Trong các thức uống thì rượu mang trong mình yếu tố văn hoá lâu đời nhất. Nghĩa là cách thức uống rượu của mỗi quốc gia chịu ảnh hưởng rõ nét của lịch sử quốc gia ấy. Văn hoá uống rượu có sự khác biệt giữa Âu và Á, giữa phương Tây và phương Đông. Thậm chí giữa các quốc gia gần nhau về mặt địa lý cũng có đôi phần sai biệt. Mặc dù ngày này văn hoá đã có sự hội nhập rất lớn nhưng bản sắc của mỗi nền văn hoá vẫn được bảo tồn. Hãy cùng tìm hiểu sự khác biệt trong văn hoá uống rượu giữa Ta và Tây nhé.
Sự khác biệt trong văn hoá uống rượu
Trong quan niệm xưa, rượu là dành cho đàn ông
Trong văn hoá Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thì rượu được coi là công cụ giao tiếp. Đặc biệt hơn, từ rất xa xưa thì ở Việt Nam rượu được xem là dành cho đàn ông. Vì thuở ấy nói đến uống rượu là uống thứ rượu rất nặng. Mỗi lần uống, rượu được rót vào từng chén rất nhỏ (chừng khoảng 15-25ml). Và chẳng mấy ai rời khỏi bàn nhậu mà còn tỉnh táo cả. Cũng là vì đàn ông nên có thể đi nhậu và say sưa. Còn chuyện nhà cửa con cái đã có phụ nữ lo.
Ngày nay ở Việt Nam vẫn còn thấy rất đậm nét hình ảnh những bàn nhậu của cánh đàn ông. Thường sau giờ tan tầm họ sẽ vào quán nhậu, gọi vài ve bia hoặc 1-2 chai rượu để bàn chuyện anh em. Vì rượu được coi là công cụ kết nối nên đã uống là phải uống thật lòng. Vào bàn nhậu tiêu chí uống phải là từ ngà ngà say trở lên. Các cụ xưa còn quan niệm lời nói của kẻ say luôn là (lỡ) lời thật lòng. Còn các anh em ngày nay thì “phải xỉn một tí mới dễ nói chuyện”.
Rượu không hẳn là thức uống mà là công cụ
Thuở ấy nhà nhà đều trồng lúa nên rượu lẽ dĩ nhiên sẽ làm từ gạo hoặc nếp là chính. Gạo sẽ được lên men, sau đó đem chưng cất và cho ra mẻ rượu nồng độ thường từ 30 trở lên. Loại rượu này khác với vang vì vang là rượu không qua chưng cất. Rượu gạo không tính tuổi, cũng chẳng cần phải ướp lạnh hay yêu cầu bày biện phức tạp. Khi uống, rượu cứ thế được rót vào chén nhỏ và nâng chén uống cạn.
Người Việt khi uống rượu luôn rất chú trọng vào mục tiêu giao tiếp. Thứ tự tuổi tác, vai vế, địa vị trong bàn tiệc là rất quan trọng.
Người nhỏ tuổi hoặc có địa vị thấp hơn phải là người rót rượu. Khi cụng ly thì ly của người ấy phải để ở vị trí thấp hơn.
Có thể nói là trong những bàn tiệc như vậy thì rượu không phải là thức uống. Mà nó là công cụ để xây dựng mối quan hệ.
Người phương Tây chú trọng vào cảm thụ thưởng thức
Trong khi đó, ở các nước phương Tây thì khi uống rượu họ chú trọng phần nhiều vào việc thưởng thức. Đó là lý do mà ta thường thấy họ phân chia trình tự uống các loại rượu để tăng cảm thụ hương vị. Ví dụ họ chia ra loại uống trước khi ăn, trong lúc ăn và sau khi ăn xong. Các loại vang trắng, vang nhẹ hoặc vang ít tuổi sẽ được thưởng thức vào đầu buổi tiệc. Trong khi đó các loại vang đỏ, vang nặng hoặc vang nhiều năm tuổi sẽ được uống sau và gần về cuối buổi tiệc. Tây họ còn chia ra các loại ly thuỷ tinh có độ cao, hình dạng và độ dày thành ly khác nhau cho phù hợp với từng loại rượu.
Khác biệt trong văn hoá uống rượu đến từ đâu?
Yếu tố văn hoá làng xã
Yếu tố chính tạo nên nét đặc trưng trong văn hoá uống rượu của người Việt Nam có lẽ đến từ văn hoá làng xã. Mỗi ngôi làng đều có cổng làng và đình làng, tách biệt với những làng khác bằng thành luỹ tự nhiên từ tre nứa. Vậy mới có câu cuộc đời của một người không thoát được khỏi luỹ tre làng. Ý chỉ là người đó suốt cả cuộc đời chỉ quanh quẩn sinh hoạt và làm việc trong phạm vi ngôi làng của mình. Thế nên sẽ có những cuộc trò chuyện loanh quanh về những sự việc trong làng. Và những cuộc trò chuyện này không thể thiếu, hoặc là rượu hoặc là trà.
