Bên cạnh việc đọc sách cùng bố mẹ thì trẻ vô cùng yêu thích được nghe kể chuyện. Trẻ từ 3 tuổi trở lên đã bắt đầu có một vốn từ kha khá về thế giới xung quanh. Trẻ cũng bắt đầu hình thành khả năng ghi nhớ và kể lại các câu chuyện nhỏ về thế giới của bé. Vì vậy bố mẹ hãy tận dụng cơ hội bắt đầu giáo dục trẻ qua những câu chuyện kể.
Để những câu chuyện kể mang tính giáo dục cao, bố mẹ hãy tập trung vào 3 yếu tố sau:
- Lựa chọn chủ đề phù hợp cho câu chuyện kể
- Kể chuyện khi nào, ở đâu và bao lâu?
- Tạo cơ hội cho trẻ tương tác với câu chuyện
LỰA CHỌN CHỦ ĐỀ CÂU CHUYỆN KỂ
Trẻ ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có vốn từ và khả năng hiểu khác nhau. Ngay cả cùng một độ tuổi và cùng giới tính thì mỗi bé cũng đều có những mối quan tâm và sở thích không giống nhau.
Bố mẹ sẽ là người hiểu con mình nhất, biết được bé thích gì, vừa trải qua những sự kiện gì và cá tính của bé là gì. Vì vậy bố mẹ sẽ dễ dàng biết chủ đề nào là chủ đề trẻ muốn nghe kể.

Một chủ đề như thế nào sẽ hấp dẫn với trẻ?
Một chủ đề hấp dẫn đối với trẻ phải là chủ đề có liên quan đến trẻ hoặc khiến trẻ quan tâm.
- Bố mẹ có thể có thể kể chuyện về nơi bé học, nơi bé chơi. Bố mẹ cũng có thể kể về những sự kiện xảy ra mà bé có chứng kiến hoặc liên quan tới những người thân của bé.
- Bố mẹ có thể phát triển câu chuyện từ những câu hỏi trong ngày của bé. Từ đó khéo léo lồng ghép các kiến thức, lời dạy để tập cho bé có khả năng quan sát thấu đáo cũng như suy luận tốt hơn.
Ví dụ như bé của tôi rất thích những gì liên quan đến xe cộ, robot. Bé cũng thích chủ đề về xây dựng nhà cửa. Lúc bé mới 1-2 tuổi thì tôi chỉ đơn giản dạy cho bé gọi tên các loại xe. Khi ngồi trên xe bus bé được quan sát rất nhiều loại xe trên đường. Tôi sẽ chỉ và nói to tên xe cho bé.
Đến khi bé lên 3 thì tôi bắt đầu mô tả sự khác nhau của các loại xe . Lúc này bé cũng đã bắt đầu đưa ra ý kiến của riêng mình.
Các câu chuyện tôi thường kể là về một ngày làm việc của một loại xe bất kỳ nào đó mà bé thích. Ví dụ như xe múc, xe cẩu, xe đầu kéo, xe rác… Qua những câu chuyện này thì bé sẽ được dạy về chức năng hữu ích khác nhau của các loại xe.
Hãy kết nối câu chuyện kể với các cuốn sách trẻ đọc

Kể chuyện và đọc sách là hai hoạt động giáo dục trẻ cần tiến hành cùng nhau và bổ trợ cho nhau.
Vì vậy việc lựa chọn chủ đề của câu chuyện kể sẽ gần giống với việc lựa chọn mua sách gì đọc cho trẻ.
Bố mẹ cũng có thể lấy các ý tưởng từ các cuốn sách trẻ đang được đọc để phát triển hoặc tạo nên chủ đề mới cho câu chuyện kể bé nghe.
Thậm chí bố mẹ cũng có thể dựa vào các tập phim hoạt hình mà trẻ xem trong ngày để kể. Ví dụ như con gái 4 tuổi của tôi mỗi ngày được xem tivi 30 phút. Bé thường coi Peppa pigs, Wolfoo hoặc biệt đội chó cứu hộ Marshall. Tôi sẽ lấy chất liệu, nhân vật và chủ đề từ các tập phim này.
