Buồn chán là một cảm giác của con người. Và cảm giác này thường xuất hiện ở một trong hai trường hợp. Thứ nhất là khi bạn có những khoảng thời gian rảnh mà chẳng có kế hoạch cụ thể. Thứ hai là bạn bị mất tập trung, mất đi niềm say mê với chính công việc mình đang thực hiện. Tình trạng này nếu để về lâu về dài thì không chỉ ảnh hưởng tới kết quả công việc mà cả chất lượng cuộc sống của bạn. Vậy nguyên nhân thật sự của buồn chán là gì? Làm thế nào để vượt qua sự buồn chán và chuyển hoá trải nghiệm cảm xúc ấy thành năng lượng tích cực?
Vì sao bạn buồn chán?
Chúng ta thường buồn chán với những điều lặp đi lặp lại. Đặc biệt là trong những khoảng thời gian chúng ta chỉ có một mình. Bản năng của con người chứa đựng hai mặt đối lập như thế này. Khi chúng ta đạt được điều gì đó, và rồi khi nó trở nên quá quen thuộc thì cảm giác buồn chán xuất hiện. Con người sẽ lại đi tìm kiếm những cái mới. Thế nhưng trong hành trình dài hướng tới mục tiêu mới thì chẳng phải lúc nào cũng thành công, cũng vui vẻ. Con người ấy sẽ lại thấy chán nản muốn bỏ cuộc.

Nguyên nhân thật sự của cảm giác buồn chán đến từ cả bên trong và bên ngoài. Bên trong nghĩa là bạn đang không có kế hoạch sử dụng thời gian cụ thể.
Còn nguyên nhân bên ngoài là hoàn cảnh quen thuộc mà chúng ta tiếp xúc mỗi ngày. Sự quen thuộc sẽ dẫn đến cảm giác yên tâm nhưng sau đó là nhàm chán. Đó là điều hiển nhiên!
Ngay cả những người có mục tiêu nhưng vì hành trình đi quá dài, cũng có lúc họ quên mất lý do khiến họ bắt đầu. Vì vậy mà việc lên kế hoạch theo ngày, tuần và tháng sẽ giúp chúng ta không lạc hướng.
Buồn chán cũng có lợi ích. Hãy tận dụng!
Bạn có thấy mỗi khi buồn chán bạn sẽ thu mình lại vào một góc. Ngày nay góc nhỏ ấy chính là chiếc điện thoại thông minh. Nó cho bạn một thế giới ảo có thể khoả lấp tất cả thời gian chẳng biết làm gì. Tuy nhiên điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn. Nghĩa là nếu buồn chán thì bạn lướt điện thoại. Khi lướt điện thoại càng nhiều bạn lại càng cảm thấy buồn chán, trống rỗng.
Ít người biết rằng buồn chán là một trạng thái nghỉ ngơi của não bộ. Đó thường là khi bạn vừa hoàn tất một dự án dài hơi hoặc một công việc khó khăn. Đó cũng có thể là những khoảng thời gian trống mà bạn chưa (hoặc không) lên kế hoạch sử dụng cụ thể. Những lúc này sẽ có một vài nhóm nơ-ron hoạt động ít tích cực hơn. Các nhóm nơ-ron được sử dụng nhiều để giải quyết vấn đề sẽ cần nghỉ ngơi khi bạn hoàn thành công việc. Và khi đó, các nhóm nơ-ron chuyên về hồi tưởng, cảm xúc sẽ bắt đầu thực hiện chức năng của mình.
Chuyển hoá cảm xúc, sẵn sàng bước tiếp.
Sự chuyển tiếp qua lại giữa trạng thái hoạt động-nghỉ ngơi của nơ-ron thần kinh cũng tương tự như cơ bắp của chúng ta. Sau mỗi khoảng hoạt động tích cực, chúng đều cần được nghỉ ngơi. Vì vậy hãy lắng nghe các tín hiệu của cơ thể. Điều quan trọng là cân đối thời gian phù hợp với trạng thái sức khoẻ của bạn. Hoạt động và nghỉ ngơi là hai trạng thái bổ trợ lẫn nhau. Có hoạt động mới có nghỉ ngơi và phải có nghỉ ngơi mới có năng lượng cho các hoạt động tiếp diễn.

Những khi buồn chán hãy thay đổi trạng thái hoặc hoàn cảnh hiện tại của bạn. Thay đổi dù chỉ chút ít cũng mang lại năng lượng tươi mới.
Nếu bạn đang ở nhà buồn chán, hãy ra ngoài. Hãy đến gần với thiên nhiên hơn. Thiên nhiên có khả năng chữa lành một cách kỳ diệu.
Còn nếu bạn vẫn muốn ở trong nhà? Vậy hãy vận động bằng một bài tập thể dục. Hoặc bạn cũng có thể sắp xếp lại nhà cửa để tạo ra một vài thay đổi nho nhỏ.
Bạn thậm chí có thể sử dụng khoảng thời gian rảnh rỗi để hồi tưởng những điều mới mẻ mình học được trong ngày.
Key Takeaways
Hãy lên kế hoạch sử dụng thời gian cụ thể. Đừng bỏ lơ những khoảng thời gian rảnh ngắn. Chúng thực sự có thể là đòn bẩy giúp bạn đạt được mục tiêu một cách dễ dàng hơn. Nếu sự buồn chán xuất hiện, đó cũng là một điều tốt. Vì bạn nhận được tín hiệu rằng cơ thể đang cần nghỉ ngơi. Điều quan trọng là đừng nghỉ ngơi lâu hơn mức cần thiết. Đừng để sự buồn chán nhấn chìm bạn và cuối cùng bạn chọn cách giết thời gian bằng những giờ đồng hồ vô bổ trên mạng xã hội.
Hãy luôn tự nhắc nhở mình về lý do lớn lao cho hành trình bạn đã chọn. Thay vì nuối tiếc về chuyện đã xảy ra thì hãy hành động hướng đến tương lai. Cuộc đời của mỗi người sẽ không tránh khỏi những ngày buồn chán, trống rỗng. Đây là trạng thái hoàn toàn tự nhiên như cách chuyển tiếp giữa hoạt động và nghỉ ngơi. Hãy chấp nhận thay vì lảng tránh hay cố tìm thứ gì đó khoả lấp. Từ đó bạn mới tìm kiếm được những mặt lợi ích của sự buồn chán để chuyển hoá năng lượng và tiếp tục hành trình.
Mời các bạn tìm đọc các bài viết về chủ đề Hành Trình Khai Minh: