Trước đây tôi từng nghĩ mình nên là một người bạn đồng hành cùng con. Tôi cho rằng để cho con mình hạnh phúc thì tôi nên chơi với con như một người bạn đồng trang lứa. Nhưng khi con tôi lên 4, tôi mới nhận ra rằng có những lý do khiến bố mẹ không thể và cũng không nên trở thành bạn đồng trang lứa với con. Hãy cùng valueyourday khám phá 3 lý do vì sao bố mẹ và con cái không nên trở thành bạn đồng trang lứa.
Niềm vui hay điều ngạc nhiên giữa con trẻ và bố mẹ
Sự khác biệt về thế hệ
Bố mẹ có độ tuổi lớn hơn và nhiều trải nghiệm hơn con trẻ. Đây là điều rất hiển nhiên. Vì vậy có rất nhiều trò chơi, điều thú vị mà cảm xúc của bố mẹ sẽ không thể mạnh như của con.
Một đứa trẻ 1-2 tuổi sẽ rất hứng thú với trò ú-oà. Bé có thể cười khanh khách suốt với chỉ một trò chơi này. Lớn hơn nữa đến 3-4 tuổi, trẻ có thể chơi trò chơi xếp lego, làm lều trại trong nhà. Trẻ sẽ rủ bố mẹ chơi cùng, chơi đi chơi lại một trò chơi nào đó. Đa phần các trò chơi của trẻ là những trò chơi cần trí tưởng tượng. Tưởng tượng những nhân vật mới, những hoàn cảnh khác lạ.
Đa phần những điều mà trẻ háo hức tò mò khám phá thì người lớn đều đã trải qua. Vì vậy chúng ta với vai trò là bố mẹ sẽ thường phải giả vờ háo hức khi chơi cùng trẻ. Đương nhiên chúng ta làm vậy để con của chúng ta vui vẻ. Bằng một cách nào đó niềm vui của trẻ cũng lan toả sang bố mẹ. Nhưng lũ trẻ sẽ sớm nhận ra điều này.
Khi trẻ có người bạn đồng trang lứa
Trẻ đồng trang lứa sẽ có cùng những tò mò về thế giới xung quanh. Đối với chúng, những trải nghiệm đều là mới mẻ.
Trẻ sẽ có cùng niềm hứng thú và thậm chí là ngạc nhiên về một trải nghiệm nào đó. Đây là những cảm xúc thật và khi được chia sẻ cùng nhau chúng sẽ càng gia tăng niềm vui.
Khi chúng ta là trẻ con, chúng ta thích có thế giới riêng. Đó là thế giới không có luật lệ, ngăn cấm hay khuyên răn của người lớn. Và bây giờ con cái chúng ta cũng vậy. Lũ trẻ thích một thế giới riêng nơi mà chúng có tự do để làm những điều chúng thích. Vì vậy, con trẻ sẽ tìm một người bạn có thể cùng tham gia vào thế giới riêng ấy. Và đương nhiên, người bạn ấy không thể là bố mẹ.

Tuy chúng ta không thể là bạn đồng trang lứa cùng con suốt thời gian. Nhưng chúng ta có thể là bạn đồng trang lứa với con trong một trò chơi hay hoạt động nào đó. Điều kiện là chỉ cần chúng ta thực sự hiện diện trong khoảng thời gian chơi cùng con.
Chúng ta chơi vì chúng ta muốn vậy và điều đó khiến chúng ta vui. Khi đó chúng ta và con trẻ cùng hoà vào một bầu không khí chơi đùa vui vẻ thực sự.
Chủ đề nói chuyện giữa con trẻ và bố mẹ
Sự khác biệt về trách nhiệm
Trong hầu hết các cuộc trò chuyện với con trẻ thì bố mẹ đều có vai trò định hướng. Bố mẹ sẽ hướng dẫn con các quy tắc để sống trong các môi trường khác nhau. Ví dụ như trong môi trường lớp học, nơi công cộng, nhà hàng hay khu vui chơi… Những quy tắc đôi khi khiến trẻ con ngột ngạt.
Trách nhiệm của bố mẹ là giúp con được an toàn và làm quen với các quy tắc của xã hội. Trong khi đó, con trẻ sẽ khó có thể hiểu được vì sao lại có quá nhiều quy tắc như vậy. Ví dụ như đi đến khu chơi cát mà mẹ dặn dò là hãy chơi cho sạch sẽ nha con. Đi đến bữa tiệc sinh nhật thì trẻ được dặn dò là hãy vui vẻ và cư xử thật đúng mực.