Yếu tố kinh tế lấy nông nghiệp làm chủ đạo
Yếu tố thứ hai là người Việt Nam thuở xa xưa đã lấy nông nghiệp làm chủ đạo. Cả gia đình sống dựa vào cây lúa là chính. Việc làm nông thường được gọi là làm vụ mùa. Ví như lúa phải trồng theo vụ, có thể là từ 2 đến 3 vụ một năm. Mỗi vụ mùa sẽ yêu cầu nhiều lao động nhất vào lúc gieo hạt và khi thu hoạch. Điều đó có nghĩa là người nông dân sẽ bận rộn nhất vào đầu và cuối vụ. Thời điểm giữa của mỗi vụ mùa sẽ khá là thảnh thơi. Mà khi có thời gian thì gặp nhau uống vài ba ly rượu đã trở thành hoạt động thư giãn của cánh đàn ông.
Yếu tố về giới: trọng nam khinh nữ
Yếu tố thứ ba là trong gia đình, làng xã Việt Nam xưa thì vai trò của người đàn ông luôn được đề cao hơn người phụ nữ. Đàn ông sẽ phụ trách những công việc nặng nhọc nhất. Phụ nữ sẽ lo việc nhà cửa, con cái, heo ca gà vịt, bếp núc. Đàn ông cũng sẽ lo việc lễ lạc, cúng kiếng, giao đãi với chòm xóm. Còn phụ nữ có nơi còn bị cấm kỵ lên gian nhà trên, nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Có thể nói phụ nữ bị buộc phải gắn với gian bếp sau nhà. Còn đàn ông luôn gắn với gian nhà chính, nơi tiếp khách đến thăm.
Chính vì ba yếu tố nói trên đã tạo nên văn hoá uống rượu của người Việt. Rượu là để đãi khách và người đại diện giao thiệp khách khứa ở mỗi gia đình luôn là người đàn ông. Thế nên chỉ có đàn ông mới uống rượu.
Đến tận ngày nay rượu bia vẫn được xem là biểu tượng dành riêng cho phái mạnh. Rượu được xem là chất xúc tác để gắn chặt tình hữu hảo trong cộng đồng làng xã thời xưa và cộng đồng anh em bạn bè ngày nay.
Hội nhập và thích nghi trong văn hoá uống rượu
Giữa xưa và nay đã có đôi chút thay đổi
Văn hoá uống rượu của người Việt ngày nay cũng đã khác với ngày xưa. Có thể nói đó là sự chuyển tiếp giữa nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Những người trẻ đã chú trọng nhiều hơn vào việc thưởng thức và trải nghiệm cá nhân. Đối với họ uống rượu không phải chỉ là để giao thiệp, để vui vẻ mà còn phải là cảm thụ với thức uống nữa.
Trong khi đó những người của thế hệ trước, họ vẫn uống vì giao thiệp nhưng đã bớt đi phần nào kiểu uống thúc ép nhau. Họ đã quan tâm nhiều hơn tới sức khoẻ của chính mình và cả cảm thụ của những người khác. Tuy rằng vẫn còn những hợp đồng kinh doanh, những mối quan hệ được xây dựng trên bàn nhậu. Đây là một điểm vẫn cần lưu ý khi đi làm ăn, không riêng với Việt Nam mà cả các nước trong khu vực châu Á (vd: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Vì biết rõ văn hoá và thói quen của đối tác để đối đãi cho phù hợp thì mọi chuyện đều suôn sẻ.
Văn hoá uống rượu cũng đã hội nhập
Phải nói rằng hội nhập kinh tế cũng dẫn đến hội nhập về văn hoá. Các doanh nghiệp phương Tây khi đến Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến văn hoá doanh nghiệp, phương thức làm kinh doanh mà cả tư duy mới về việc uống rượu.
Cũng nhờ vậy mà người Việt khi làm ăn với các đối tác phương Tây thì chỉ cần chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy quy trình sản xuất hiệu quả. Những hợp đồng sẽ được ký trên bàn làm việc chứ không phải là bàn nhậu. Đây là một thay đổi tích cực và đáng mừng.
Uống lành mạnh, uống văn minh
Vậy thì đối với bạn, khi vào bàn tiệc bạn sẽ uống như thế nào? Bạn có uống đến say và trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi kéo dài đến ngày hôm sau? Hay bạn sẽ giữ được sự cân bằng giữa thưởng thức và giao tiếp, giữa cảm giác lâng lâng tức thời và trách nhiệm với sức khoẻ về lâu về dài? Bạn có thấy mình cũng có thay đổi so với cách uống rượu của thế hệ trước chứ? Những câu hỏi này tôi để bạn tự trả lời. Hy vọng rằng chúng ta có thể góp phần làm cho văn hoá uống rượu trở thành một văn hoá lành mạnh.
Mời các bạn đọc các bài viết cùng chuỗi chủ đề Sống 365: