúng phương hướng. Giáo sư Masu đã phân tích rất cụ thể sức mạnh của lãi suất kép, đầu tư từ sớm và biết chờ đợi.
Giả thiết mỗi ngày dành 4000 Won tiền cafe cho đầu tư, con số đó sẽ là 80.000 Won sau 20 ngày và 960.000 Won sau một năm. Giáo sư đã đưa ra bảng tính toán dựa trên lãi suất đầu tư 8%, 12% và 25% để cho thấy con số tích luỹ được theo từng mốc thời gian 5 năm, 10 năm, 20 năm và 30 năm. Đây chính là sức mạnh của lãi suất kép và ma lực thời gian.
Đây là những tips đắt giá:
- Thứ nhất, chắc chắn phải tìm hiểu về thị trường cổ phiếu vì việc gửi tiền trong ngân hàng có thể mang lại cảm giác an toàn nhưng về lâu về dài có thể còn không bù được tỷ lệ lạm phát và nguy cơ mất giá trị là rất cao.
- Thứ hai, khi đầu tư phải có tính liên tục và nhẫn nại. Nếu là nhà đầu tư cá nhân không biết lựa chọn cổ phiếu, có thể lựa chọn các quỹ đầu tư có sự giúp sức hoặc theo sát các quỹ đầu tư có chỉ số lợi nhuận tương đối trên thị trường.
- Thứ ba, việc chuẩn bị tích luỹ, đầu tư vào 3 tài sản lớn của cuộc đời là bảo đảm – dưỡng già – nghỉ hưu được ví như hình ảnh chú rùa dùng số tiền vất vả kiếm được để tiến hành đầu tư dần dần đã giành thắng lợi cuối cùng.
BẮT TAY NGAY VÀO HÀNH ĐỘNG.
Hít một hơi thật sâu, tôi nhận thấy mình phải bắt tay ngay vào chuẩn bị. 33 tuổi mới bắt đầu chuẩn bị tuy hơi muộn nhưng vẫn còn kịp. Đúng là tuổi trẻ phải cật lực mới chuẩn bị được cho sự an nhàn khi về già chứ? Đạo lý đơn giản đó sao tôi cứ né tránh mà không có kế hoạch và thực hiện ngay từ sớm?
Tôi rất biết ơn tác giả đã lan toả những chia sẻ vô cùng quý giá qua cuốn sách Thịnh vượng tài chính tuổi 30. Giá như tôi có thể đọc được cuốn sách này sớm hơn để tận dụng được giá trị to lớn của thời gian và lãi suất kép.
Tôi hy vọng bạn sẽ tìm hiểu sâu hơn thông qua việc đọc cuốn sách Thịnh vượng tài chính tuổi 30 và có thể là những cuốn sách khác có liên quan. Sau đó hãy bắt tay ngay vào chuẩn bị cho 3 tài sản lớn của cuộc đời bạn nhé.