Có phải đôi lúc chính bố mẹ cũng mâu thuẫn trong các quy tắc áp đặt cho con cái. Làm sao có thể chơi cát mà vẫn sạch sẽ? Làm sao mà có thể thoải mái vui đùa mà vẫn phải cư xử đúng mực? Chúng ta với vai trò là người làm bố làm mẹ, thường quá lo lắng về trách nhiệm nuôi dạy con thành người đúng mực. Vì vậy ngoài các luật lệ của xã hội, chúng ta còn đặt thêm rất nhiều quy tắc khác nữa.
Bạn có thể tìm đọc về bài viết cùng chủ đề Nuôi dạy con dưới đây:
Khi trẻ có người bạn đồng trang lứa
Trẻ và bạn của mình có chung mối quan tâm và niềm say mê khám phá tương đồng nhau. Lũ trẻ có thể vừa chơi trò chơi đóng giả làm bố mẹ hay thầy cô và cười khằng khặc vì khoái chí. Chúng có chung chủ đề để gossip. Ví dụ như trẻ đi học mầm non sẽ có những chuyện về bạn này biếng ăn, bạn kia bị cô phạt. Trẻ học cấp 1 thì gossip bạn này đánh bạn kia bị lên phòng giám hiệu viết bản tường trình. Vân vân và mây mây.
Lũ trẻ còn chia sẻ với nhau về cùng mỗi một nỗi lo. Ví dụ như nỗi lo trước kì thi, hay sợ bị dò bài. Chúng còn chia sẻ với nhau những niềm vui, niềm hứng khởi về những chuyện xảy ra ở trường, ở lớp. Đây chính là điều hay ho khi con trẻ có bạn đồng trang lứa.
Rồi lớn hơn nữa, lũ trẻ tâm sự với nhau về những rung động đầu đời, những thay đổi về tâm sinh lý.
Những chủ đề như vậy bố mẹ đâu thể nào gossip cùng con, đúng không? Thậm chí nếu bố mẹ sẵn sàng trò chuyện thì con cái cũng chưa chắc thoải mái để thổ lộ.
Mức năng lượng của bố mẹ và của con trẻ
Sự khác biệt về năng lượng hay sức khoẻ
Trẻ con ít điều phải lo nghĩ hơn người lớn. Chúng hoàn toàn tập trung năng lượng vào điều chúng làm, vào trò chơi chúng đang chơi. Và lúc nào chúng ta cũng cảm giác con trẻ tràn đầy năng lượng.
Con trẻ có thể hào hứng nhảy nhót chơi đùa suốt ngày. Người lớn chúng ta thì không? Chúng ta có quá nhiều thứ phải lo nghĩ. Sức khoẻ cũng như những ràng buộc xã hội không cho phép chúng ta vui đùa suốt ngày như con trẻ.
Bố mẹ không chỉ khác con trẻ về mức năng lượng mà còn khác ở độ tươi mới của nguồn năng lượng. Chính điều này khiến trẻ có bản năng tìm kiếm người bạn không những giống trẻ về nguồn năng lượng mà còn giống cả mức năng lượng nữa.
Khi trẻ có người bạn đồng trang lứa
Khi lũ trẻ học tập hay chơi đùa cùng nhau, chúng ta nhận thấy nguồn năng lượng cộng hưởng. Chúng tạo ra bầu không khí gắn kết lẫn nhau nhưng tách biệt với thầy cô hay bố mẹ.

Chúng ta hãy tôn trọng bầu năng lượng này. Hãy để trẻ được thoải mái là chính mình, được thoải mái kết bạn. Bố mẹ hãy xoá bỏ những định kiến áp đặt con cái. Chúng ta đóng vai trò là người định hướng.
Nhưng sau đó, hãy tạo không gian để con trẻ tự do trưởng thành. Lũ trẻ có thể làm bất cứ điều gì chúng thích miễn là không ảnh hưởng đến người khác. Hãy dạy cho con hành động an toàn chứ đừng ngăn cấm chúng hành động.
Bố mẹ hiểu rằng chúng ta không thể và không nên là bạn đồng trang lứa với con. Nhưng bố mẹ có thể và nên là một người bạn đáng tin cậy của con. Con có thể tin tưởng trút bầu tâm sự với bố mẹ. Con có thể tìm đến bờ vai của bố mẹ để dựa vào, hay đơn giản là để được an ủi vỗ về.
Chúng ta hãy quý trọng và dành hoàn toàn sự tập trung trong thời gian với con. Đó có thể là những cuộc trò chuyện, những trò chơi. Hãy hoàn toàn hiện diện, hãy vui vẻ, hào hứng xuất phát từ cảm xúc thật sự. Khi đó, con cái sẽ cực kỳ thích thú và tự hào vì có một người bạn như vậy.
Bạn có thể tìm đọc các bài viết về chủ đề Chuyện Nhà tại đây:
https://valueyourday.com/category/chuyen-nha-chuyen-gia-dinh/