Thông thường các phim hoạt hình đều lồng ghép các câu chuyện mang tính giáo dục trẻ. Bố mẹ có thể bổ sung thêm một vài lời khuyên liên quan đến tập phim mà bé xem gần nhất.
Sau khi đã chọn được chủ đề phù hợp, bố mẹ sẽ lựa chọn thời gian và địa điểm thích hợp để kể chuyện.
KỂ KHI NÀO, Ở ĐÂU VÀ BAO LÂU?
Kể khi nào?
Bố mẹ có thể xây dựng một khung giờ kể chuyện cố định, tuyệt vời nhất là trước giờ đi ngủ. Con gái tôi vẫn còn ngủ chung với tôi nên thường sau khi đã chuẩn bị giường ngủ và tắt đèn thì tôi sẽ kể cho bé nghe một câu chuyện. Việc này xuất phát điểm là do bé yêu cầu.
Tối nào tôi cũng dành khoảng 10-15ph đọc sách cho bé nghe. Nhưng sau khi đã lên giường thì bé sẽ nài nỉ thêm một câu chuyện “rất rất vui rất rất nhỏ xíu” mà dần dần sau này đã trở thành một câu chuyện “gì cùng được miễn là rất rất to nha mẹ!”.
Ngoài khung giờ cố định thì bố mẹ có thể tuỳ thuộc vào hoàn cảnh để kể thêm nhiều câu chuyện cho trẻ.
Đó là khi trẻ có những câu hỏi và sau này lớn hơn là khi trẻ tâm sự với bố mẹ.
Nếu thời gian cho phép hãy giải thích thật cặn kẽ cho những câu hỏi của con. Nếu ngay lúc con hỏi mà bố mẹ không có thời gian thì có thể giải thích nhanh và kèm với lời hứa sẽ nói kỹ hơn về chủ đề mà trẻ đang thắc mắc. Sau đó, ngay khi sắp xếp được thời gian, có thể là đến khung giờ kể chuyện trước giờ ngủ, bố mẹ kể câu chuyện để giải thích rõ ràng cho câu hỏi của con.
Kể ở đâu?
Kể ở đâu đi liền với kể khi nào, như hai cụm từ không gian và thời gian luôn song hành khắng khít vậy. Khi đã có thời gian thích hợp, hãy chọn không gian thích hợp. Không gian lý tưởng dù là để trò chuyện hay kể chuyện thì đều phải có sự yên tĩnh nhất định. Vì nếu bố mẹ kể trong không gian ồn ào hay quá nhiều thứ gây xao nhãng thì trẻ sẽ không tập trung lắng nghe.
Thậm chí ngay khi trẻ đang tò mò và đặt câu hỏi nhưng không gian xung quanh không cho phép trò chuyện một cách tập trung thì bố mẹ hãy thương lượng với trẻ là để dành một lúc khác, ở một nơi khác phù hợp hơn.
Hãy luôn nhớ, đừng bao giờ gắt gỏng với những câu hỏi tò mò của con. Vì đó là cách nhanh nhất giết chết tính đam mê khám phá tìm tòi của trẻ.

Kể bao lâu?
Không có một thời lượng giới hạn cụ thể nào cho mỗi lần kể chuyện. Bố mẹ hãy tập nhận biết bằng cách quan sát sự tập trung và hứng thú của trẻ khi nghe kể chuyện.
Hãy bắt đầu với những câu chuyện ngắn và nội dung đơn giản.
Ví dụ như là với trẻ từ 2 đến 3 tuổi thì một câu chuyện ngắn về các giai đoạn của hạt mầm từ lúc được gieo xuống đất đến khi nảy mầm, lớn lên, ra hoa và kết quả sẽ phù hợp. Từ 3 đến 5 tuổi thì câu chuyện có thể dài hơn và “khó” hơn, ví dụ như một hạt bắp khi ăn vào sẽ được tiêu hoá như thế nào trong cơ thể con (câu chuyện này tôi kể theo cuốn sách “Vì sao chúng mình đi vệ sinh?”)
Thời lượng kể chuyện trước khi đi ngủ có thể là từ 5-10 phút. Còn các khoảng thời gian khác trong ngày thì tuỳ vào tình huống và thời gian cho phép mà bố mẹ có thể sắp xếp để kể chuyện. Hãy luôn nhớ rằng thời lượng câu chuyện nằm ở chỗ cả bố mẹ và trẻ đều phải duy trì được sự hứng thú trong xuyên suốt hoạt động kể/nghe.
