Tôi bắt đầu học tiếng Anh một cách thật sự là vào năm nhất của đại học. Sau đó ra trường, tôi vào làm cho một công ty đa quốc gia. May mắn tôi được làm việc trực tiếp với một người sếp nước ngoài trong suốt 3 năm. Chính nhờ thời gian này mà khả năng nói tiếng Anh của tôi đã trở nên lưu loát. Cách đây 2 năm tôi bắt đầu học thêm tiếng Hoa và bây giờ đã có thể sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Và gần đây tôi đã bắt đầu học thêm tiếng Hàn. Tôi đã gặp phải những khó khăn nhất định. Nhưng tôi đã tự mày mò và thử nghiệm một số tips hữu ích để vượt qua khó khăn khi học song song 2 ngoại ngữ.
#Tip số 1: Bắt đầu với 1 ngoại ngữ trước
Hãy bắt đầu với một ngoại ngữ trước. Trong trường hợp của tôi là tiếng Hoa. Tôi đã có một mức độ căn bản về vốn từ tiếng Hoa. Khi đã có thể sử dụng tiếng Hoa trong giao tiếp đơn giản hàng ngày. Lúc này tôi mới bắt đầu học tiếng Hàn. Điều này sẽ giúp giảm áp lực cũng như sức nặng khi phải học hai thứ tiếng cùng một lúc.
Bạn có thể hình dung mỗi thứ tiếng đều phải bắt đầu với bảng chữ cái và những ngữ pháp cơ bản. Giai đoạn đầu của việc học ngôn ngữ sẽ rất áp lực vì khi đó bạn chưa dùng được nó, dù là một câu đơn hoàn chỉnh. Vì vậy nếu bắt đầu cả 2 ngoại ngữ mới cùng một lúc thì áp lực sẽ tăng gấp đôi, thậm chí là gấp nhiều lần so với việc bạn bắt đầu trước với chỉ 1.
#Tip số 2: Chọn ngoại ngữ thứ 2
Khi bạn đã có một vốn liếng kha khá cho ngoại ngữ thứ nhất thì bạn có thể bắt tay vào học ngôn ngữ thứ 2. Lúc này bạn sẽ học song song 2 ngoại ngữ. Xuất phát điểm của bạn ở mỗi ngoại ngữ là khác nhau. Do đó mục tiêu sẽ là khác nhau. Nếu bạn mong muốn bắt đầu học gần như cùng một lúc 2 ngoại ngữ thì lời khuyên là hãy chọn 2 ngôn ngữ ít có sự tương đồng. Ví dụ nếu bạn mới học tiếng Anh thì không nên học cùng với tiếng Pháp hay Tây Ban Nha. Lý do là giữa các ngôn ngữ này có những cụm từ gần giống nhau dễ gây nhầm lẫn.
Tôi lên kế hoạch dành cho một ngoại ngữ mới ít nhất là nửa năm rồi mới bắt đầu ngoại ngữ tiếp theo. Hiện tại thì mục tiêu của tôi đối với tiếng Hoa là học thêm nhiều chủ đề khó hơn. Bên cạnh đó tôi còn luyện đọc các bài viết có độ dài 300-500 chữ bằng tiếng Hoa. Với tiếng Hàn thì tôi đang ở vạch xuất phát. Do đó mục tiêu của tôi là học bảng chữ cái Hangeul trước. Tiếp đó mới học các từ vựng cơ bản và các câu đơn giản cho giao tiếp hàng ngày.
#Tip số 3: Tránh việc học chồng chéo
Bạn nên có khung giờ cố định và tách biệt nhau cho 2 ngoại ngữ. Hoặc bạn có thể học gần nhau nhưng phải có 10-15 phút nghỉ giữa hiệp. Đây là khoảng thời gian cần thiết để não bạn nghỉ ngơi và làm mới. Tôi thường gọi đó là thời gian bật-tắt công tắc chuyển (ngôn) ngữ.
Bạn nên sử dụng các phương tiện khác nhau để học hay thực hành các ngoại ngữ khác nhau. Tuỳ thuộc vào khả năng thành thạo đối với từng ngôn ngữ và sở thích của bạn để lựa chọn. Ví dụ như tôi dùng tiếng Anh để đọc sách và tìm kiếm thông tin về học thuật. Còn tiếng Hoa dùng để xem phim, đọc truyện ngắn. Trong khi đó tiếng Hàn dùng khi xem các chương trình truyền hình thực tế hoặc nghe nhạc (Black Pink).
#Tip số 4: Thực hành tất cả ngoại ngữ bạn có mỗi ngày
Mức độ lưu loát thành thạo của một ngôn ngữ được quyết định bởi thời gian thực hành của bạn. Bạn nói càng nhiều thì bạn càng giỏi. Bạn dùng càng nhiều thì bạn càng thuần thục. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đến việc tránh sử dụng chồng chéo các ngôn ngữ, tương tự như khi bạn học. Khi bạn học nhiều ngoại ngữ, bạn có thể gặp tình huống muốn nói 1 câu gì đó thì các cụm từ bằng các thứ tiếng chắp nối lại với nhau. Hậu quả là bạn không nói được một câu hoàn chỉnh bằng một thứ tiếng nhất định.
Hãy tạo ra những khoảng thời gian hoặc sự kiện, đối tượng khác nhau cho việc thực hành ngoại ngữ. Tuyệt vời nhất là bạn có thể tìm 2 người bạn là người bản xứ của 2 ngoại ngữ bạn đang học. Hoặc bạn cũng có thể tham gia các cộng đồng học ngoại ngữ để trò chuyện trực tuyến. Nguyên tắc tách bạch cũng áp dụng cho trường hợp bạn thực hành một mình bằng cách độc thoại hoặc suy nghĩ bằng ngoại ngữ mình đang học. Hãy tách biệt chủ đề để thực hành cho mỗi ngoại ngữ. Sau khi đã thuần thục ở mỗi chủ đề thì mới hoán đổi.
Tạm kết
Học 2 hay 3 ngoại ngữ cùng một lúc có nhiều khó khăn nhưng cũng đầy thử thách thú vị. Hãy đặt những viên đá nền tảng với 1 ngoại ngữ trước, tiếp đó mới bắt đầu học thêm 1 ngoại ngữ nữa. Điều này giống như là hành trình nối tiếp nhau, ngôn ngữ quen sẽ dẫn đường cho ngôn ngữ lạ. Cứ vậy cứ vậy mà ta có thể bước đi vui vẻ trên con đường khám phá thế giới. Học là phải vui, chính niềm vui mới tạo được động lực để ta kiên trì mỗi ngày. Từng ngày từng bước tiến lên, dấu chân ta sẽ in dấu trên vạn dặm địa cầu. Hãy học để có vốn liếng đi thật xa, đi thật nhiều và phụng sự cho thế giới.
Bạn có thể đọc các bài viết về chủ đề Hành Trình Khai Minh tại đây: