Sáng nay thức dậy bỗng thèm ngất ngây một chén xôi đậu xanh. Mấy lần trước nấu xôi hoặc là nhão hoặc là khô quá. Đã thế còn làm biếng rang đậu phộng. Cái món xôi mà thiếu muối đậu phộng thì như mất nửa linh hồn rồi. Thèm quá thì phải xắn tay vào làm thôi. Lần này phải điềm đạm làm khâu nào ra khâu đó. Lửa với nước phải định lượng vừa đủ, không thừa không thiếu. Đứng bếp mà ngẫm ra triết lý vừa đủ từ nồi xôi đậu xanh.
Vừa đủ nếp, vừa đủ đậu
Tôi nấu xôi bằng nồi cơm điện nên cách nấu sẽ khác với cách mẹ tôi thường làm. Không ngâm nếp trước mấy tiếng như mẹ, tôi vo nếp cho vào nồi là xong. Cái khâu này nói đơn giản vậy chứ cũng phải kỹ lưỡng. Nghĩa là sau khi vo sạch nếp thì chắt hết nước thừa trong nồi ra. Làm sao mà tạo thành một bề mặt khô ráo mịn màng là được. Phải làm như vậy vì nó liên quan đến cái lúc đưa nước nóng và đậu vào.
Đậu xanh vo sạch thì cho vào một nồi riêng để luộc qua. Vì đậu xanh lâu chín hơn nếp nên mới cần công đoạn luộc trước này. Nồi đậu xanh luộc đến khi nước sôi khoảng 5-7 phút là được. Sau đó vớt đậu xanh ra để ráo.
Nếp bao giờ cũng phải nhiều hơn đậu. Như thế mới tạo nên sự vừa đủ, sự hài hoà khi ăn. Xôi đậu xanh ăn mà vừa đủ dẻo của nếp vừa đủ bùi bở của đậu xanh thì mới là tuyệt vời.
Vừa đủ nhiệt, vừa đủ nước
Sau khi đã vo nếp cho vào nồi và ngắm chừng bề mặt đúng chuẩn khô ráo mịn màng thì đến bước cho nước sôi vào. Lấy nồi bắc một ít nước và nấu sôi lên. Lưu ý nấu nước mới chứ đừng tận dụng nước luộc đậu. Sau khi nước đã sôi thì cho nước từ từ vào nồi cơm điện đang có nếp.
Bước này phải từ tốn và cẩn trọng. Đổ nước làm sao mà nước vừa cao hơn bề mặt nếp khoảng nửa lóng tay út. Vì nước nấu xôi là nước sôi nên càng phải ít hơn so với nấu nước nguội. Nhưng nếu ít quá thì xôi cũng dễ bị khô và chín không đều. Lúc đổ nước càng đừng tạo hố trên bề mặt nếp. Làm sao mà nhìn bề mặt nếp và bề mặt nước như hai lớp rau câu mịn màng không hoà vào nhau là đẹp.
Tiếp đến lấy đậu xanh đã luộc và để ráo rải đều trên bề mặt nếp và nước. Rải đều để xôi và đậu có mật độ xen kẽ hài hoà. Viết đến đây tự nhiên lại nhớ đến pha trà đạo của Nhật Bản. Đúng là vừa làm vừa chú tâm tạo sự hài hoà từ mọi chi tiết nhỏ nhất. Uống trà đạo không chỉ uống trà mà còn lại tận hưởng cái không gian và tinh thần của trà.
Ngẫm về triết lý vừa đủ từ nồi xôi đậu xanh
Nồi xôi đậu xanh lúc này đã có nếp, có nước nóng và có đậu xanh. Ba thứ ở ba tầng nối tiếp nhau thật hài hoà. Bạn chỉ cần cắm điện và bật chế độ nấu cơm là được. Chờ đến khi nồi báo nấu xong thì mở nắp và dùng đũa xới đều xôi lên. Nếu cần thì có thể bật lại chế độ nấu một lần nữa để xôi được dẻo hơn.
Như vậy là xôi chín dẻo, đậu xanh cũng bở bùi. Hương thơm của nếp, của đậu nhẹ nhàng mà ấm lòng trong một sáng chớm đông. Ngẫm ra mỗi nguyên liệu đều cần lượng nước và lượng nhiệt khác nhau. Việc kết hợp chúng vào một nồi nấu cần tính đến sự khác biệt ấy. Từ đó các bước chuẩn bị tức là cố gắng thu hẹp dần sự khác biệt. Để đến khi vào chung một nồi, hưởng chung một lượng nước, lượng nhiệt, chúng đều sẽ chín muồi và toả hương.
Kết
Sự vừa đủ tạo nên sự hài hoà. Như hai người yêu nhau quyết định đi đến hôn nhân. Hôn nhân đó hạnh phúc và vững bền là vì mỗi người đều đã là ánh trăng tròn. Họ đều đã tròn và toả sáng. Ấy chính là sự vừa đủ. Bản thân mỗi người nếu đang khuyết thiếu thì kết hợp với ai cũng dễ tạo nên những chông chênh bất ổn.
Đối với tôi sự vừa đủ giống như sự tròn đầy. Thêm nữa cũng không cần thiết và không nên. Nhưng bớt đi một chút lại cũng không phải. Và cảm nhận hay tạo ra sự tròn đầy là từ suy nghĩ cũng như hành động của mỗi người. Đây cũng là một hành trình chúng ta phải trải nghiệm triết lý vừa đủ để dần tròn đầy.
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Sống 365 tại đây: