Tôi từng đọc một cuốn sách của một tác giả người Nhật nói về sự học. Người đó nói rằng lúc còn nhỏ nhìn ngọn núi ở quê nhà thì thấy đó đúng là núi. Đến khi trưởng thành xa nhà đi học, đi làm thì thấy núi không phải là núi. Nhưng đến lúc về già, người ấy thấy ngọn núi lại chính là ngọn núi thuở nào. Lúc đó, tôi đọc đi đọc lại cuốn sách mà vẫn chẳng thể hiểu được ý tứ của tác giả. Sau này tôi mới nhận ra cũng chính là ngọn núi nhưng cách nhìn của người quan sát thay đổi. Chúng ta phải trưởng thành va vấp rồi mới tìm về lại cách nhìn nhận bản chất nguyên sơ của sự vật. Vì không hề có con đường tắt nào trên hành trình học tập trọn đời.
Cách nhìn của trẻ con, cách nhìn của người lớn
Trẻ con nhìn mọi thứ với cặp mắt thuần khiết. Chúng nhìn thấy bản chất của sự vật một cách tự nhiên không cần cố gắng. Khi nhìn ngọn núi, đứa trẻ chỉ thấy đó là một ngọn núi với cây cỏ và muông thú. Đứa trẻ cảm nhận sự vật bằng các giác quan cho đến khi được người lớn dạy cách gọi tên sự vật. Kiêu hãnh và định kiến chỉ hình thành khi đứa trẻ học cách hoà nhập vào xã hội chung quanh.
Người lớn có quãng thời gian tích luỹ dài hơn một đứa trẻ. Người lớn có quá khứ trong khi đứa bé thì không. Chính quá khứ của một người đã làm cho cách nhìn ngọn núi thay đổi. Người lớn thấy núi không phải là núi mà nó gắn với những cảm xúc yêu ghét, những lo lắng đau thương trong cuộc đời người đó. Cũng như với một người xa quê thì ngọn núi chính là hình ảnh của quê nhà mỗi khi nhớ về.
Không có đường tắt trong sự học trọn đời
Những đứa trẻ đều sẽ phải lớn lên. Những người lớn rồi sẽ già đi. Đó là cách mà thời gian vận hành. Và vì vậy chúng ta sẽ luôn phải tiến bước chứ không thể quay lại. Chúng ta cũng không thể rút ngắn tiến trình vì đó là quỹ đạo dịch chuyển của tự nhiên. Cũng như trong hành trình học tập trọn đời, bạn không thể tìm thấy lối tắt nào.
Chúng ta luôn bắt đầu với góc nhìn của một đứa trẻ, đơn sơ và thuần khiết. Rồi chúng ta học cách chung sống với thế giới chung quanh, từ đó mà trưởng thành. Khi đã hiểu mọi ngóc ngách của núi cũng là lúc ta nhìn thấu chính mình. Lúc ấy, ta mới nhận ra ngọn núi thuở ta còn bé vẫn luôn là ngọn núi ấy, kệ ta vui buồn hay yêu ghét.
Hành trình học tập là hành trình đánh mất đứa trẻ trong mỗi người để tìm lại. Chúng ta phải trưởng thành va vấp rồi mới tìm về được cách nhìn nhận bản chất nguyên sơ của sự vật. Để làm được điều đó, chúng ta phải không ngừng học hỏi. Học những điều mới để nhìn nhận lại bản thân. Từ đó chúng ta mới luôn tiến bước, để độ tuổi lớn hơn cũng đồng nghĩa với sự trưởng thành. Hãy học với niềm đam mê hăm hở của một đứa trẻ và sự điềm tĩnh thông thái của một người già.
Hãy quan sát như một đứa trẻ và nhìn nhận như một người già
5 giai đoạn của tiến trình nhìn nhận vạn vật
Cố thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng, khi nhìn nhận bất cứ một sự vật hay sự việc nào đó, chúng ta thường trải qua 5 giai đoạn. Đó là giai đoạn tiếp xúc, đến cảm nhận, rồi chú ý, nhận thức và cuối cùng là ý định (contact->feeling->attention->perception->volition). Đứa trẻ thường dành nhiều thời gian ở 2 giai đoạn đầu. Chúng cảm nhận bằng cách nhìn thật kỹ, sờ, thậm chí là nếm. Người lớn chúng ta thường lướt qua rất nhanh cả 3 giai đoạn đầu để nhảy ngay vào nhận thức và ý định.
Có đôi khi chúng ta biết mình có nhận thức sai nhưng đa phần thì không. Đó chính là những điểm mù, nghĩa là chúng ta không biết điều mình không biết. Thậm chí, nhiều lúc chúng ta biết mình sai nhưng ý định thực hiện lại lớn đến nỗi khiến chúng ta lập tức hành động. Để rồi sau đó chúng ta nuối tiếc và ân hận vì những sai lầm mình gây ra.
Học bằng sự hăm hở của một đứa trẻ và sự chín chắn của người già
Những người già, họ đã đi qua một quãng đường rất dài. Những chuyện họ gặp, những điều trải qua đều nhiều hơn cả đứa trẻ và người lớn cộng lại. Họ có sự điềm tĩnh và nhờ vậy mà họ chậm rãi trải qua 5 giai đoạn của việc nhìn nhận sự vật. Những quyết định mà họ đưa ra thường được cân nhắc rất kỹ càng. Họ không chỉ nhìn bề mặt mà còn nhìn sâu vào bên trong.
Nhưng quan trọng hơn, người già học được cách tôn trọng bản chất nguyên sơ của vạn vật chung quanh. Vì vậy hãy học ở người già sự nhìn nhận điềm tĩnh. Cộng thêm vào đó là học cách quan sát cùng sự hăm hở khám phá thế giới từ trẻ con. Chẳng có con đường tắt nào trong hành trình học tập trọn đời. Người lớn chúng ta chỉ có thể trải nghiệm thật nhiều để tìm về đứa trẻ bị đánh mất thuở nào. Chúng ta phải rong ruổi trên hành trình học tập trọn đời để nhìn thấy vạn vật và nhìn thấu chính mình.
Các bài viết cùng chuỗi chủ đề Hành Trình Khai Minh: