Một buổi phỏng vấn thông thường sẽ kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Trong khi bạn có cả 5 đến 10 năm thành tựu với những công việc trước đó. Những dự án bạn dẫn dắt thành công cũng không hề ít. Bạn có rất nhiều điều hay ho để chia sẻ và quảng cáo bản thân mình. Nhưng bạn chỉ có chừng đó thời gian gói gọn trong một giờ phỏng vấn. Thậm chí còn ít hơn thế. Vì người phỏng vấn có xu hướng bị ấn tượng ban đầu ảnh hưởng đến quyết định. Nghĩa là bạn chỉ có vài phút để làm nổi bật giá trị của chính mình. Bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy được phiên bản rực rỡ nhất. Và quan trọng hơn sự rực rỡ ấy phải mang lại giá trị cho vị trí và công ty mà bạn ứng tuyển.
Cho nhà tuyển dụng thấy rõ sợi dây liên kết
Mục tiêu của nhà tuyển dụng thể hiện ngay trong 2 chữ “tuyển dụng”. Nghĩa là họ tìm người hữu dụng cho một vị trí cụ thể nào đó. Vậy làm thế nào để chứng minh là bạn hữu dụng? Bạn có thể giải quyết vấn đề mà họ đang gặp phải? Câu trả lời là hãy cho nhà tuyển dụng thấy được kết nối chặt chẽ giữa giá trị của bạn với điều họ đang tìm kiếm.
Bạn mang lại giá trị gì cho nhà tuyển dụng?
Hãy xem bảng mô tả công việc mà bạn đang ứng tuyển là một đề án. Họ đưa ra rất nhiều dữ kiện và yêu cầu. Nhưng chung quy lại bạn cần tìm ra đề bài mà nhà tuyển dụng đang muốn chúng ta giải là gì? Bài toán ở đây có thể là vấn đề, khó khăn và thử thách mà vị trí đăng tuyển cần bạn phải giải quyết. Vì vậy bạn phải chứng minh những kinh nghiệm và kỹ năng của mình giúp giải quyết vấn đề cụ thể đó như thế nào?
Nhà tuyển dụng sẽ quan tâm nhiều đến “Bằng cách nào?” hơn là “Điều gì?”. Nghĩa là những điều khiến bạn thành công trong quá khứ chưa chắc đã giúp bạn thành công ở vị trí mới. Bạn sẽ phải chỉ ra rõ ràng chiếc cầu nối giữa những giá trị bạn đã tạo ra với tiềm năng tạo nên giá trị rực rỡ trong vai trò mới. Họ cần bạn vận hành dòng chảy và thổi bay mọi vấn đề khiến dòng chảy ấy có thể bị tắc nghẽn. Vì vậy hãy luôn định hướng các câu trả lời của mình bằng tư duy tạo lập giá trị.
Mời bạn đọc bài viết về cách tạo nên bản CV đẳng cấp:
Bạn có phù hợp với văn hoá công ty đang ứng tuyển?
Một ứng viên dù có giỏi bao nhiêu nhưng không thích nghi được với văn hoá công ty thì sớm hay muộn đều bị đào thải. Cũng như mỗi loại cây đều cần trồng trên loại đất phù hợp thì mới ra hoa kết trái vậy. Bất kỳ công ty nào cũng làm việc dựa trên sự hợp tác của tập thể. Bạn không phải là siêu nhân mà có thể tự mình giải cứu thế giới. Bạn cần hợp tác với đồng nghiệp để giải quyết vấn đề và đạt được những mục tiêu đề ra.
Tìm hiểu về văn hoá công ty ngày nay đã dễ dàng hơn nhiều. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều thông tin hữu ích trên trang mạng của công ty. Từ sứ mệnh kinh doanh đến văn hoá và các quy tắc nền tảng. Những hoạt động xã hội mà công ty đó tham gia vào cũng là điều bạn nên quan tâm tới. Ngoài ra bạn nên tìm kiếm thông tin về nhà tuyển dụng, người sẽ phỏng vấn trực tiếp bạn. Điều này giúp bạn tạo nên cảm giác thân thuộc với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.
Việc tìm kiếm này giúp bạn nhận ra mình có phù hợp để làm việc và phát triển trong môi trường như vậy không? Hãy tỉnh táo! Đừng vì mục tiêu có công việc mà bạn đưa mình vào một nơi bạn cảm thấy không phù hợp ngay từ đầu. Hãy chọn mảnh đất mà bạn nghĩ mình có thể phát triển. Và từ đó hãy cho nhà tuyển dụng biết điều gì khiến bạn chọn công ty này, vị trí này? Hãy cho họ biết vì sao bạn nghĩ mình phù hợp với văn hoá công ty?
Sự chuẩn bị được ví như mặt bằng kinh doanh
Sự chuẩn bị tốt có thể khiến bạn nở hoa và ngược lại thiếu chuẩn bị sẽ khiến bạn rớt từ vòng gửi xe. Thiếu đi sự đầu tư kỹ lưỡng này thì cũng giống như bạn đi mở cửa hàng ở nơi chẳng có ai qua lại. Dù bạn có giỏi, có phù hợp bao nhiêu nhưng người ta không thấy bạn. Những gì bạn thể hiện ở buổi phỏng vấn lại không phải là phiên bản rực rỡ nhất. Đừng để điều đáng tiếc như vậy xảy ra.