Sau khi đã sắp xếp được thời gian, không gian, lựa chọn chủ đề và thời lượng câu chuyện thì bố mẹ hãy chuyển đến phần 3 để tìm hiểu yếu tố then chốt cuối cùng. Yếu tố này không những giúp trẻ hứng thú nghe kể mà còn học được cách tự kể chuyện.

TẠO CƠ HỘI CHO TRẺ TƯƠNG TÁC VỚI CÂU CHUYỆN
Cách thức tương tác khác nhau tuỳ độ tuổi
Một câu chuyện tạo sự tương tác đến từ việc lựa chọn chủ đề và cách dẫn dắt câu chuyện. Bố mẹ hãy tạo ra sự liên kết mà trẻ có thể hiểu và đưa ra ý kiến được.
Ở độ tuổi 2-3 tuổi biểu hiện của sự tương tác đó là trẻ gật gù, thích thú và có thể lặp lại một số từ hay câu mà bố mẹ kể. Từ 3-5 tuổi, trẻ bắt đầu biết ý kiến, biết hỏi lại nếu chưa hiểu hay thậm chí là thử thách bố mẹ với một ngàn câu hỏi vì sao.
Trẻ càng lớn thì khả năng tương tác càng cao. Lúc này kể chuyện sẽ dần trở thành trò chuyện. Bố mẹ vẫn bắt đầu câu chuyện với một chủ đề nhưng khéo léo đặt các câu hỏi cho con.
Hãy để trẻ được tham gia vào câu chuyện
Có lần tôi kể một câu chuyện lấy từ tập phim hoạt hình Peppa pigs mà con gái tôi xem trong ngày nhưng tôi quên mất các chi tiết nhỏ trong đó. Thế là con gái tôi giúp hoàn thiện các điểm khuyết trong câu chuyện.
Bố mẹ hãy nhớ sự tương tác đến từ hai phía. Vì vậy khi tạo cơ hội cho trẻ tương tác thì chính bố mẹ cũng phải là một phần trong mối tương tác đó. Bố mẹ càng hào hứng với câu chuyện kể hay cuộc chuyện trò bao nhiêu thì con trẻ cũng sẽ được tác động và chủ động tham gia vào cùng bấy nhiêu.
Từ đó kể chuyện cho con không những là hoạt động giáo dục bổ ích mà còn là hoạt động gắn kết giữa bố mẹ và con cái với nhau.
Bạn có thể đọc thêm về chủ đề Nuôi dạy con qua bài viết dưới đây:
Vì sao bố mẹ và con cái không nên trở thành bạn đồng trang lứa?
Phần Kết
Bố mẹ đã thấy được tầm quan trọng của những câu chuyện đối với giáo dục con trẻ. Bản chất con người là thích nghe kể chuyện, con trẻ cũng không phải là ngoại lệ. Hãy lồng ghép những lời khuyên, những kiến thức bổ ích vào câu chuyện kể.
Để tạo cũng như duy trì sự hứng thú cho trẻ khi nghe kể chuyện, bố mẹ hãy lưu tâm đến 3 yếu tố quan trọng:
Đó là lựa chọn chủ đề thích hợp, lựa chọn không gian thời gian và thời lượng phù hợp cũng như tạo cơ hội cho trẻ tương tác với câu chuyện.
Và trên hết, mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt mà chỉ bố mẹ mới hiểu tận tường. Bố mẹ hãy áp dụng và điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với con mình.
Cuối cùng bố mẹ hãy nhớ, kể chuyện chính là trò chuyện và đó là hình thức giao tiếp 2 chiều. Chính bố mẹ cũng là một phần quan trọng của hoạt động kể chuyện. Hãy cùng tham gia và tận hưởng thời gian quý giá bên con.
Bạn có thể tìm đọc các bài viết về chủ đề Chuyện Nhà tại đây:
https://valueyourday.com/category/chuyen-nha-chuyen-gia-dinh/
1 thought on “Giáo dục trẻ qua những câu chuyện kể”