Tôi đã may mắn được chiêm nghiệm triết lý kinh doanh gieo hạt vào một dịp rất tình cờ. Đó là lần tôi ghé cửa hàng mắt kính Owndays định xem qua để mua một cặp kính mới. Sau 15 phút dạo tới dạo lui thì tôi vẫn chưa chọn được cái nào. Điều đáng nói là tôi cũng không hề đề cập với bạn nhân viên về vấn đề của cặp kính cũ. Lý do là cặp kính cũ của tôi được mua ở một nhãn hiệu khác. Thế mà ngạc nhiên là bạn nhận ra và hỏi là tôi có muốn thay phụ kiện mới không?
Chuyện là cặp kính của tôi bị mất một miếng tựa, chính là phần tiếp xúc của gọng kính với sống mũi. Bạn nhân viên Owndays đã gắn miếng tựa mới bên trái và thay luôn miếng cũ bên phải. Tôi vừa hài lòng vừa biết ơn vì cặp kính đã được sửa chữa hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên cũng hơi ái ngại vì mình không mua gì cả. Bạn nhân viên vẫn với nụ cười trên môi bảo với tôi rằng, tôi có thể quay lại bất cứ khi nào cần để Owndays giúp thay phụ kiện và sửa chữa hoàn toàn miễn phí. Đây chính là hạt mầm mà dịch vụ bán hàng của Owndays đã gieo vào lòng một khách hàng.
Có gieo sẽ có gặt và gặt lại rất nhiều
4 quy luật về gieo gặt
Dưới đây là 4 quy luật về gieo hạt được phát hiện và chia sẻ bởi tiến sỹ Geshe Michael Roach. Ông đã ứng dụng 4 quy luật này trong công việc kinh doanh của mình và đạt được thành công đáng kinh ngạc.
- Quả táo đến từ hạt táo
- Bạn luôn nhận được nhiều hơn những gì bạn cho đi
- Có gieo thì có gặt
- Không gieo sẽ không có gặt
Cả bốn quy luật này đều có sự kết nối vững chắc chỉ ra một hướng đi rõ ràng. Đó là bạn hãy cho đi điều bạn muốn nhận về. Nghĩa là hãy bắt đầu với việc gieo hạt mầm. Nếu bạn muốn được yêu thương hãy yêu thương người khác trước. Nếu bạn muốn được lắng nghe thì hãy bắt đầu bằng việc lắng nghe người khác.
Triết lý gieo gặt trong kinh doanh
Còn trong kinh doanh, khách hàng cần người giải quyết vấn đề của họ. Khách hàng không phải mua hàng mà họ trả tiền cho người có thể làm cho cuộc sống của họ tốt hơn. Quyết định mua hàng của cá nhân và thậm chí là tổ chức cũng mang tính cảm xúc. Và đó chính là mảnh đất mà những hạt mầm sẽ nảy thành cây.
Cũng cần lưu ý một điều rằng từ khi gieo hạt đến khi gặt quả cần phải có thời gian. Trong suốt hành trình ấy, chúng ta phải nỗ lực tưới tẩm, chăm sóc. Một khi cây đã nảy mầm, ra hoa rồi kết quả thì bạn chắc chắn nhận về gấp nhiều lần. Tất cả đều bắt nguồn từ những hạt mầm nhỏ bé.
Nhất quán với triết lý gieo hạt
Hành động nhất quán
Nhất quán tức là các hành động thói quen của bạn phải bổ trợ cho triết lý bạn theo đuổi. Còn ở cấp độ tổ chức, bên cạnh đường hướng hoạt động phải nhất quán thì quan trọng hơn là tất cả nhân viên phải thấm nhuần sứ mệnh của công ty. Đặc biệt là những người nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Nếu chính sách quảng bá của công ty chú trọng vào việc gieo hạt, nhưng nhân viên sales chỉ chăm chăm giới thiệu sản phẩm mà không quan tâm đến khách hàng thì chính sách đó chỉ có vẻ bề ngoài.
Những rào cản cần vượt qua
Việc gieo mầm hạt trong kinh doanh khó khăn hơn gieo trồng thực sự ở hai điểm:
- Thứ nhất, những hành động gieo hạt và kết quả là khách hàng mua hàng rất khó đo lường. Bên cạnh đó, chúng ta cũng khó thấy được kết quả trong thời gian ngắn.
- Thứ hai, công ty bị áp lực từ dòng tiền và vòng quay vốn. Cho nên nhiều công ty dù hiểu là cần gieo hạt, cần đặt trọng tâm là khách hàng nhưng sau đó họ không đưa được triết lý gieo hạt vào các hoạt động kinh doanh của công ty.
Mặc dù khó khăn không ít nhưng những doanh nghiệp chú trọng và nhất quán hoạt động với triết lý gieo hạt thì đều nhận lại những thành công nhất định. Đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, tôi thực sự ngưỡng mộ họ ở sự kiên trì và chăm chút vào từng hành động nhỏ hướng đến khách hàng. Những hành động tuy nhỏ nhưng chúng như những hạt mầm gieo vào lòng khách hàng. Và chắc chắn đến một ngày những hạt mầm ấy sẽ thành cây, rồi ra hoa và cho những quả ngọt.