Diễn tập dựa vào danh sách câu hỏi tuyển dụng
Danh sách các câu hỏi thường được hỏi trong buổi phỏng vấn luôn có sẵn trên các trang mạng. Thậm chí bạn có thể tìm thấy các hướng dẫn trả lời sao cho thuyết phục nhà tuyển dụng nhất. Việc của bạn là hãy tạo ra các kịch bản cho câu trả lời của riêng mình. Bạn đừng nghĩ rằng chỉ cần mường tượng câu trả lời trong đầu là xong. Không, bạn cần phải rõ ràng đến từng câu chữ cụ thể là gì. Vì thời gian bạn có trong một buổi phỏng vấn là vô cùng ngắn ngủi.
Hãy lên sẵn nội dung câu trả lời. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị sẵn cho mình một thư mục các phương án. Nghĩa là các thành tựu cụ thể, những thành công của bạn. Hãy tạo sẵn kịch bản dựa theo mô hình ngôi sao (STAR). STAR viết tắt của Situation_tình huống, Task_nhiệm vụ, Action_Hành động của bạn, Result_Kết quả. Sau đó cất các kịch bản này vào một thư mục gọi là Toolbox trong đầu bạn. Để bất cứ khi nào bạn cần lấy ra một hay vài câu chuyện cụ thể là bạn đã có sẵn để dùng ngay lập tức.
Kỹ thuật diễn tập trong lúc thư giãn
Bộ não của chúng ta học trong lúc ngủ và trong lúc chúng ta chẳng học gì cả. Điều này có nghĩa là hãy cho mình những khoảng trống để não hồi tưởng lại. Đây là cách mà não bộ đưa các thông tin cần thiết vào bộ nhớ dài hạn. Khi bạn đã có kịch bản trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn. Hãy dùng nó khi bạn đi dạo và cả khi bạn ngủ.
Ở đây có 2 kỹ thuật mà tôi muốn chia sẻ với bạn đó là:
- Walk a talk: Vừa đi vừa nói. Bạn có thể nói to hoặc lẩm nhẩm trong khi bạn đi bộ. Tôi thường kết hợp kỹ thuật này với hoạt động đi bộ thể dục hàng ngày của mình. Điều này không chỉ áp dụng cho diễn tập các câu trả lời phỏng vấn mà còn cho việc học ngoại ngữ của tôi. Hãy thử và cảm nhận sự hiệu quả mà nó mang lại.
- Sleep a talk: Diễn tập trong khi ngủ. Khi đã có kịch bản cho các câu trả lời phỏng vấn, hãy giao bài tập cho não bạn trước khi ngủ. Và thật kì diệu, trong khi bạn ngủ thì não bộ sẽ làm bài tập mà bạn đã đưa cho nó. Nghĩa là nó sẽ diễn tập trả lời phỏng vấn dù bạn đang ngủ.
Phỏng vấn giả lập và ghi hình để xem lại
Bạn có thể nhờ một người bạn hoặc người thân của mình đóng vai nhà tuyển dụng. Họ chỉ cần hỏi bạn các câu hỏi có sẵn mà bạn đã lên kịch bản. Đừng xem nhẹ buổi phỏng vấn giả lập. Vì nó sẽ tạo cho bạn cảm giác quen thuộc với không khí của một buổi phỏng vấn thật.
Nếu bạn phải phỏng vấn qua cuộc gọi video, hãy tự ghi hình mình khi diễn tập. Bạn cần biết mình trông như thế nào và nghe như thế nào trên video. Làm quen với camera cũng là điều không kém phần quan trọng. Bạn luôn muốn mình trông thật tự nhiên đúng không? Hãy diễn tập với camera hoặc chiếc gương cho đến khi bạn có thể nói một cách lưu loát nhất.
Key takeaways
Phỏng vấn chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ ai. Tuy nhiên với sự chuẩn bị và tập dượt kỹ càng, chúng ta có thể khiến nó tốt nhất có thể. Bạn mang đến cuộc phỏng vấn phiên bản rực rỡ nhất của mình. Hãy nhớ rằng phỏng vấn cũng chính là một cuộc trò chuyện. Bạn trả lời nhà tuyển dụng là để chia sẻ giá trị của mình. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi nếu thấy cần thiết. Hãy luôn duy trì một bầu không khí thân thiện và tôn trọng lẫn nhau giữa hai bên.
Walk a talk và sleep a talk là 2 kỹ thuật được giới thiệu để giúp cho bạn diễn tập hiệu quả hơn. Cũng đừng quên thực hiện buổi phỏng vấn giả lập và ghi hình chính bạn. Nó sẽ giúp bạn xây dựng phong thái tự tin. Khi bạn có thể nói lưu loát 100 lần thì lần thứ 101 chắc chắn không thể chệch đi đâu được. Hy vọng với các kịch bản, bộ công cụ thành tựu đã được diễn tập kỹ càng, bạn sẽ chinh phục được nhà tuyển dụng.
Mời bạn đọc các bài viết cùng chuỗi chủ đề Chuyện Nghề:
https://valueyourday.com/category/chuyen-nghe-tu-duy-cong-viec